Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Liên quan vấn đề vaccine, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nêu rõ, để có nguồn vaccine nhanh nhất cho Việt Nam, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vaccine phòng Covid-19.
Có hai cách để các doanh nghiệp tham gia mua vaccine: Huy động tiền đóng góp cho Quỹ vaccine phòng Covid-19, hoặc doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu vaccine từ nguồn tin cậy.
Về việc kiểm soát chất lượng, vaccine hiện nay được nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp với chất lượng được nhà sản xuất bảo đảm. Tuy nhiên, do vaccine được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù: Chất lượng vaccine được nhà sản xuất bảo đảm nhưng phản ứng và hiệu quả còn cần được tiếp tục theo dõi. Thêm vào đó, có những loại vaccine được bảo quản trong điều kiện rất ngặt nghèo, thí dụ như có loại vaccine bảo quản nhiệt độ âm 75 độ C. Đặc biệt, do được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên vaccine khi về Việt Nam có một số nội dung chưa kiểm định được. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng vaccine không thực hiện theo những tiêu chí thông thường mà phải chấp nhận những vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận hoặc do một số nước châu Âu, Mỹ, Nga chứng nhận. Trong trường hợp này, phương pháp là chúng ta phải trực tiếp mua của nhà sản xuất, không qua trung gian vì khi vận chuyển vaccine về, chúng ta không kiểm soát được quá trình bảo quản vaccine có bảo đảm không, hoặc nhà sản xuất phải ủy quyền chính thức cho công ty nào và chúng ta được kiểm tra việc ủy quyền đó, nhưng khi mua, ta vẫn phải mua trực tiếp của nhà sản xuất.
Hiện nay, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số lượng vaccine này. Tuy nhiên, khi nhập khẩu, Việt Nam phải ký cam kết với nhà sản xuất vì họ yêu cầu chúng ta phải ký thỏa thuận trong miễn trách nhiệm khi sử dụng vaccine trong trường hợp có sự cố xảy ra. Thêm vào đó, các công ty đều bắt chúng ta thỏa thuận chấp nhận trường hợp nhà sản xuất giao hàng không đúng tiến độ. Sở dĩ có thỏa thuận này bởi Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Do vậy, có trường hợp vaccine đang chuyển về Việt Nam nhưng lại bị điều sang nước khác có tình trạng dịch bệnh cấp bách hơn. Tiến độ cung ứng vaccine hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất bởi cung chưa đủ cầu.
Từ tháng 8 trở đi, các nguồn vaccine Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều. Hiện nay, chúng ta đã mua được 170 triệu liều vaccine nhưng phải chấp nhận khả năng không được giao hàng đúng tiến độ vì các lý do đã nêu ở trên.
Về việc phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp (KCN), Thứ trưởng Y tế cho biết, hiện nay, các KCN là một trong những nơi tham gia thực hiện mục tiêu kép để phát triển kinh tế. Đây cũng là nơi khi dịch xảy ra thì tốc độ lây lan rất nhanh do tập trung đông người, điều kiện làm việc từ nhà ăn, khu vệ sinh, khu thay đồ… dễ làm lây lan dịch bệnh nhất.
Dịch Covid-19 lần này khác với những lần trước, trước đây, chúng ta đề nghị khoảng cách khoảng 2 m là do chủng virus cũ lây qua nước bọt, nước bọt chỉ bắn dưới 2 m là rơi. Chủng mới lây lan lần này đi qua không khí, không rơi, lơ lửng trong không khí vì thế, việc đeo khẩu trang là hết sức quan trọng. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị các phóng viên khi tuyên truyền cũng nói thêm là virus chủng này lây nhanh, nhưng tại sao lây nhanh, lý do là lây qua không khí nên cần phải tuân thủ việc đeo khẩu trang.
Với điều kiện làm việc tại các KCN như đã nói ở trên, Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt và có chính sách trước mắt là tập trung ưu tiên cho KCN, trong đó có việc tiêm vaccine cho công nhân các KCN. Với các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, vừa rồi vaccine về cũng chưa nhiều nhưng đã ưu tiên cho hai tỉnh này, mỗi tỉnh 150.000 liều để tiêm cho công nhân trong KCN.
Thứ hai, Ban Chỉ đạo tại địa phương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh đã có hướng dẫn, quan tâm rất đầy đủ đến công tác phòng, chống dịch cho công nhân các KCN như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang… để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, nhất là chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly để nếu có ca lây nhiễm thì cách ly ngay, tránh cách ly đông người, có thể lây chéo trong khu cách ly.
Vừa rồi, lãnh đạo Bộ Y tế có tháp tùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đi kiểm tra công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, thăm các KCN. TP Hồ Chí Minh đã rất chủ động mặc dù chưa có trường hợp mắc trong KCN. Nhưng đây là nơi luôn tiềm tàng nguy cơ xảy ra lây nhiễm Covid-19. Thành phố rất quyết liệt, các KCN của Thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các khu cách ly, sẵn sàng phương tiện phòng, chống dịch. Thành phố cũng quan tâm đến vấn đề tiêm vaccine. Với kết quả như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo các tỉnh mà TP Hồ Chí Minh là một ví dụ, chúng ta hy vọng rằng việc lây lan Covid-19, phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh nói chung sẽ được thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh.
* Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi hết sức quan trọng, sau 12 năm chúng ta có kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi này không chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp mà còn là căn cứ đánh giá toàn bộ quá trình dạy và học của các nhà trường, địa phương, từ đó có những cải tiến về nội dung và phương pháp dạy học, chương trình. Đây cũng là căn cứ cải tiến chất lượng. Phần lớn thí sinh đều dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học.
Năm nay có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó 3/4 lấy kết quả xét vào đại học. Kết quả này quan trọng vì kỳ thi tốt nghiệp THPT cho đến nay vẫn bảo đảm độ tin cậy, tính công bằng khi xét tuyển đại học, ảnh hướng lớn tới cả quá trình đào tạo và tốt nghiệp của thí sinh ở bậc đại học, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta. Vì vậy, tầm quan trọng của kỳ thi này cũng đã được khẳng định và đưa vào các quy định trong Luật Giáo dục.
Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương và cùng với các địa phương, với sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành khác đã có những bước chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để tổ chức kỳ thi đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ coi thi, những người làm công tác coi thi và tất cả hệ thống của chúng ta.
Theo kế hoạch, kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 7 và 8-7. Cho đến nay, công tác chuẩn bị đã diễn ra đúng tiến độ và nghiêm túc. Trong trường hợp đến thời điểm đó mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn các địa phương phải giãn cách xã hội, cách ly thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có phương án để thí sinh những vùng phải cách ly, những thí sinh bị cách ly về y tế sẽ được thi vào đợt 2. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn nữa, lan rộng, tác động xấu đến địa phương, tỉnh, thành phố, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để có những phương án điều chỉnh về thời gian tổ chức thi.
* Liên quan vấn đề sửa đổi đổi biểu giá điện, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ đạo hoàn thiện chính sách giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Sau đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công thương chủ trì sửa đổi các quy định tại Quyết định số 28 ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm phù hợp thực tế tiêu dùng điện của người dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong các năm 2018, 2020, Bộ Công thương đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định 28 nói trên.
Tuy nhiên, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ giá bán lẻ trong kinh doanh sang sản xuất sẽ làm tăng giá bán cho ngành sản xuất; việc cải tiến điều chỉnh số bậc thang của khách hàng sinh hoạt sẽ làm tăng giá của một nhóm khách hàng sinh hoạt để bảo đảm cân đối giá bán lẻ điện bình quân chung. Việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 28, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021, khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn và ổn đinh kinh tế vĩ mô.
Để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu cải tiến biểu giá điện bán lẻ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất phương án phân bổ chi phí cho các nhóm khách hàng, đánh giá tác động của phương án đến các nhóm khách hàng tiêu thụ điện so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.
Giá điện là vấn đề được người dân rất quan tâm, nhạy cảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, Bộ Công thương đang làm hết sức kỹ lưỡng và thận trọng, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
* Liên quan vấn đề giá thép tăng cao, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu sản xuất đã tăng rất cao khiến cho sản phẩm thép có sự tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng. Cuối năm 2020, Bộ Công thương đã có báo cáo Chính phủ về tình hình cung-cầu sản phẩm thép năm 2020 và dự báo tình hình cung - cầu và giá thép năm 2021.
Hiện nay, giá thép đang tăng rất cao và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp. Ngày 8-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có yêu cầu các bộ, ngành và Bộ Công thương báo cáo về tình hình giá thép và đề xuất giải pháp. Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam như Tổng Công ty Thép Việt Nam, Hòa Phát, Hiệp hội Thép Việt Nam... về vấn đề này và đã báo cáo Chính phủ.
Ngày 20-5, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Chính phủ đánh giá tình hình cung-cầu thép, đánh giá tình hình giá thép trong khu vực và trên thế giới và đề xuất giải pháp tác động tích cực về sự tăng giá của thép hiện nay, góp phần giảm gánh nặng về nguồn vật liệu cho các doanh nghiệp. Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Công thương không đề xuất việc thành lập Quỹ bình ổn giá thép.
Để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, định giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
Theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.