Đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics
Ðến hết năm 2021, cả nước đã xây dựng và phát triển 79 trung tâm logistics, bao gồm 48 trung tâm logistics đã đi vào hoạt động, 31 trung tâm logistics đang trong quá trình triển khai xây dựng. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng đang có tốc độ phát triển số lượng trung tâm logistics nhanh nhất cả nước với 12 trung tâm logistics đang được triển khai xây dựng trong tổng số 17 trung tâm logistics, hiện có 5 trung tâm logistics đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tổng thể chung vẫn còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra để thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ.
Là địa phương được xác định và kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm logistics của khu vực, hiện nay, Ðà Nẵng đang nỗ lực phát huy dư địa, tiềm năng, lợi thế để xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Ðông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền trung với vai trò trung tâm của Ðà Nẵng.
Hiện Ðà Nẵng đang gấp rút hoàn tất Ðề án "Phát triển dịch vụ logistics thành phố Ðà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng Kinh tế trọng điểm miền trung và Hành lang kinh tế Ðông-Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045", để sớm triển khai thực hiện. Theo đề án này, Ðà Nẵng xây dựng 5 trung tâm logistics chính, được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng diện tích 229ha, gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu quy mô 30ha đến năm 2030 và đến năm 2045 mở rộng lên 69ha; Trung tâm logistics Hòa Nhơn, quy mô 27ha đến năm 2030, năm 2045 lên 54ha; Trung tâm logistics đường sắt, quy mô 5ha đến năm 2030, lên 10ha năm 2045; Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Ðà Nẵng, quy mô 4ha đến năm 2030, đến năm 2045 lên 8ha và Trung tâm logistics khu công nghệ cao, quy mô 3ha đến năm 2030, đến năm 2045 lên 20ha.
Bên cạnh đó, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác cũng có vai trò hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung nêu trên. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Ðà Nẵng vẫn trong trạng thái xây dựng, kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn vào xây dựng các trung tâm logistics-trọng tâm đang là Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu vừa khởi công vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam, cảng biển Chu Lai đã được quy hoạch thành cảng loại 2 (cảng quốc gia, đầu mối khu vực), đồng thời đang tiến hành đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn DWT, mục tiêu là cảng chuyên dụng về container, cửa ngõ ra Biển Ðông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào; Quy hoạch sân bay Chu Lai là Trung tâm logistics container.
Với lợi thế các tuyến đường bộ cao tốc kết nối cùng với vùng hậu cần trung tâm công nghiệp, kinh tế, Quảng Nam đang thúc đẩy mở rộng sân bay, cảng biển ở Chu Lai, hình thành một trung tâm logistics tầm cỡ khu vực chứ không riêng Vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Tại Nha Trang, hai dự án cảng biển tổng hợp này đã đi vào hoạt động, góp phần phục vụ kinh tế hàng hải của địa phương và các khu vực lân cận, từng bước trở thành trung tâm logitics lớn, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt kết nối với thị trường Tây Nguyên rộng lớn và đầy tiềm năng.
Trong đó, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong nằm trên trục Quốc lộ 26B kết nối với đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, liền kề KCN Ninh Thủy với diện tích 207,9ha, cách thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk khoảng 120km, hiện nay phần lớn nguồn hàng thông qua cảng để phục vụ cho địa phương và khu vực Tây Nguyên.
Không nên chia nhỏ "thị phần"
Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Công thương đề xuất, gợi mở nhiều vấn đề sát thực với hiện trạng logistics Việt Nam nói chung, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói riêng. Theo đó, Bộ Công thương đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ theo các quy hoạch liên quan để bố trí quỹ đất phù hợp phát triển hệ thống trung tâm logistics.
Khu vực vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có nhiều đô thị gắn liền với các khu kinh tế và khu công nghiệp. Toàn khu vực có khoảng 15 khu kinh tế và khoảng 95 khu công nghiệp. Trong đó có những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp như Quảng Nam với 13 KCN, Nghệ An với 11 KCN, Quảng Bình 10 KCN, thành phố Ðà Nẵng với 6 KCN... Việc xây dựng trung tâm logistics kết nối khu vực, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối, hình thành nhiều khu đô thị mới, tác động mạnh mẽ đến chuyển đổi những vùng nông nghiệp lạc hậu thành các đô thị công nghiệp hiện đại, chuyển đổi các khu vực kém phát triển thành các khu vực đô thị chất lượng. Việc đang đầu tư xây dựng trung tâm logistics kết nối khu vực tại các địa phương như hiện nay, nếu như không có sự kết hợp xâu chuỗi, dễ gặp nhiều khó khăn.
Ðà Nẵng hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia cung ứng các hoạt động liên quan dịch vụ logistics, trong đó gần 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp. Lượng nhân lực tham gia logistics trên địa bàn chiếm khoảng 2,7% nguồn lao động logistics trên cả nước và khoảng 40% nguồn lao động logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm miền trung, với khoảng 14.000 lao động. Dù có lợi thế lớn song để xây dựng trung tâm logistics, ngành logistics của Ðà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực, vẫn còn quá nhiều khó khăn. Cần "một nhạc trưởng" với tầm nhìn chiến lược lâu dài, hướng tới xây dựng các trung tâm logistics quy mô lớn để có thể phục vụ liên vùng thay vì chỉ phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp của địa phương như hiện nay ■