Hướng tới vùng phát triển xanh, bền vững

Xác định vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 11) đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; tầm nhìn đến năm 2045, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Quan điểm của Trung ương nêu rõ, phát triển nhanh và bền vững vùng, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của nhân dân trong vùng so các vùng khác là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các địa phương trong vùng và cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách chụp ảnh tại bia Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng (Điện Biên). Ảnh: LINH HỒNG
Du khách chụp ảnh tại bia Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng (Điện Biên). Ảnh: LINH HỒNG

Nghị quyết số 11 thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng nhằm tạo chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - nơi "địa đầu", "phên giậu", "lá phổi" của Tổ quốc. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử với truyền thống cách mạng vẻ vang; là "cội nguồn dân tộc"; "cái nôi của cách mạng Việt Nam", nổi tiếng với nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, phong cảnh núi non hùng vĩ và thiên nhiên tươi đẹp bốn mùa… Đó là tiềm năng, lợi thế để các địa phương chọn hướng khai thác và phát triển riêng, hài hòa trong sự phát triển chung của vùng, cùng hợp lực tạo nên vùng kinh tế phát triển xanh, vững chắc nơi địa đầu phía bắc Tổ quốc.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Điện Biên là địa phương có tiềm năng du lịch, đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ-Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (hầm Đờ Cát). Điện Biên có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm các hang động, nguồn nước khoáng, như rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động Pa Thơm, Thẩm Púa; suối khoáng nóng Hua Pe, U Va... cùng nền văn hóa phong phú và đặc sắc của 19 dân tộc anh em.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, định hướng phát triển kinh tế địa phương dựa trên ba "trụ cột": Du lịch trải nghiệm văn hóa lịch sử, nông nghiệp thông minh và công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ. Đối với du lịch, thu hút đầu tư có chọn lọc, một số cụm, ngành du lịch mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế...

Ở các địa phương khác trong vùng, nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế, cơ cấu kinh tế vùng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản. Năm 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,95% trong GRDP toàn vùng, giảm 6,5 điểm phần trăm so với năm 2010; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,41%, khu vực dịch vụ chiếm 34,73…

Tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù

Thực hiện chiến lược phát triển vùng, nhiều địa phương trong vùng đã tận dụng, phát huy cao nhất cơ chế, chính sách và hỗ trợ của Trung ương để phát huy lợi thế mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế-xã hội. Rõ nét nhất là việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất tập trung.

Trong giai đoạn 2014-2020, đã hình thành và phát triển một số vùng cây hàng hóa như vùng chè, vùng lúa, vùng quả... chiếm tỷ trọng khá so với toàn quốc như cây chè (79%), cây ăn quả (23%), cây ngô (35%); một số vùng lúa hàng hóa đặc sản tập trung, chuyên canh, có thương hiệu như nếp Tú Lệ, gạo Séng Cù, tẻ nương Mộc Châu, nếp Cẩm...

Năm 2020, vùng có 265 nghìn héc-ta trồng cây ăn quả và trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ hai trên cả nước, sau vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều giống chè mới được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như chè Tuyết Shan, Ôlong... (Thái Nguyên, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ...); có 30 nghìn héc-ta trồng cao-su (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La). Cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế đã được chú trọng bảo tồn và phát triển: hồi 36 nghìn héc-ta, quế 6,6 nghìn héc-ta, sa nhân 2,8 nghìn héc-ta (Lạng Sơn, Hà Giang...).

Tại Nghị quyết số 11, Trung ương đặt ra nhóm giải pháp hàng đầu là tập trung hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng. Theo đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức ở các cấp, ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng. Đáng chú ý là tư duy phát triển cần được đổi mới, nhất là về liên kết vùng; về cơ chế, chính sách đặc thù; phân bổ nguồn lực; nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng.

Và hơn hết, Nghị quyết hướng tới phát triển toàn diện với người dân là trung tâm, người dân là mục tiêu và là động lực. Phát triển kinh tế vùng phải gắn với phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, theo hướng toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để văn hóa vùng thật sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng.

Để xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, các địa phương cần có những giải pháp có tính bền vững, bảo đảm tích hợp, đa ngành, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng-an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tạo nền tảng, động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển.