Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động phối hợp, triển khai Đề án bảo đảm tiến độ, phù hợp, sát thực tế.
Đồng chí cho rằng, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, bởi liên quan đến biên chế, tổ chức, chế độ, chính sách, tư tưởng, tình cảm của nhiều người. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động; tiến hành gặp gỡ, đối thoại dân chủ với các doanh nghiệp giải thể, sáp nhập để nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải thể, sáp nhập để đề ra cách giải quyết hiệu quả, sát thực tiễn.
* Chiều 9/10 tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang tiếp Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano De Lasala.
Đại tướng Phan Văn Giang chúc mừng Đại sứ Carmen Cano De Lasala nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và đánh giá cao quan hệ hợp tác với Tây Ban Nha; đồng thời mong muốn đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên.
Đồng chí đánh giá, thời gian qua, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Tây Ban Nha được triển khai phù hợp với Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (ký năm 2010), đạt được kết quả trên một số lĩnh vực, như: Trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; đào tạo; công nghiệp quốc phòng; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cho rằng hai bên còn nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, phù hợp nhu cầu và khả năng của mỗi nước,
Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị, thời gian tới, hai bên tập trung vào các lĩnh vực: Trao đổi đoàn các cấp, đào tạo, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương...
Đại sứ Carmen Cano De Lasala bày tỏ tình cảm tốt đẹp đối với con người, đất nước Việt Nam; chia sẻ với Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra; đánh giá cao năng lực ứng phó thiên tai của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại sứ Carmen Cano De Lasala đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
* Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chiều 9/10, tại Hà Nội, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an chủ trì buổi gặp mặt các nhà khoa học, chuyên gia tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu lý luận, khoa học, chiến lược và lịch sử của ngành công an, phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
Thượng tướng Lương Tam Quang khẳng định: Bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương luôn quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học trong Công an nhân dân; đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược về giáo dục, đào tạo, về khoa học, công nghệ, về lý luận trong Công an nhân dân; đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp huy động đội ngũ trí thức ngoài Công an nhân dân tham gia sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Đồng chí mong muốn, thời gian tới tiếp tục nhận được sự đóng góp của đội ngũ trí thức Công an nhân dân, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xây dựng lực lượng công an "tinh, gọn, mạnh", đến năm 2030 tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nhất là trong chuyển đổi số, góp phần đổi mới các nhiệm vụ, giải pháp công tác công an.
Bộ trưởng cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các chuyên gia, các nhà khoa học ngoài Công an nhân dân trong các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là tham mưu các chủ trương, chính sách; đấu tranh phản bác các tư tưởng sai trái, thù địch; huy động đông đảo trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ.
* Ngày 9/10, tại Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 cho gần 10.000 sinh viên khóa 69. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu ý kiến.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Bách khoa Hà Nội từng bước khẳng định vị thế, uy tín, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí đề nghị, năm học 2024-2025 và thời gian tới, Đại học Bách khoa Hà Nội cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, quy định của Nhà nước về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đại học Bách khoa Hà Nội cần chú trọng nghiên cứu, đề xuất ý tưởng mới, có tính đột phá; mạnh dạn thí điểm những mô hình mới hoặc áp dụng sáng tạo, có chọn lọc những mô hình tiên tiến của các đại học đẳng cấp thế giới. Nhà trường cần tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhất là cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo cả về tài và đức, phẩm chất và uy tín khoa học.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đặt hoa tưởng niệm tại Tượng đài "Cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc", dự lễ khánh thành Trung tâm Xây dựng học liệu số 2 tại Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu.
* Ngày 9/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp đánh giá công tác bảo đảm thông tin chỉ đạo, điều hành trong phòng chống thiên tai, tình huống khẩn cấp; kết quả triển khai Luật Phòng thủ dân sự, xây dựng Nghị định và tổ chức Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bảo đảm thông tin xuyên suốt đến các điểm cầu, đầu cầu trong tình huống thiên tai, khẩn cấp, bất khả kháng như trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, nhất là kết nối đến thực địa, hiện trường, tổng hợp và cung cấp theo thời gian thực dữ liệu quan trắc, quan sát, lập mô hình mô phỏng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành...
Phó Thủ tướng giao các cơ quan có chức năng dự báo, cảnh báo, giám sát như khí tượng thủy văn, đê điều, hồ chứa... rà soát, đề xuất dự án đầu tư, ứng dụng công nghệ, phần mềm trí tuệ nhân tạo để phân tích, xây dựng các mô hình mô phỏng phục vụ công tác chỉ đạo, ra quyết định.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành rà soát đề xuất dự án đầu tư, nâng cấp trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, viễn thông... đồng bộ với hạ tầng năng lượng, đường truyền viễn thông để có thể chống chịu với siêu bão, các hiện tượng thiên tai ngày càng cực đoan hoặc những tình huống bất khả kháng, khẩn cấp...
* Ngày 9/10, phát biểu kết luận tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, Phó Thủ tướngLê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quan điểm: Đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy khuyến khích khơi thông nguồn lực; phân cấp, phân quyền thực chất.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Tư pháp tổng hợp các ý kiến, đồng thời tham mưu Chính phủ giao việc cho các bộ, ngành rà soát, trình sửa đổi các cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn; các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đồng chí đánh giá cao các ý kiến tại Diễn đàn đã cho thấy rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết; nhiều hơn so với các kỳ họp trước; trong đó, có các dự án luật được đề xuất theo phương án 1 luật sửa nhiều luật để giải quyết các vấn đề cấp bách của cuộc sống.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách mà còn phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức; cần xem xét xây dựng hành lang pháp lý để cán bộ, công chức yên tâm làm việc.