Hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai Bộ luật Tố tụng Dân sự

1. Về Điều 161 của BLTTDS:

Khi xét thấy cần khởi kiện vụ án tại Tòa án (TA) có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thì cá nhân, cơ quan, tổ chức phải làm đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 của BLTTDS và cần phân biệt như sau:

- Đối với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

- Đối với cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó.

- Đối với cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 Mục 1 này), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.

- Đối với cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.

2. Về Điều 168 của BLTTDS

Để xác định thời hiệu khởi kiện đã hết hay chưa, thì TA phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thời hiệu đối với quan hệ pháp luật cụ thể đó. Trường hợp pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện, thì việc xác định thời hiệu khởi kiện phải căn cứ vào quy định tại Điều 159 của BLTTDS và hướng dẫn tại Mục 2 Phần IV của Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của BLTTDS.

Người khởi kiện không có quyền khởi kiện là người không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 161 và Điều 162 của BLTTDS và hướng dẫn tại Mục 1 và Mục 2 Phần 1 của Nghị quyết này.

Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp các đương sự có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về các điều kiện để khởi kiện (kể cả quy định về hình thức, nội dung đơn kiện) nhưng đương sự đã khởi kiện khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của TA là trường hợp không thuộc một trong các quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của BLTTDS.

Việc trả lại đơn khởi kiện phải được TA thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết; trong đó cần ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 1 Điều 168 của BLTTDS. Thông báo này có thể được giao trực tiếp hoặc gửi cho người khởi kiện qua bưu điện. Việc giao hoặc gửi thông báo này phải có sổ theo dõi.

3. Về Điều 179 của BLTTDS

Điều 179 của BLTTDS quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử do đó, các thời hạn quy định trong Điều này đều được tính trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tùy từng trường hợp cụ thể, thời hạn chuẩn bị xét xử được tính như sau:

+ Trường hợp có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày TA thụ lý vụ án tối đa là:

- 4 tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của BLTTDS;

- 2 tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của BLTTDS.

+ Nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày TA thụ lý vụ án tối đa là:

- 6 tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của BLTTDS;

- 3 tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của BLTTDS.

+ Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và b tiểu mục 1.1 Mục 1 này mà phiên tòa không được mở trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với từng trường hợp được cộng thêm tối đa là 1 tháng nữa.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Trong trường hợp có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại kể từ ngày TA tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn nữa.

Về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

Đối với những vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 179 của BLTTDS mà thời hạn gần hết (thời hạn chuẩn bị xét xử còn lại không quá 5 ngày) mà thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thấy rằng vụ án phức tạp nên chưa thể ra được một trong những quyết định quy định tại khoản 2 Điều 179 của BLTTDS, thì cần phải báo ngay với Chánh án TA để ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

"Những vụ án có tính chất phức tạp" là những vụ án có nhiều đương sự có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú học tập, làm việc ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài cần phải có thời gian ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cho TA nước ngoài.

"Trở ngại khách quan" là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu... làm cho TA không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định.

"Lý do chính đáng" quy định tại khoản 3 Điều 179 của BLTTDS được hiểu là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được như: Cần phải có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử mà người có thẩm quyền chưa cử được người khác thay thế; vụ án có tính chất phức tạp đã được xét xử nhiều lần ở nhiều cấp TA khác nhau, nên không còn đủ thẩm phán để tiến hành xét xử vụ án đó mà phải chuyển vụ án cho TA cấp trên xét xử hoặc phải chờ biệt phái thẩm phán từ TA khác đến... nên cản trở TA tiến hành phiên tòa trong thời hạn quy định.

4. Về Điều 181 của BLTTDS

"Tài sản của Nhà nước được hiểu là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước quy định tại Điều 200 của BLDS năm 2005 và được điều chỉnh theo các quy định tại Mục 1 Chương XIII của BLDS năm 2005.

"Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản của Nhà nước là trường hợp tài sản của Nhà nước bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật, do hợp đồng vô hiệu, do vi phạm nghĩa vụ dân sự gây ra và người được giao chủ sở hữu đối với tài sản nhà nước đó có yêu cầu đòi bồi thường.

Tòa án không được hòa giải vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật (giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật) hoặc trái đạo đức xã hội, nếu việc hòa giải nhằm mục đích để các bên tiếp tục thực hiện các giao dịch đó. Trường hợp các bên chỉ có tranh chấp về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu do trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu đó.

5. Về Điều 208 của BLTTDS

Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không quá 30 ngày kể từ ngày HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa.

Nếu phiên tòa xét xử một vụ án bị hoãn nhiều lần thì thời hạn của mỗi lần hoãn phiên tòa không được quá giới hạn cho phép là 30 ngày kể từ ngày HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa của lần đó. Thời hạn hoãn phiên tòa không tính vào thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 179 của BLTTDS và được hướng dẫn tại Mục 1 Phần III của Nghị quyết này. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm việc mở phiên tòa xét xử vụ án theo đúng quy định thì sau khi hoãn phiên tòa Tòa án phải có kế hoạch mở lại phiên tòa trong thời gian sớm nhất mà không nhất thiết phải để đến 30 ngày mới mở lại phiên tòa.

Quyết định hoãn phiên tòa phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 208 của BLTTDS và ghi theo đúng mẫu quyết định ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Trường hợp đã ấn định được ngày mở lại phiên tòa, thì trong quyết định hoãn phiên tòa phải ghi thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa. Nếu chưa ấn định được ngày mở lại phiên tòa thì trong quyết định ghi về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa sẽ được Tòa án thông báo sau.

Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX thông báo công khai quyết định hoãn phiên tòa cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa biết và giao ngay cho họ quyết định này. Đối với người vắng mặt và VKS cùng cấp thì Tòa án gửi ngay quyết định hoãn phiên tòa. Quyết định này được coi như giấy triệu tập mới đối với đương sự, nếu trong quyết định đã ghi thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.

Trong trường hợp có sự thay đổi về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa, thì Tòa án phải thông báo ngay cho VKS cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.

HĐXX không được hoãn phiên tòa vì lý do tại phiên tòa đương sự yêu cầu hoãn phiên tòa để nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc để ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay mình.

Nếu tại phiên tòa, đương sự xuất trình tài liệu, chứng cứ mới mà có yêu cầu giám định bổ sung đối với tài liệu, chứng cứ đó hoặc giám định lại (kể cả việc tài sản mới được phát hiện cần phải định giá) và xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại (định giá) là cần thiết cho việc giải quyết vụ án, thì HĐXX quyết định giám định bổ sung, giám định lại (định giá) và căn cứ vào khoản 4 Điều 230 của BLTTDS ra quyết định hoãn phiên tòa.

Việc ra quyết định trưng cầu giám định, ra quyết định định giá tài sản được thực hiện theo hướng dẫn tại các mục 6 và 7 Phần IV của Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17-9-2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS "Về chứng minh và chứng cứ".

Nếu trước khi sắp hết thời hạn hoãn phiên tòa mà chưa có kết quả giám định, kết quả định giá thì thẩm phán căn cứ vào khoản 4 Điều 1 89 của BLTTDS ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.