Thực hiện Chương trình phát triển giao thông giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, với hơn 1.372 km đường các loại được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới, góp phần bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải.
Gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, như: giai đoạn 1 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cầu Hưng Hà; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 38; nâng cấp, cải tạo ĐT 386; nâng cấp ĐT 378 (đê sông Luộc); xây dựng cầu La Tiến và đường dẫn 2 đầu cầu; cải tạo, nâng cấp ĐT 387 (Lương Tài - Bãi Sậy); cải tạo, nâng cấp ĐH 17 kéo dài đến ĐT379 và chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu và đồng chí Lê Văn Lương; hoàn thành các dự án nạo vét nâng cấp sông Điện Biên, sông Đồng Quê - Cửu An, các sông thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải...
Tuy mạng lưới đường giao thông đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm kết nối liên thông, liên hoàn giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ với hệ thống đường tỉnh và đường địa phương, nhưng hiện nay, nền kinh tế của tỉnh Hưng Yên và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang phát triển nhanh. Trong khi đó, việc kết nối với Hà Nội, Bắc Ninh vẫn còn hạn chế. Lưu lượng giao thông tăng cao trên một số tuyến đường trọng điểm, có thời điểm ùn tắc cục bộ, trục giao thông kết nối ngang từ đông sang tây còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu.
Hệ thống đường tỉnh, nhiều tuyến đường có quy mô nhỏ, chất lượng mặt đường chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ đạt cấp quy hoạch còn thấp (45,96%). Một số đoạn đường huyện, đường liên xã chưa được cứng hóa; nhiều tuyến đường xã, trục thôn, xóm được đầu tư theo hiện trạng nên mặt đường nhỏ, nhiều đường cong gấp và khuất tầm nhìn, gây mất an toàn giao thông. Chưa khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa bàn tỉnh. Hạ tầng các tuyến đường sông và việc kết nối vận tải thủy từ sông nội tỉnh ra sông Hồng còn hạn chế; hệ thống cảng, bến thủy nội địa chưa được quan tâm đầu tư đúng mức…
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX xác định, trong nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, với mục tiêu: Cơ bản đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch các công trình giao thông trọng điểm có vai trò động lực phát triển kinh tế, công trình tăng tính kết nối với thủ đô Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình và các tỉnh trong khu vực. Phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt. Phát triển vận tải an toàn, tiện lợi với chất lượng ngày càng cao; kiềm chế, tiến tới giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông, vận tải.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh Hưng Yên đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển mạng lưới giao thông tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan. Nghiên cứu quy hoạch và đầu tư các tuyến kết nối với thủ đô Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình và các tỉnh trong khu vực, trong đó có kết nối với đường Vành đai V Vùng thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình và kết nối với tuyến đường bộ ven biển; quy hoạch các tuyến kết nối với các khu công nghiệp, ga đường sắt, cảng thủy nội địa…; chú trọng quy hoạch và đầu tư một số tuyến kết nối ngang từ đông sang tây. Quy hoạch đường sắt đô thị.
Đồng thời quy hoạch, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh lên quốc lộ; một số tuyến đường huyện lên đường tỉnh; một số tuyến đường xã lên đường huyện. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển vận tải phù hợp với quy hoạch, chiến lược vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng thực tế yêu cầu phát triển của tỉnh, bảo đảm kết nối liên hoàn với các loại hình dịch vụ vận tải của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; nhất là, ưu tiên kết nối vận tải thủy với vận tải đường bộ, đường sắt thông qua hệ thống cảng, bến thủy nội địa, ga đường sắt, cảng cạn ICD và trung tâm Logicstic trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ giao thông, vận tải. Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, nhất là thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho các dự án giao thông lớn, trọng điểm của tỉnh để tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA và các nguồn vốn khác.
Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường quản lý đầu tư để bố trí vốn tập trung, triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ và không nợ đọng xây dựng cơ bản; ưu tiên bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh cho các dự án thực hiện theo chương trình vốn vay, vốn trung ương hỗ trợ và vốn ODA. Có cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư một số tuyến giao thông chính tạo điều kiện hình thành và phát triển đô thị mới của các huyện Văn Giang, Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào, thành phố Hưng Yên.
HĐND tỉnh Hưng Yên đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư bốn dự án đường giao thông quan trọng, có tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đoạn qua tỉnh Hưng Yên; dự án xây dựng đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án đường nối đường ĐH 45 xã Đồng Than với đường ĐT 376 xã Ngọc Long trên địa bàn huyện Yên Mỹ; dự án đường trục ngang kết nối Quốc lộ 39 với đường ĐT. 376.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đang thực hiện. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển lực lượng vận tải: từ phương tiện, đào tạo con người, hệ thống bến xe, cảng bến thủy nội địa, cảng ICD, trung tâm Logicstic.
Phát triển bền vững giao thông, vận tải gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Phát triển hạ tầng giao thông phải gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình giao thông, không để công trình đường bộ xuống cấp gây mất an toàn giao thông...