Và tình yêu dành cho cây lúa

Một ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua - “cha đẻ” của ST25, giống lúa cho loại gạo thơm ST25 được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Ma-ni-la (Phi-li-pin) vào tháng 11-2019.

 Kỹ sư Hồ Quang Cua và sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25. Ảnh: HỮU ĐỨC
Kỹ sư Hồ Quang Cua và sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25. Ảnh: HỮU ĐỨC

Nặng lòng với lúa thơm

Cuộc trò chuyện với kỹ sư Hồ Quang Cua diễn ra tại khu vườn trồng nhiều me ngọt của ông thuộc thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, kế bên khu thực nghiệm lúa giống rộng hơn tám héc-ta ông thuê của người dân quanh đó để lai tạo lúa thơm. Đây vốn là “điểm hẹn” của rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm về lúa giống.

Không giấu nổi niềm say mê “nghiệp lúa”, ông vào ngay câu chuyện: Cách đây hơn 20 năm, khi Thái-lan công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là “hạt vàng”, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tại sao họ làm được, mình lại không? Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong đầu tôi không dứt, tôi bắt đầu hình dung đến giống lúa thơm cho Việt Nam”. Và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa thơm Sóc Trăng được hình thành, rồi tồn tại tới ngày hôm nay. Việc lai tạo giống của nhóm lai tạo lúa thơm được tiến hành sau khi đã thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ trên cơ sở vừa lai, chọn vừa rút kinh nghiệm để xây dựng các tổ hợp lai mới. Giống bố mẹ thu thập từ Đài Loan (Trung Quốc), Băng-la-đét, Thái-lan, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), các tỉnh Bắc Bộ, Nam Bộ... Các tổ hợp được lai phức hợp gồm nhiều giống bố mẹ. Năm 2001, tôi chọn xong giống lúa thơm ST3, năm sau được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách thuộc bộ giống lúa quốc gia. Năm 2005, giống lúa thơm ST5 chịu mặn được đưa vào vùng luân canh lúa - tôm ở bán đảo Cà Mau và U Minh Thượng, U Minh Hạ, mở đầu thời kỳ “phục hồi” nghề trồng lúa ở vuông tôm sau nhiều năm nông dân có tôm quên lúa” - ông Cua nhớ lại.

Năm 2007, giống lúa ST Đỏ ra đời và năm 2010 là lúa ST Tím, mở đầu cho phương pháp thực dưỡng trị liệu. Năm 2009, giống lúa thơm ST20 được lai tạo thành công, lại một lần nữa đóng vai trò tiên phong cho thời kỳ đột phá về giá gạo thơm của Việt Nam với giá xuất khẩu dao động từ 700 USD/tấn đến 900 USD/tấn. Ở thời điểm đó, ST20 cũng dẫn đầu về giá ở tất cả các chành vựa gạo miền Tây với mức 20 nghìn đồng/kg, vượt tất cả các loại gạo thơm nhập khẩu tiểu ngạch từ Cam-pu-chia, Thái-lan. Sau này, khi nắm rõ hạn chế của giống ST20 là năng suất cao nhưng không ổn định với thời tiết, ông cùng tiến sĩ Trần Tấn Phương đã nỗ lực miệt mài chọn tạo ra giống lúa thơm ST20 mới với chu kỳ từ 100 ngày đến 105 ngày và có thể trồng bất cứ nơi nào ở đồng bằng sông Cửu Long, dù chế độ thủy văn có khác nhau.

Rồi từ năm 2008, hai tổ hợp lai mới được nhóm thực hiện là ST24 và ST25, đến năm 2016 thì ổn định, khảo nghiệm và hoàn thiện. Năm 2017, giống lúa ST24 đoạt giải nhất trong cuộc thi Festival lúa gạo tổ chức ở Sóc Trăng. Và đến cuối năm đó, ST24 được vinh danh khi lọt vào tốp 3 “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 9 tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Năm 2019, giống ST24, ST25 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tuyển chọn dự thi quốc tế lần thứ 11 ở Phi-li-pin, cả hai cùng lọt vào tốp đầu thế giới và ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất. Gạo ST24 và ST25 đều thuộc dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau.

Thấm đẫm mạch nguồn

Gần 20 năm - một chặng đường dài nghiên cứu lúa thơm với một tình yêu bền bỉ dành cho cây lúa, cho đến khi nhận về thành quả gạo ST25 được vinh danh ngon nhất thế giới - quá trình ấy thật nhiều gian truân. “Có những thời điểm thật sự khó khăn với nhóm nghiên cứu chúng tôi” - ông Cua ngừng chốc lát rồi trầm ngâm kể tiếp: “Nghiên cứu ra được giống lúa thơm rồi nhưng muốn đưa vào sản xuất đại trà lại là cả vấn đề. Vì giống mới quá, làm sao tạo lòng tin? Vậy là lại phải thêm kinh phí cho quảng bá giống. Tiền túi ít, thiếu kinh nghiệm đầu tư nên hết vốn mà vẫn thất bại. Trong khoảng gần chục năm, số tiền vay mượn đã lên đến hơn một tỷ đồng. Cách đây gần 10 năm, đó là cả một khối tài sản. Nhưng, cũng thật may mắn, sau những lận đận đó, từng giống lúa thơm liên tục được chào đời và thử nghiệm thành công trên đồng ruộng”.

Rưng rưng nhớ lại những tháng ngày đã qua với biết bao mồ hôi và nước mắt đổ ra vì hạt gạo, để giờ đây nói về ST25, ông Cua tự hào lắm về mảnh đất quê mình. Ông nói: “Địa danh Sóc Trăng không chỉ là một chỉ dẫn địa lý hàng đầu về gạo thơm của Việt Nam mà từ lâu đã được nhiều thương nhân nước ngoài biết đến. Địa chí Sóc Trăng ghi nhận cách đây hơn 100 năm, gạo Bãi Xào (một địa danh ở Sóc Trăng) cùng với gạo Gò Công đã nổi tiếng ở thị trường Hương Cảng (Hồng Công, Trung Quốc ngày nay) - một địa bàn trung chuyển để xuất khẩu đi châu Âu”. Có lẽ chính vì vậy, gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới không chỉ với chất gạo hạt dài, trong, không bạc bụng, nấu lên dẻo, có hương vị ngọt thơm đặc biệt rất thu hút, mà nó còn thấm đẫm trong đó từng mạch nguồn thổ nhưỡng và kế thừa những phẩm chất gạo ngon từ xa xưa của đồng bằng châu thổ.

Cả một đời lặn lội với hạt gạo, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ tâm nguyện của mình: “Khi đã đoạt được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, tôi ước mong ST25 luôn giữ được đầy đủ phẩm chất gạo ngon. Muốn vậy, người trồng lúa cũng như những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo hãy cùng chung tay giữ gìn phẩm chất đó. Hãy trồng lúa, tạo ra hạt gạo bằng cả tấm lòng và trái tim mình. Và bán gạo cũng vậy, phải luôn bảo đảm chất lượng đến với người tiêu dùng trong nước và thế giới để xây dựng một niềm tin bền vững”.

Sự thịnh vượng của ngành sản xuất lúa gạo, của người trồng lúa bắt đầu từ tình yêu và niềm tin như thế!