Hướng tới giảm nghèo bền vững ở Thừa Thiên Huế

Tại Thừa Thiên Huế, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo có những chuyển biến tích cực nhưng còn thiếu bền vững. Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu, giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2022-2025, tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đến các cấp, ngành và địa phương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến và đồng thuận của toàn xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) vay vốn giải quyết việc làm để nuôi cá mú, cá vẫu trên đầm phá.
Nông dân xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) vay vốn giải quyết việc làm để nuôi cá mú, cá vẫu trên đầm phá.

Đây được xem là điều kiện quan trọng trong việc phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Giảm nghèo nhưng chưa bền vững

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thừa Thiên Huế có hơn 1.000 hộ tham gia. Rất nhiều xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản có hiệu quả. Đặc biệt, qua chương trình đã nhân rộng một số mô hình giảm nghèo trọng điểm cho người dân các địa phương như: Nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu; nuôi lợn nái Phong Điền; sản xuất nông nghiệp tổng hợp huyện Quảng Điền; nuôi cá hồng mỹ, nuôi cá vẩu, nuôi gà thả vườn, nuôi cá nước ngọt ở huyện Phú Vang; nuôi gà trên đệm lót sinh học ở huyện Phú Lộc. Thực hiện phương châm “trao cần câu hơn xâu cá”, hai huyện A Lưới và Nam Đông tận dụng, khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình làm ăn giỏi, có uy tín trong cộng đồng tham gia giúp đỡ, hướng dẫn hộ nghèo học tập, làm theo từ các mô hình sản xuất, sinh kế hiệu quả.

Thực tế, nhiều địa phương ở Thừa Thiên Huế đã có những cách làm hay và mới giúp các hộ dân thoát nghèo. Các xã, phường và thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết đến từng hộ gia đình; đồng thời, nắm chắc số hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhu cầu hỗ trợ của người nghèo về vốn, học nghề, tạo việc làm. Thí dụ thời gian qua, huyện Phú Lộc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 24 hộ nghèo; hỗ trợ về nước sạch và công trình nhà vệ sinh cho 41 hộ; hỗ trợ mô hình sinh kế cho 54 hộ; vốn để đầu tư sản xuất và chăn nuôi cho 42 hộ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 57 hộ; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 75 hộ; ưu đãi giáo dục-đào tạo cho 28 hộ...

Phương thức hỗ trợ người nghèo ở các địa phương cũng dần thay đổi. Tiêu chí đặt ra của các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là ưu tiên tạo sinh kế, hạn chế “cho không” và tập trung xóa các thiếu hụt cụ thể của từng hộ gia đình. Ở các xã nghèo vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng tập huấn, hướng dẫn trực tiếp các mô hình phát triển sinh kế, sản xuất theo phương pháp “lớp học hiện trường”.

Hướng tới giảm nghèo bền vững ở Thừa Thiên Huế ảnh 1

Mô hình chăn nuôi gia cầm của đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Nam Đông.

Nhờ các cách làm hay, mô hình kinh tế mới hiệu quả, theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đặng Hữu Phúc, giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm. Đầu 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 8,36%; đến cuối năm 2020 giảm chỉ còn 3,45%; bình quân tỷ lệ giảm nghèo hằng năm 0,98%, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ giao là 0,87%/năm và Nghị quyết Tỉnh ủy giao là 0,9%/năm; đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,45%/năm.

Tuy nhiên trên thực tế, công tác giảm nghèo còn nhiều vấn đề đặt ra. Khảo sát theo phiếu điều tra hộ nghèo gần đây của huyện Nam Đông cho thấy, các nguyên nhân gây nghèo là: Người dân không có đất sản xuất; không có vốn sản xuất, kinh doanh; không có lao động; không có phương tiện, công cụ sản xuất; không có kiến thức về sản xuất; không có kỹ năng lao động sản xuất; có người đau bệnh nặng, tai nạn... Hiện nay, người nghèo đang được hưởng thụ nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tuy nhiên ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân chưa cao dẫn đến tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để khắc phục, trong giai đoạn 2016-2020, chính sách giảm nghèo được thiết kế theo hướng hạn chế “cho không”, tăng “cho vay”. Tuy nhiên, chủ trương này chưa thật sự hiệu quả khi chính sách giảm nghèo vẫn xem người nghèo là đối tượng trợ giúp xã hội chứ không phải là đối tác để phát triển. Chính vì quan điểm tiếp cận này mà chính sách giảm nghèo vẫn đang nghiêng về “trao con cá” thay vì “trao cần câu và dạy cách câu”.

Để giảm nghèo hiệu quả

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Để đạt được điều này, “đến năm 2025: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2-2,2%”; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 3/10/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2-2,2%. Trong đó, khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,5%, khu vực miền núi giảm còn dưới 5%; khu vực thành thị (gồm các phường, thị trấn) không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo không có khả năng lao động); các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm hơn 3%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh bảo đảm giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước.

Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, đề án “Giảm nghèo bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025” đang được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng, áp dụng theo phương pháp “giảm nghèo theo địa chỉ”. Bản chất của hình thức này là lấy hộ nghèo làm trung tâm. Từng cấp cơ sở phải rà soát đặc điểm, nhu cầu, phương án sinh kế của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đến từng hộ. Kế hoạch, giải pháp phải xuất phát từ phương án sinh kế của từng hộ, tổng hợp thành một số mô hình sinh kế (cây con, ngành nghề, dịch vụ) để xây dựng dự án hợp tác phát triển sản xuất...

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo..., xem nhiệm vụ giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương tự tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả công tác giảm nghèo để đưa ra các giải pháp cụ thể, chỉ tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2022-2025.

“Việc xây dựng tiêu chí giảm nghèo phải đi từ cơ sở để có cái nhìn khách quan từ địa phương, từ đó phân công trực tiếp cán bộ xã, phường hỗ trợ cho người dân trong công tác giảm nghèo. Các đơn vị phải sáng tạo hơn trong thực hiện các mô hình giảm nghèo; mỗi xã, phường phải xây dựng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn từ đó nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi tư duy ỷ lại, từng bước thoát nghèo bền vững”, đồng chí Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.