Hơn 50% số phương tiện dán thẻ ETC thường xuyên sử dụng dịch vụ

NDO -

Ngày 23-12, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, tính đến giữa tháng 12, đã có hơn 1,1 triệu xe được dán thẻ thu phí tự động ETC (thẻ Etag), trong đó hơn 50% chủ xe dán thẻ đã thường xuyên nạp tiền sử dụng dịch vụ này.

(Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp)
(Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng ĐBVN cho biết, tiến độ triển khai ETC đang được kiểm soát đúng yêu cầu đề ra, đến ngày 31-12-2020, cơ bản các trạm sẽ thu phí ETC. Sau thời hạn trên, nhà đầu tư BOT nào không lắp đặt thu phí không dừng, Tổng cục sẽ kiên quyết tạm dừng thu phí cho đến khi thực hiện xong theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Các trạm thu phí cũng sẽ được phân làn rõ ràng, sẽ có làn dành riêng cho thu phí tự động và làn hỗn hợp, chỉ xe dán thẻ và có tiền trong tài khoản mới được phép đi vào làn thu phí không dừng. Xe đi sai làn sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 1-3 tháng”, ông Huyện nhấn mạnh.

Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thiện việc liên thông hệ thống do dịch vụ thu phí tự động không dừng được hai đơn vị cung cấp.

Các đơn vị đã hoàn thành việc liên thông về mặt kỹ thuật và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để trước ngày 31-12 tới, khách hàng chỉ cần dán thẻ của một trong hai nhà cung cấp dịch vụ là có thể lưu thông qua các trạm thu phí trên toàn quốc đã triển khai.

Thời điểm hiện tại, khách hàng có tài khoản giao thông do Công ty VETC cung cấp có thể sử dụng liên thông với tài khoản của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trường hợp tài khoản giao thông không đủ tiền thanh toán, tài khoản ngân hàng BIDV được liên kết sẽ tự động nộp tiền vào tài khoản giao thông thay vì khách hàng phải nộp trực tiếp, qua Internet Banking hay Mobile banking như trước.

Đối với thẻ ePass của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) - doanh nghiệp dự án của Vietel và các nhà đầu tư, khách hàng có thể thanh toán bằng việc nạp tiền và thanh toán qua ví điện tử Vietel Pay,...

Về tiến độ triển khai lắp đặt, vận hành trạm thu phí không dừng, theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, hiện tại, có 4 trạm trên 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý; 8 trạm không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai sau năm 2020 do đặc thù; ba trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), hai trạm chưa được thu phí, đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét (trạm Bờ Đậu-Quốc lộ 3 và trạm T2-Quốc lộ 91) và ba trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới ba năm (ba trạm Quốc lộ 51).

Đối với các trạm thu phí của 16 địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý với tổng số 50 trạm, riêng tỉnh Cà Mau có 4 trạm thu phí chỉ thu phương tiện thô sơ và nội bộ tỉnh nên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không triển khai ETC.

Các dự án BOT của 15 địa phương gồm 46 trạm thu phí, hiện đã có 40 trạm đã và đang tổ chức thu (33 đã lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động không dừng, bảy trạm đang triển khai hệ thống ETC), sáu trạm đang xây dựng, chưa tổ chức thu.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, dự án giai đoạn 1 (BOO1) với các trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc cơ bản hoàn thành với 40/44 trạm đã vận hành.

Dự án giai đoạn 2 (BOO2) đã triển khai thực hiện các tạm thu phí còn lại trên toàn quốc, hiện đã lắp đặt và đưa vào vận hành 25/33 trạm thu phí.