Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914-1/1/2024)

Học tập tấm gương người cộng sản Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, tuyệt đối trung thành, tận tụy với Đảng, với nước, với nhân dân; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Học tập tấm gương người cộng sản Nguyễn Chí Thanh

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế), từ rất sớm, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bộc lộ bản lĩnh, nhiệt huyết và khả năng đoàn kết nhân dân để chống bất công.

Được các đồng chí Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diểu dìu dắt, đồng chí sớm giác ngộ, tham gia cách mạng và nhanh chóng được giao những nhiệm vụ quan trọng. Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ làng Niêm Phò rồi sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Từ năm 1938 đến năm 1945, đồng chí ba lần bị địch bắt giam trong các nhà tù Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột nổi tiếng tàn khốc ở miền trung, nhưng đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, ý chí kiên định, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Sau mỗi lần thoát khỏi chốn lao tù, đồng chí lại trở về xây dựng cơ sở, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh.

Tháng 8/1945, đại diện cho tổ chức đảng ở Trung Kỳ, đồng chí được cử ra Việt Bắc tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại hội nghị, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Sau hội nghị, đồng chí trở về cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng ở Thừa Thiên Huế, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tại chiến trường miền trung ác liệt, nhất là trận tuyến Bình-Trị-Thiên khói lửa, là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ những năm 1945-1946; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân Khu ủy Bình-Trị-Thiên những năm 1947-1948; Bí thư Liên Khu ủy Liên khu IV từ năm 1948-1950, đồng chí đã lãnh đạo phong trào kháng chiến giành được nhiều thắng lợi quan trọng.

Đồng chí để lại dấu ấn sâu đậm với câu nói bất hủ tại Hội nghị Nam Dương (tháng 3/1947): “Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không thể để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”.

Năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (năm 1951), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Đồng chí đã có vai trò hết sức to lớn trong việc đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội làm nòng cốt trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1959, đồng chí được Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta. Tháng 9/1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, kiêm Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng quốc phòng.

Từ năm 1961 đến năm 1964, trước yêu cầu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phát triển phong trào hợp tác ở miền bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương.

Trên mặt trận quan trọng hàng đầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ, đồng chí được các hợp tác xã, nông trường suy tôn với tên gọi thân thương “Đại tướng của nông dân”, người trực tiếp sâu sát cơ sở, tâm huyết với các mô hình hợp tác hóa nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh tế nông nghiệp. Những nỗ lực của đồng chí đã góp phần đưa nông nghiệp miền bắc phát triển, trở thành hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Cuối năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng cử vào miền nam, đảm đương trọng trách Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền nam, đại diện của Bộ Chính trị tại chiến trường, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền nam trong thời điểm bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ thực tiễn chiến đấu của các địa phương, đơn vị, đồng chí đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, trở thành khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường, như: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, lập các “Vành đai diệt Mỹ”, thi đua phấn đấu trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Đồng chí luôn nắm bắt nhanh nhạy và khái quát sâu sắc cục diện cuộc chiến để đề ra quyết sách cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết đánh và quyết thắng quân Mỹ xâm lược.

Không chỉ là một vị tướng có tài thao lược, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là nhà lý luận chính trị xuất sắc. Những bài báo, bài viết của Đại tướng thể hiện sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, mang hơi thở cuộc sống, gắn liền giữa lý luận và thực tiễn.

Cùng với đó, đồng chí luôn sâu sát với cơ sở, với phong trào, từ phong trào để đúc kết thành thực tiễn và vận dụng để chỉ đạo, điều hành. Các phong trào: “Cờ Ba Nhất” trong quân đội, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” trong ngành công nghiệp, “Trống Bắc Lý” trong ngành giáo dục đều gắn liền với tên tuổi của Đại tướng.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng suốt đời phấn đấu vì độc lập tự do cho Tổ quốc.

Dù trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí luôn tạo ấn tượng đặc biệt về một người lãnh đạo văn võ song toàn, một danh tướng tài ba, đức độ, suốt đời sống và làm việc theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là tấm gương với lối sống trong sáng, giản dị. Đồng chí luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, đồng cam cộng khổ với đồng bào, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lời nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn chặt với thực tiễn.

Hơn 55 năm kể từ ngày Đại tướng đã đi xa nhưng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần nhiệt huyết cách mạng, ý chí mãnh liệt và tài đức vẹn toàn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn có sức lay động và lan tỏa sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân.

Đối với quê hương Thừa Thiên Huế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là danh nhân hàng đầu trong lịch sử cách mạng của tỉnh. Đồng chí trưởng thành trong phong trào mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo ở Thừa Thiên Huế và sớm tỏ rõ bản lĩnh cách mạng, tài năng, trí tuệ của một nhà lãnh đạo được các tầng lớp nhân dân yêu mến.

Từ năm 1948 trở đi, đồng chí rời quê hương để đảm đương những nhiệm vụ mới. Dù ở trên cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng dành cho quê nhà sự quan tâm và tình cảm đặc biệt.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi xa đã hơn năm mươi năm nhưng danh tiếng về tài năng, đức độ và những cống hiến của đồng chí đối với quê hương Thừa Thiên Huế, đối với đất nước vẫn mãi được lưu truyền trong dòng chảy lịch sử đương đại.

Đồng chí mãi là niềm tự hào, là tấm gương để cán bộ, đảng viên và nhân dân Thừa Thiên Huế học tập và noi theo, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.