Hồi hương những mảnh “hồn làng”

“Trông nom đình đền chẳng may mất cái gì cũng lo, nhưng lo nhất là mất sắc phong. Cả làng sẽ coi như sắp có tai vạ”. Nhiều thủ từ từng bảo vậy. Không chỉ bởi cái đẹp vàng son của rồng bay trên giấy gấm, không chỉ bởi là dấu ấn vua ban, sắc phong đặc biệt mà còn bởi nó được cả cộng đồng đời nối đời gửi gắm niềm tin vào sự linh thiêng. Người ta coi đó là “hồn làng”. Không ít kẻ săn lùng sắc phong, không ít đình, đền nhiều phen mất cắp.

Nhóm Tâm Phát trao sắc phong tặng lại di tích trên địa bàn xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Nhóm Tâm Phát trao sắc phong tặng lại di tích trên địa bàn xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Nhưng trong dòng đời xuôi ngược, có một nhóm người yêu di sản đang đi tìm sắc phong, để trao lại cho những nơi mà chúng vốn thuộc về…

Dặm trường trả lại sắc phong

Hơn bốn giờ sáng, gà eo óc gáy, trời mùa đông tối om, cô giáo dạy Văn của Trường THCS Tuy Lộc, xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) Hồ Hải Hà đã chuẩn bị hành trang lên đường. Từ phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) nơi chị ở đến huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) mất chừng bốn giờ đồng hồ. Đi sớm cho đỡ đông. Và còn phải trở về trong ngày. Chị nhẩm tính sẽ mua một chiếc bánh mì để ăn trên đường. Trong hành trang, có một món đồ đặc biệt: Những bản sắc phong quý giá của làng Nội Thắng, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo. Mấy năm trước, chúng bị kẻ gian lấy đi. Hồ Hải Hà mua được, và hôm nay, chị đưa những bản sắc phong này trở lại làng Nội Thắng. Chồng con đã quen với những chuyến “độc hành” từ sáng sớm của chị. Gió táp buốt giá dù chị đã đóng áo đơn áo kép. Chị hà hơi vào bàn tay cho ấm, lòng vui vui khi nghĩ đến sự hân hoan của những cụ già làng Nội Thắng. Các cụ mong những bản sắc phong này về với cố hương đến nhường nào…

Mỗi chuyến đi, chị Hồ Hải Hà thường ôn lại những kỷ niệm về việc “hồi hương” cho những đạo sắc phong để có cảm giác chặng đường bớt dài. Mới mấy năm mà bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Sinh ra trong một dòng họ giàu truyền thống văn hóa - họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), từng được xem những bản sắc phong của dòng họ từ tấm bé, lớn lên làm nghề giáo, chị Hà chưa bao giờ nghĩ mình lại sẽ gắn bó với những bản sắc phong. Song một sự kiện xảy ra chính ở nơi chị dạy học khi ấy (xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc) đã dẫn đến ngã rẽ cuộc đời chị. Một đêm nọ, tất cả sắc phong ở làng Sơn Đông bỗng không cánh mà bay. Trước đó ít lâu, dân làng vừa đón nhận bằng Di tích Lịch sử văn hóa của tỉnh Thanh Hóa. Nhìn ánh mắt thất thần, đầy dằn vặt của các cụ cao niên, chị nhận ra, sắc phong không chỉ là hồn di tích. Sắc phong không chỉ giá trị bởi nét vẽ đẹp như dệt gấm thêu hoa, không chỉ quý bởi nó độc bản, có dấu ấn vua ban. Sắc phong đặc biệt bởi được cả cộng đồng bao đời gửi gắm niềm tin. Nó là hồn làng. Gần 20 năm dạy học ở Thành Lộc, chị nghĩ mình phải làm gì đó giúp địa phương mà mình gắn bó. Chị mày mò trên mạng, vào các diễn đàn về cổ vật…

Trong một lần tình cờ, Hồ Hải Hà gặp một người giữ sắc phong của làng Sơn Đông. Chị đã tìm mọi cách chắp nối để “châu về Hợp Phố”. Ngày đón sắc trở về, người dân đưa sắc lên kiệu rước quanh làng, trang hoàng cờ hoa rợp trời. Chị Hà vinh dự được cầm sắc phong trao lại cho chính quyền, nhân dân địa phương. Cũng từ đó, chị quen nhóm Tâm Phát, một nhóm năm bạn trẻ yêu di sản gồm: Trần Hiển Anh, Trần Tuấn Anh, Võ Kim Long, Phạm Xuân Thắng, Huỳnh Nhựt. Tâm Phát chuyên đi tìm những sắc phong cổ bị lưu lạc để đưa về lại các di tích đình, đền. Hồ Hải Hà trở thành thành viên duy nhất của Tâm Phát ở khu vực miền bắc, miền trung. Chị cũng là người hăng hái nhất trong việc đưa những sắc phong trở về với những đình, đền…

Từ hôm ấy đến giờ, riêng Hồ Hải Hà đã giúp “hồi hương” 80 bản sắc phong. Nơi nhiều nhất chị và nhóm Tâm Phát đã trả lại được 10 đạo sắc phong. Vừa mới đây thôi, chị đã trao hai đạo sắc phong bị thất lạc tặng lại người dân làng Trần Xá, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Từ sáng sớm tinh mơ, các cụ ông, cụ bà làng Trần Xá đã thức dậy là lượt áo the khăn xếp chẳng khác hôm làng vào hội, có người còn “triệu tập” cả con cháu công tác nơi xa về.

Đánh thức cộng đồng

Gần giống những tấm bằng công nhận di tích ngày nay, sắc phong xưa do triều đình ban, chứng nhận một vị thần, thánh (có một loại sắc phong nữa dùng phong quan) để nhân dân thờ phụng. Để làm ra những tờ giấy sắc là cả một kỳ công, cả nước duy chỉ có họ Lại ở Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) giữ bí quyết làm giấy sắc. Giấy sắc được làm từ loại giấy dó đặc biệt có độ bền hàng trăm năm. Mực vẽ được làm từ keo da trâu trộn vàng, bạc, khiến nét vẽ ánh lên mầu vàng son. Viết sắc để vua phong thần, phong thánh cũng là những bậc đại bút. Không ít kẻ săn tìm sắc phong. Nhiều di tích đã mất trộm. Cụ Trần Hữu Phương, từng nhiều năm là thành viên Ban Quản lý di tích làng Trần Xá, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) chia sẻ, trước kia đình Trần Xá có tới 38 đạo sắc phong. Mỗi năm, chỉ đôi lần được mở sắc phong ra. Mỗi lần như thế, phải thắp hương thỉnh Thánh. Cái ngày phát hiện mất một lúc 16 sắc phong, cả làng bàng hoàng.

Nhưng cũng vì quý giá, linh thiêng như thế, khi nghe chuyện có người bỗng dưng… trả lại sắc phong, điều đầu tiên là người ta nghi kỵ. Ở Trần Xá, khi những người “lạ mặt” (chính là nhóm Tâm Phát) đến làng bảo rằng họ có giữ sắc phong của làng, nay muốn trao lại. Người mừng, kẻ nghi. Các cụ cao niên bàn bàn tính tính. Có cụ hiến kế mời cả đại diện Đảng ủy, chính quyền tham gia. Nếu là kẻ gian, khi có sự xuất hiện của chính quyền, chúng khắc cao chạy xa bay. Đến hôm “chốt lịch” nhận sắc, vẫn có người lo không khéo cả làng được phen mừng hụt… Phải đến khi những cụ cao niên kính cẩn mở đạo sắc ra, mọi người mới thở phào. Chị Hồ Hải Hà bảo rằng, mất sắc phong rồi, các cụ đau lòng lắm. Trộm cắp thì nhiều thủ đoạn. Khi thì giả danh người nghiên cứu, khi thì vào vai người phát tâm công đức… Chị và các thành viên trong nhóm bị nghi ngờ cũng là lẽ thường. Điều quan trọng là hiệu quả công việc. Chuẩn bị sẵn tâm lý đối mặt với nghi kỵ, vậy mà cũng có lần chị Hà tủi thân đến rớt nước mắt. Thường thì sau khi mua những sắc phong được rao bán trôi nổi trên mạng, nhất là trang www.phomuaban.vn, chị nhờ người dịch nội dung, xem lai lịch của sắc phong gắn với di tích, địa phương nào. Có những địa danh đã thay đổi cùng thời gian, lại phải mày mò đối chiếu trên thực tế. “Định vị” xong, mới tìm đến các địa phương xác minh để trao lại. Hồ Hải Hà và bạn bè từng bị người dân địa phương “quây”. Người dân nghi có lẽ bọn trộm sắc định giở trò gì? Đòi tiền chuộc chăng? Hay lại muốn “cướp” nốt những đạo sắc còn lại? Hay là bọn trộm sắc phong nay bị thánh phạt, buộc phải tìm cách trả?... Vượt qua nghi kỵ, nhóm Tâm Phát quyết thực hiện tâm nguyện của mình, để rồi nhóm Tâm Phát nói chung và Hồ Hải Hà nói riêng được các cụ ở nhiều địa phương coi như “người làng”, coi như con cháu trong nhà.

Một thời, tình trạng trộm cắp và buôn bán sắc phong diễn ra khá rầm rộ. Nhóm Tâm Phát và chị Hồ Hải Hà thường chia sẻ trên các diễn đàn về những giá trị tâm linh của sắc phong. Sắc phong không chỉ là bảo vật của một cộng đồng dân cư, mà còn thuộc về những thần linh của đất Việt. Chơi gì thì chơi, không nên chơi sắc phong, phạm đến thánh thần. Nhiều người ủng hộ việc làm của Tâm Phát và gia nhập nhóm. Gần đây chị Hà được mọi người hỗ trợ khá nhiều trong việc trả lại sắc phong cho đình, đền. Chính bởi nhận thức của cộng đồng thay đổi, cho nên dù sắc phong có được rao bán, thì giá không còn cao như trước. “Thành thật mà nói, chúng tôi là người lao động, chẳng có nhiều tiền. Giá bán sắc phong rẻ hơn chính là cơ hội để chúng tôi mua được thêm sắc phong, trao lại cho di tích”, chị Hà chia sẻ. Hiện chị vẫn còn giữ 100 sắc phong và đang tiếp tục nhờ người dịch, làm thủ tục tặng lại những nơi mà từ đó chúng ra đi.

Những việc làm của nhóm Tâm Phát, của cô giáo Hồ Hải Hà còn nhỏ bé, nhưng cho chúng ta thêm niềm tin vào trách nhiệm của cộng đồng với di sản của cha ông. Nhận thức của cộng đồng đang đổi thay, có những người tình nguyện trao những đạo sắc phong quý giá mà họ sưu tập được cho Tâm Phát, nhờ nhóm thay mặt họ “hồi hương” cho những mảnh “hồn làng”.