Hơn 300 người thiệt mạng và 1.800 người bị thương do động đất ở Haiti

NDO -

Cơ quan Bảo vệ dân sự Haiti cho biết, ít nhất 304 người đã thiệt mạng, 1.800 bị thương và nhiều người khác mất tích sau khi xảy ra trận động đất mạnh 7,2 độ. Các nhóm ứng phó khẩn cấp và người dân đã tham gia giải cứu, giúp đưa nhiều người ra khỏi đống đổ nát.

Hiện trường nhà bị sập tại Les Cayes, Haiti. (Ảnh: Reuters)
Hiện trường nhà bị sập tại Les Cayes, Haiti. (Ảnh: Reuters)

Theo giới chức Haiti, ngoài thiệt hại về người, trận động đất còn phá hủy nhiều nhà thờ, khách sạn, trường học và nhà ở. 

Ngay trong ngày 14/8, Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một tháng. Ông cũng đã tới khu vực Grand'Anse để đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Ông thông báo, Chính phủ Haiti đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ và giúp đỡ các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng này. 

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Henry kêu gọi tinh thần đoàn kết và trung thành của toàn thể nhân dân Haiti để thiết lập một mặt trận chung ứng phó với “tình cảnh bi thảm” mà nước này đang trải qua. Ông đã gửi lời chia buồn tới gia đình của các nạn nhân trong trận động đất này.

Thiệt hại lớn về người và tài sản

Cơ quan Bảo vệ dân sự Haiti thống kê có ít nhất 949 nhà ở, bảy nhà thờ, hai khách sạn và ba trường học bị tàn phá. Tuy nhiên, không có thiệt hại lớn về kết cấu hạ tầng của các cảng, sân bay và viễn thông.

Tại thị trấn Les Cayes, nhiều tòa nhà đã bị sập hoặc bị hỏng nghiêm trọng. Anh Jean Marie Simon (38 tuổi, sống tại Les Cayes) kể lại: "Tôi thấy nhiều thi thể được đưa ra từ đống đổ nát, có người bị thương và có thể có người đã chết. Tôi nghe thấy tiếng kêu gào đau đớn ở tất cả những nơi tôi chạy qua".

Khi xảy ra động đất, anh Simon đang có mặt tại một khu chợ. Sau đó, anh đã lập tức chạy về nhà để kiểm tra tình hình của gia đình mình. Vợ và đứa con (2 tuổi) của anh đã kịp chạy ra đường trước khi ngôi nhà bị sập. Ngôi nhà của mẹ anh cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) dự báo, nhiều người dân Haiti có nguy cơ gặp phải các vụ sạt lở sau động đất. Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Haiti, một vụ sạt lở đã làm gián đoạn tuyến đường nối thị trấn Les Cayes và thị trấn Jeremie.

Trước đó, USGS cho biết, trận động đất mạnh 7,2 độ (cách thị trấn Petit Trou de Nippes 8 km và cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 150 km về phía tây, ở độ sâu 10 km) đã kéo theo hàng loạt dư chấn.   

Người dân tại Cuba và Jamaica có thể cảm nhận được sự rung lắc của trận động đất xảy ra vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 14/8 (theo giờ Haiti). Cường độ của trận động đất này mạnh hơn trận động đất khiến hàng nghìn người tử vong 11 năm trước. 

Hệ thống Cảnh báo sóng thần của Mỹ đã ban bố cảnh báo sóng thần sau trận động đất nhưng đã nhanh chóng dỡ bỏ sau ít phút. 

USGS đã đưa ra cảnh báo đỏ đối với thiệt hại về người và kinh tế tại Haiti, đồng thời ước tính “con số thương vong cao” và “thảm họa trên diện rộng” có thể sẽ xảy ra sau trận động đất. 

Cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Haiti

Theo Cố vấn truyền thông của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), đơn vị này đang chuẩn bị để sẵn sàng tiếp nhận nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Tabarre, ở thủ đô Port-au-Prince.

Trong một thông cáo ngày 14/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ ông "rất đau buồn về trận động kinh hoàng tại Saint-Louis du Sud, Haiti".

Ông cũng gửi lời chia buồn tới những người mất đi người thân và những người phải chứng kiến cảnh nhà ở và doanh nghiệp của mình bị tàn phá. Một nhóm chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) đang có mặt tại Haiti và đánh giá thiệt hại sau động đất.

Một số quốc gia Mỹ Latinh cho biết sẵn sàng hỗ trợ Haiti ứng phó vượt qua tình cảnh hiện nay.

Tổng thống Chile Sebastian Piñera chia sẻ trên Twitter rằng, Chile đã liên hệ với giới chức Haiti và đang chuẩn bị gửi viện trợ nhân đạo tới Haiti.

Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết, ông đã ra lệnh cho Cơ quan điều phối quốc gia về bảo vệ dân sự và các bộ khác như Bộ Ngoại giao, Bộ Hải quân và Bộ Quốc phòng sẵn sàng giúp đỡ Haiti ngay lập tức. 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Panama thông báo đang chuẩn bị gửi viện trợ nhân đạo tới Haiti.

Tổng thống Cộng hòa Dominica Luis Abinader cho biết, ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Ngoại giao điện đàm với người đồng cấp Haiti để "tạo điều kiện cho công tác viện trợ trong khả năng" của Dominica.

Tổng thống Colombia Ivan Duque thông báo, Không quân nước này sẽ được huy động tới Haiti ngay trong ngày 15/8 cùng với một đội chuyên trách tìm kiếm và cứu nạn.

Các quốc gia khác gồm Argentina, Peru, Ecuador và Venezuela cũng bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ Haiti ứng phó với thảm họa này. 

Động đất mạnh hơn 7 độ gây cảnh báo sóng thần ở Haiti