Hội nghị “Một Việt Nam toàn cầu” kết nối những tài năng để phát triển

NDO -

Trong 2 ngày 4 và 5/11, tại thủ đô Paris của Pháp đã diễn ra Hội nghị “Một Việt Nam toàn cầu” (One Global Vietnam) do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) có trụ sở tại Pháp tổ chức.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (giữa) cùng ban tổ chức, diễn giả tại Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (giữa) cùng ban tổ chức, diễn giả tại Hội nghị.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và hơn 100 chuyên gia, trí thức, diễn giả, doanh nghiệp... đến từ 15 nước khác nhau.

Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, cho biết, hội nghị “Một Việt Nam toàn cầu” có mục tiêu kết nối những tài năng, những ý tưởng sáng tạo và chính sách phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới trong những thập kỷ tới. Hội nghị là điểm hẹn cho các chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách có tầm ảnh hưởng gặp gỡ, đóng góp ý tưởng xây dựng kế hoạch và hành động vì một Việt Nam toàn cầu phát triển thịnh vượng (tầm nhìn 2045), đóng góp tích cực, trách nhiệm, thúc đẩy một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.

Việt Nam đang có một hướng đi đúng khi lấy cuộc sống hạnh phúc cho người dân làm trọng tâm, tập trung thúc đẩy sự phát triển đất nước thông qua cải thiện nguồn lực con người, tận dụng sự tiến bộ của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, và bảo đảm bền vững về môi trường, xã hội. Thúc đẩy định vị cao cho Việt Nam về thương hiệu, vị thế quốc tế, kết nối huy động hiệu quả nguồn lực trí tuệ, đối tác và đầu tư cho Việt Nam là một bài toán lớn.

Biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 đang từng ngày đưa đến những thay đổi sâu, rộng đối với Việt Nam và thế giới. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam thích ứng, tìm giải pháp và hướng đi mới cho phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao việc AVSE Global tổ chức hội nghị và hình thành mạng lưới các chuyên gia tại nước ngoài. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Với 5,3 triệu người Việt Nam tại nước ngoài, 500 nghìn tri thức và rất nhiều người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp ở các nước phát triển, đó là nguồn lực to lớn để đóng góp cho đất nước phát triển và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước. 

Theo Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng, những nước đang phát triển có rất nhiều khó khăn, rất nhiều bài toán cần giải quyết, nên cũng là nơi cần rất nhiều đổi mới sáng tạo. Việt Nam có thể trở thành cái nôi của đổi mới sáng tạo do nhu cầu nhiều hơn các nước phát triển. Trong các bài toán của Việt Nam có rất nhiều những bài toán mang tính toàn cầu, nhiều giải pháp của Việt Nam có thể mang ra thế giới.

Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được thành tựu trên các lĩnh vực. Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới ghi nhận là quốc gia đi đầu trong hoàn thành nhiệm vụ thiên niên kỷ. Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời, là nhân tố quan trọng kết nối Việt Nam với thế giới.

Trong 2 ngày, hội nghị đã diễn ra 4 phiên trao đổi tại chỗ và trực tuyến xen kẽ, với các chủ đề kết nối: Kết nối tương lai, Kết nối đối tác, Kết nối đổi mới sáng tạo, Kết nối nhân tài.

Các chủ đề như: Năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam; Các dự án trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam; Đổi mới trong mô hình kinh doanh: Câu chuyện từ Việt Nam; Đâu là “Bình thường mới” và các thách thức 2025 (Sức khỏe, Y tế, Môi trường, Công nghệ)? Chúng ta cần chuẩn bị gì để giải quyết các thách thức đặt ra?... được nhiều người quan tâm.

Hội nghị “Một Việt Nam toàn cầu” mong muốn góp một phần sức lực để chung xây tay dựng một Việt Nam kết nối toàn cầu, không bị giới hạn về địa lý, một Việt Nam vững mạnh trong thế giới phẳng, nơi người Việt Nam ở bất cứ đâu cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.