Trong khuôn khổ năm Chủ tịch AIPA, Quốc hội Việt Nam đề xuất tổ chức Hội nghị này. Đây cũng là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị chuyên đề nhằm thúc đẩy sự phát triển quan hệ đối tác nghị viện trong việc triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung, về hợp tác giáo dục và văn hóa nói riêng, với mong muốn tạo diễn đàn mang tính thường niên của AIPA để cùng trao đổi, tìm ra các biện pháp thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.
Hội nghị trực tuyến AIPAECC được tổ chức tại 15 điểm cầu của các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Tham dự tại điểm cầu nước chủ nhà Việt Nam, có: Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Trưởng đoàn Quốc hội Việt Nam tại AIPAECC Hoàng Thị Hoa; các đại biểu Quốc hội đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; có Đại sứ và đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (UN, WB, UNESCO).
Tham dự tại điểm cầu các nước, có: đại biểu Đoàn các nước thành viên AIPA, gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Myanma, Philippin, Thái Lan; Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Tổng Thư ký AIPA.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh giá cao sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các Nghị viện thành viên AIPA.
Phó Chủ tịch khẳng định, đây là Hội nghị chuyên đề về hợp tác Nghị viện trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục gắn với mục tiêu phát triển bền vững lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, Chủ tịch AIPA 2020 với mong muốn các nước, các đối tác cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; qua đó góp phần duy trì bản sắc văn hóa ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay.
Đồng thời mong muốn, các Nghị viện thành viên AIPA xem xét khả năng thiết lập một cơ chế lâu dài của AIPA về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để phát huy vai trò và tầm quan trọng của các Nghị viện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, hướng tới thành lập cơ chế định kỳ trong những năm tiếp theo, nước chủ nhà AIPA sẽ lựa chọn trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững về các lĩnh vực khác nhau làm chủ đề Hội nghị tùy theo tình hình và quan tâm của các nước.
Tại Hội nghị trực tuyến, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: Vai trò của Nghị viện AIPA trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật của các quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho việc công nhận chất lượng và liên thông giáo dục trong khối ASEAN cũng như việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của mỗi quốc gia trong khu vực; về vai trò của Nghị viện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); về cơ chế hợp tác trong phát triển giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19; về vấn đề huy động, phát huy các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về xây dựng hành lang pháp lý, nâng cao ý thức du lịch có trách nhiệm; vấn đề bảo tồn và kết nối di sản văn hóa trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch bền vững; việc huy động và phát huy nguồn lực cho bảo tồn di sản, bảo vệ bản sắc văn hóa.
Với sự tham gia tích cực, tinh thần trách nhiệm cao và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng của các Đoàn đại biểu, Hội nghị đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc thông qua Dự thảo Nghị quyết về “Đẩy mạnh hợp tác đối tác nghị viện trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á”. Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình tại Phiên họp Ủy ban Xã hội của Đại hội đồng AIPA-41 dự kiến tổ chức từ ngày 8 đến 10- 9 tại Hà Nội.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thay mặt Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam gửi lời cảm ơn đến các Đoàn đại biểu của Nghị viện các nước thành viên, Tổng Thư ký IPU, Tổng Thư ký AIPA, đại diện UN, UNESCO, WB và các bộ, ngành hữu quan đã tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Đồng thời, ông Phan Thanh Bình bày tỏ tin tưởng rằng những kinh nghiệm, khuyến nghị được chia sẻ trong Hội nghị sẽ là bài học quý báu để từng quốc gia nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Hơn nữa, đây cũng là những gợi mở quan trọng cho việc hình thành cơ chế hợp tác liên khu vực nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục và văn hóa.