Tới dự buổi hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Cùng tới dự còn có các đại biểu đại diện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ban, ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn…
Hoạt động nằm trong chuỗi kế hoạch dài hạn thường niên về việc đưa những phương pháp luận, bài học thực tiễn triển khai trên thế giới đến với MB và các đối tác của MB, từ đó góp phần khai phóng các nguồn lực quốc gia cho quá trình kiến tạo nền kinh tế số bền vững.
Tới dự buổi hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. |
Hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai" kết nối các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt với những diễn giả từ Columbia Business School.
Với nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi số cùng kinh nghiệm tư vấn chiến lược cho những tập đoàn hàng đầu thế giới, các diễn giả David L. Rogers, Sheena S. Iyengar và Paul J. Bailo chia sẻ những phương pháp và bài học thực tế, có thể nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn quá trình xây dựng nền kinh tế số quốc gia nói chung và chiến lược chuyển đổi số nói riêng của từng doanh nghiệp.
Nhấn để xem nội dung mới nhất
Tại phần trình bày của mình, Giáo sư David L. Rogers cho biết, đây là lần đầu tiên ông tới Việt Nam; đồng thời bày tỏ niềm vinh dự khi được chia sẻ về chủ đề chuyển đổi số.
Giáo sư David L. Rogers trình bày tại hội thảo |
David L. Rogers là chuyên gia chuyển đổi số với kinh nghiệm tư vấn chiến lược cấp cao cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, CitiGroup, VISA, HSBC, Unilever, Toyota và nhiều tổ chức uy tín khác. Cuốn sách “The Digital Transformation Playbook” (Chiến lược chuyển đổi số) của tác giả David L. Rogers đã được xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một trong những cuốn sách đáng đọc nhất về thực tế triển khai chuyển đổi số.
Vị chuyên gia này nhận định, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp lâu năm để phát triển hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số không ngừng thay đổi. Đây là thách thức diễn ra trong rất nhiều ngành hiện nay.
Ông cho rằng, thay đổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng toàn diện tới tất cả các doanh nghiệp.
Lấy thí dụ về quá trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, Giáo sư David L. Rogers khẳng định bản chất cốt lõi của chuyển đổi số không hẳn chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ. Quá trình này bao gồm cả việc phải xác định cả việc thay đổi tư duy, áp dụng tư duy mới vào trong chính tổ chức của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nghĩ tới dữ liệu vì đây là tài sản đóng vai trò cốt lõi trong chặng đường phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Bàn về lĩnh vực cụ thể là tài chính-ngân hàng, Giáo sư khẳng định, quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ không hề dễ dàng. Ông dẫn số liệu: Qua nghiên cứu, có tới 70-80% chiến dịch chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã không mang lại kết quả mong muốn.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra nhóm rào cản với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bao gồm: không có tầm nhìn chung; không có kỷ luật trong xác định ưu tiên; không có thói quen thử nghiệm; không linh hoạt trong quản trị và không tăng trưởng về năng lực.
“Chuyển đổi số phải là tổng hòa của hai yếu tố: Chiến lược và chuyển đổi tự thân trong tổ chức. Muốn thành công trong chuyển đổi số, phải đặc biệt chú ý tới hai yếu tố này”, GS David L. Rogers khẳng định.
Về lộ trình chuyển đổi số, Giáo sư David L. Rogers đã đưa ra lộ trình bao gồm 5 bước thông qua sự nghiên cứu cá nhân, bao gồm xác định được tầm nhìn chung; lựa chọn những vấn dề quan trọng nhất; kiểm chứng các thử nghiệm mới; quản lý tăng trưởng quy mô lớn và không ngừng tăng trưởng về năng lực.
Tiếp theo, Giáo sư David L.Rogers trình bày cụ thể về 5 yếu tố trong quá trình chuyển đổi số theo nghiên cứu của ông.
Về việc xác định tầm nhìn chung, Giáo sư David L. Rogers đặc biệt lưu ý tới việc các doanh nghiệp cần định hướng tương lai; hình dung ra sự tác động của doanh nghiệp tới xã hội và cộng đồng nói chung. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không thể không chú ý tới vấn đề thu hồi khoản đầu tư cho quá trình chuyển đổi số.
Về bước thứ hai trong lộ trình chuyển đổi số - việc lựa chọn các vấn đề quan trọng cần tập trung, Giáo sư khẳng định: Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là chuyển đổi về công nghệ.
Dẫn chứng trường hợp ChatGPT, Metaverse…, ông cho rằng đây chỉ là các công cụ để giúp các doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu tương lai của mình. "Để thành công, các doanh nghiệp cần không ngừng theo đuổi và phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết của khách hàng, công việc kinh doanh".
“Nhiều doanh nghiệp đã thành công khi tìm cách giải quyết các nhu cầu của khách hàng, qua đó thiết lập vị thế đi trước trên thị trường”, Giáo sư David L. Rogers thí dụ.
Trong bước thứ ba-kiểm chứng các thử nghiệm mới, GS David Rogers khẳng định: Thay vì lập ra các kế hoạch theo mô hình truyền thống, các doanh nghiệp thành công đã không ngừng áp dụng các thử nghiệm mới trong quá trình chuyển đổi số của mình.
Dẫn chứng một loạt thí dụ thành công cũng như thất bại của các “ông lớn” liên quan tới chuyển đổi số như CNN, Walmart…, chuyên gia gợi mở: “Tại sao không bắt đầu từ những thử nghiệm nhỏ mà lại tập trung vào những kế hoạch quá tốn kém mà lại dễ thất bại? Các nhà khoa học cũng thường bắt đầu bằng các giả thuyết chứ không khởi đầu bằng kế hoạch. Chúng ta cũng nên tập thói quen không ngừng thử nghiệm nhỏ để rút ra bài học, từ đó dẫn tới thành công”.
Tiếp tục trình bày về bước thứ 4 trong lộ trình chuyển đổi số, Giáo sư David L. Rogers khẳng định: Quản trị là phần không thể bỏ qua, trong đó cần nhấn mạnh vào việc quản lý tăng trưởng.
“Chuyển đổi số phải bắt đầu một cách toàn diện, từ các cấp thấp nhất cho tới lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức”, ông nói.
Về bước cuối cùng-Phát triển năng lực, vị chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp cần tập trung cho 3 cốt lõi, bao gồm Công nghệ số-Nhân tài số-Văn hóa số. "Đây cũng là 3 yếu tố rất cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số" - ông nói.
Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định giá trị cốt lõi, từ đó đề ra hướng đi hợp lý trong tương lai.
Gợi mở về yếu tố công nghệ, Giáo sư David L. Rogers cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần tìm ra công nghệ số phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tìm ra… nhân tài số.
“Các chuyên gia lập trình, AI… có đủ kinh nghiệm, phù hợp và có tinh thần học hỏi, sẵn sàng thử nghiệm rất quan trọng trong quá trình này. Để tạo nên nguồn lực này, các công ty có thể thông qua quá trình chuyển dụng, tự đào tạo… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải tạo ra môi trường tốt để giữ chân nhân tài”, vị diễn giả này nói.
Về văn hóa số, dẫn chứng từ Netflix và Amazon, Giáo sư Rogers cho rằng: Các tổ chức, doanh nghiệp cần tạo ra sự thay đổi về văn hóa, truyền cảm hứng cho quá trình chuyển đổi tới tất cả thành viên của mình. Quá trình này cần được thực hiện từ những bước thấp nhất, lồng ghép sự thay đổi trong tất cả các hoạt động thường ngày.
Trong lời kết luận, GS David J. Rogers đúc kết, thứ nhất, chuyển đổi số không phải là công nghệ. Đó là về kinh doanh và khách hàng. Thứ hai, chuyển đổi số không thể chỉ bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao, mà phải được thực hiện từ cấp thấp nhất và gắn kết từ mọi cấp trong tổ chức. Thứ ba, chuyển đổi số không phải một dự án có ngày bắt đầu và kết thúc, mà là một quá trình liên tục.
Tiếp nối chương trình, Giáo sư Sheena Iyengar trình bày bài thuyết trình với chủ đề "Làm thế nào để có thể nghĩ lớn hơn".
Đặt ra câu hỏi cho thính giả: “Chúng ta có thể lập kế hoạch tới đâu cho cuộc đời mình?”, Giáo sư Sheena Iyengar đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện về những khó khăn mà bản thân bà gặp phải. Năm 3 tuổi bà bị căn bệnh về giác mạc. Lên 13, bà tiếp tục đối mặt với khó khăn về vấn đề sức khỏe khác. Giáo sư Sheena Iyengar cho biết, ngay từ nhỏ, bà đã được kỳ vọng rất nhiều điều từ cha mẹ. Thế nhưng, theo bà, không phải lúc nào cuộc sống cũng thuận lợi như các kế hoạch có sẵn.
Giáo sư Sheena Iyengar chia sẻ tại hội thảo |
“Lựa chọn là điều duy nhất chúng ta có thể tự kiểm soát. Đây cũng là công cụ giúp mỗi cá nhân phát triển bản thân, cũng như tổ chức trong tương lai”, chuyên gia nhấn mạnh.
Đã dùng cả cuộc đời nghiên cứu về sức mạnh của sự lựa chọn, Giáo sư cho biết: Trong vòng 10 năm, bà đã xây dựng phương pháp Nghĩ lớn (Big Think). Đây là phương pháp có thể áp dụng hỗ trợ cho sự thay đổi nói chung của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Để minh họa cho sức mạnh của sự lựa chọn và Nghĩ lớn, Giáo sư đã dẫn chứng nhiều thí dụ về sự tự đổi mới sáng tạo của các cá nhân, tổ chức lớn như Pablo Picasso hay các chiến dịch y tế trong đại dịch Covid-19. Trước rất nhiều sự lựa chọn, các cá nhân, tổ chức này đã dám nghĩ lớn để đưa ra lựa chọn của mình để phát triển và thành công.
“Vào thời đại của mình, trước sức ép về sự ra đời của máy ảnh, Pablo Picasso đã lựa chọn và phát triển phong cách cá nhân của mình khác hẳn với những điều máy ảnh có thể ghi lại được. Ngoài ra, rất nhiều tác phẩm khác của ông cũng đã được hình thành trên cơ sở tham khảo các ý tưởng đã có sẵn, đồng thời vẫn giữ nguyên hướng tư duy khác biệt này của mình”, diễn giả tiếp tục dẫn chứng và khẳng định, tất cả phát kiến đổi mới sáng tạo cần phải được dựa vào sự kết hợp giữa những ý tưởng sẵn có và với những phát kiến mới lạ và hữu ích.
Gợi ý về cách thức áp dụng phương pháp Nghĩ lớn, Giáo sư Sheena Iyengar đưa ra lời khuyên: Cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức cần phải tư duy “ngoài khung” và không theo lối mòn; đồng thời học hỏi, tận dụng lại các kiến thức đã có sẵn; từ đó tìm ra “các chiến thuật” mới phù hợp. Đây cũng là con đường chung dẫn tới thành công của rất nhiều vĩ nhân cũng như các “ông lớn” trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Giáo sư cũng đưa ra 6 bước cụ thể để thực hành theo phương pháp Nghĩ lớn; bao gồm việc lựa chọn vấn đề; chia nhỏ vấn đề; so sánh mong muốn; tìm kiếm trong và ngoài khuôn khổ; hình thành bản đồ lựa chọn và Con mắt thứ ba-đặt bản thân vào người khác để nhìn nhận lại lựa chọn của mình đã thực hiện.
Giáo sư đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc đổi mới sáng tạo. Điều còn lại cần phải làm là phải kiến tạo tương lai, xây dựng hệ thống. “Lựa chọn đó là của các bạn”, Giáo sư nhấn mạnh.
Những câu chuyện và dẫn chứng của Giáo sư đã truyền cảm hứng và cung cấp thêm nhiều kiến thức thú vị cho tất cả đại biểu tham dự. Giáo sư Sheena Iyengar từ Columbia Business School là chuyên gia hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và nghệ thuật lựa chọn. Được trích dẫn trên nhiều đơn vị báo chí uy tín hàng đầu thế giới như The New York Times, The Wall Street Journal, Fortune và tạp chí Times, BBC, những nghiên cứu của bà đã được đón nhận và áp dụng tại nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Microsoft, Deloitte.
Phần thảo luận chính thức bắt đầu với chủ đề: Chuyển đổi số: Mơ lớn-Nghĩ lớn và làm lớn với sự điều hành của diễn giả Paul J. Bailo.
Ông Paul J.Bailo được coi là thiên tài trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm, nhà cố vấn cao cấp cho các doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ như Apple, AT&T, Bank of America, Goldman Sachs, MasterCard, General Motors.
Với kinh nghiệm chuyên sâu về chuyển đổi số, marketing số, vận hành doanh nghiệp số, thiết kế trải nghiệm số, Paul J. Bailo đã thành công thực hiện nhiều dự án chuyển đổi số phức tạp, nhiều thử thách.
Phần thảo luận chính thức bắt đầu với chủ đề: Chuyển đổi số: Mơ lớn-Nghĩ lớn và làm lớn với sự điều hành của diễn giả Paul J. Bailo. |
Bàn về yếu tố mấu chốt dẫn tới sự thành công nói riêng và quá trình chuyển đổi số nói chung, trước hết, Giáo sư Sheena Iyengar chia sẻ: Điều mấu chốt dẫn tới những kết quả trong sự nghiệp của mình chính là sự nỗ lực tìm kiếm và thử nghiệm không ngừng.
“Vào năm tôi 18 tuổi, tôi không biết mình sẽ trở thành con người như thế nào. Thế nhưng, tôi đã không ngừng thử thách bản thân mình trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi cũng liên tục nghĩ về việc làm gì để tự thay đổi cuộc đời mình”, nữ Giáo sư nói.
Trong khi đó, Giáo sư David L. Rogers cũng chia sẻ lời khuyên hữu ích từ Steve Jobs: "Phải luôn nghĩ lớn, hướng tới sự đổi mới sáng tạo và vượt ra khuôn khổ".
Trả lời câu hỏi về cách thức thay đổi nội tại trong doanh nghiệp, Giáo sư Rogers cho rằng: Trước hết, phải tạo ra môi trường cho tất cả các nhân viên phát triển. Với những thay đổi chóng mặt toàn diện về công nghệ, ý tưởng phải được đơn giản hóa, gắn với mục tiêu cụ thể. Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần trao đổi và cụ thể hóa mục tiêu này tới toàn bộ đội ngũ nhân viên khi triển khai.
Trước câu hỏi về những lĩnh vực kinh doanh nào cần đổi mới sáng tạo, Giáo sư Iyengar khẳng định: Để đổi mới sáng tạo, điều đầu tiên là phải chuẩn bị sẵn sàng, thực sự dành thời gian để xác định rõ vấn đề. Bên cạnh đó, cần phải thống nhất cách nhìn nhận về mục tiêu này để đạt được sự đoàn kết trong triển khai.
Giáo sư Roger nhận định: Để đạt được sự thống nhất mà Giáo sư Iyengar đưa ra, các đội nhóm trong doanh nghiệp, tổ chức cần thường xuyên tương tác với nhau. Các đội nhóm liên chức năng khi được tương tác và trao nguồn lực sẽ tạo ra được sự đồng nhất về góc nhìn.
“Sau khi tập hợp nhiều góc nhìn, đưa ra nhiều ý tưởng và xác định hướng chung thống nhất, chúng ta cũng cần phải đi tới người dùng cuối là khách hàng để kiểm chứng lại tính hợp lý và hiệu quả”, Giáo sư Rogers nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào để có thể xây dựng được “ADN đổi mới sáng tạo”, GS Sheena Iyengar cho rằng, trước hết cần kiến tạo và tạo thành văn hoá đổi mới sáng tạo, trong đó vai trò dẫn đầu của các lãnh đạo đứng đầu là đặc biệt quan trọng.
Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư Rogers giải thích thêm: Mỗi tổ chức/doanh nghiệp có nhiều bộ phận khác nhau. Do đó, quan trọng là lãnh đạo cần phải đưa ra các mục tiêu cần đạt tới, những vấn đề doanh nghiệp cần phải giải quyết.
“Mục tiêu rõ ràng sẽ tạo ra định hướng chung để tất cả các thành viên của tổ chức/doanh nghiệp đi theo, đồng thời cùng chung tay giải quyết các thách thức khi nó xuất hiện”, GS Rogers nói.
Về vai trò của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số, GS Rogers khẳng định: Trước hết phải xác định rõ nhu cầu về công nghệ của doanh nghiệp và nhu cầu của khách hàng cụ thể là gì? Rất nhiều doanh nghiệp đã tập trung vào công nghệ với hy vọng sẽ sớm thu hồi vốn đầu tư nhưng lại “quên mất đi” yếu tố quan trọng phía sau này.
Tại phần thảo luận, các diễn giả cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề được quan tâm khác như: Thử nghiệm đổi mới sáng tạo như thế nào? Cách thức thay đổi tư duy ra sao?...
Các diễn giả trao đổi tại phần tọa đàm |
Đến 18 giờ, hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều phương pháp luận, bài học thực tiễn triển khai trên thế giới được các diễn giả trình bày, từ đó góp phần khai phóng các nguồn lực quốc gia cho quá trình chuyển đổi số, kiến tạo nền kinh tế số bền vững.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) phát biểu kết luận. |
Kết luận phần tọa đàm, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) gửi lời cảm ơn tới các khách mời đã dành thời gian tới với hội nghị.
Sau khi nghe trực tiếp các diễn giả, ông hy vọng nhiều người sẽ tìm được hướng đi mới, kiểm nghiệm lại các cách thức vận hành tổ chức. Mong rằng các nội dung sẽ mang đến giá trị cho công việc cũng như thành công của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Mở đầu hội thảo, giới thiệu về các chuyên gia sẽ trình bày tại hội thảo, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) kỳ vọng hội thảo sẽ mang lại những góc nhìn mới về chuyển đổi số và kinh tế số trong bối cảnh hiện nay.
“Từ trải nghiệm thành công trong chuyển đổi số tại MB, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, các tổ chức cùng thành công trên con đường chuyển đổi số. Đây là lý do MB quyết định tổ chức Hội thảo quốc tế Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai, nhằm kết nối và lan tỏa tầm nhìn chuyển đổi số từ những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi số và nghệ thuật lựa chọn từ Columbia Business School (Hoa Kỳ), đến các tổ chức, cá nhân Việt Nam”, ông Lưu Trung Thái cho biết.