Hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền trong mỹ thuật

Sao chép toàn bộ hoặc phần lớn tác phẩm, hoặc “nhái” theo phong cách vẽ của người khác lâu nay vẫn là vấn nạn nhức nhối trong mỹ thuật. Gần đây, giới họa sĩ và người yêu tranh lại có dịp xôn xao trước sự việc họa sĩ Đoàn Quốc bị một đoàn làm phim khởi kiện vì lý do xâm phạm quyền tác giả với mục đích thương mại.
0:00 / 0:00
0:00

Cụ thể, một bức tranh trong triển lãm diễn ra tháng 6/2022 của tác giả này bị phát hiện giống với một cảnh trong phim “Cố Du” của đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân ra mắt từ năm 2019. Đôi bên đều có lý lẽ bảo vệ tác phẩm của mình, song một lần nữa làm “nóng” câu chuyện ranh giới mong manh giữa học hỏi, tham khảo hay đạo nhái, bắt chước trong nghệ thuật tạo hình.

Khi quan sát bức tranh của Đoàn Quốc và cảnh phim “Cố Du” đặt cạnh nhau, không khó nhận ra sự tương đồng trong bối cảnh, bố cục, nguồn sáng, và nhiều chi tiết, hoa văn trong các đồ vật trên bàn. Ê-kíp làm phim cho biết dự án “Cố Du” tái hiện cuộc sống của tầng lớp quý tộc Việt Nam dưới thời Nguyễn, và cảnh quay này do đạo diễn Minh Luân lên ý tưởng và dàn dựng, kết hợp với công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), sau đó sử dụng các đạo cụ để làm thành bối cảnh quay phim, chứ không phải là cảnh trí có sẵn tại một ngôi nhà cổ hoặc địa điểm du lịch.

Trong khi đó, giám tuyển Lý Đợi, đại diện của họa sĩ Đoàn Quốc trong triển lãm, bác bỏ mọi cáo buộc.

Ông cho rằng không thể độc quyền các hình ảnh đã mang tính cổ điển, phổ quát hoặc dân gian như cái cửa sổ, bộ bàn, cái tủ, bức bình phong... Việc kiện tụng vì tranh vẽ trông giống một cảnh cắt ra từ phim gần như chưa có tiền lệ, và được nhiều người trong nghề nhận định là “khó giải quyết”. Trong khi chưa có Luật Mỹ thuật với những quy định cụ thể, thì các khung pháp lý chung khác về hoạt động mỹ thuật đều không đủ rõ ràng để phân định đúng sai trong trường hợp này.

Mặc dù bản thân họa sĩ Đoàn Quốc đã thừa nhận là khi tìm kiếm các tư liệu kiến trúc để thể hiện văn hóa xưa đã xem nhiều phim, ảnh, trong đó có đoạn phim nêu trên trong “Cố Du”, và đã có “tham khảo”, “lấy cảm hứng để đưa câu chuyện của mình vào”, song lời xin lỗi đã là muộn màng. Giá như họa sĩ trẻ (sinh năm 1996) có động thái xin phép những người thực hiện trước khi sử dụng bối cảnh phim làm bối cảnh tranh, có lẽ câu chuyện sẽ khác. Đại diện đoàn phim cho biết sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng để có được cách giải quyết thỏa đáng, và cũng là để góp phần giảm bớt những vụ lùm xùm, mập mờ khác về bản quyền hình ảnh.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng, dù kết luận cuối cùng của tòa án ra sao thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của một họa sĩ trẻ được đánh giá là có tài như Đoàn Quốc. Đây cũng là bài học về sự cẩn thận cho tất cả các nghệ sĩ, trong bối cảnh bản quyền ngày càng được xem trọng.

Hiện, việc tham chiếu, xác định một tác phẩm hội họa là bản gốc hay sao chép, sao chép bao nhiêu phần... là rất phức tạp, không chỉ ở riêng Việt Nam mà với nhiều nền mỹ thuật ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, không có nghĩa là không có cách nào. Ngoài việc dựa vào kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, máy móc kỹ thuật... của hệ thống thẩm định, còn cần thiết phải nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức về bản quyền của bản thân họa sĩ.

Khi sáng tác nghệ thuật, bên cạnh việc tưởng tượng và sáng tạo thì người nghệ sĩ có quyền dựa trên sự vật, hiện tượng có thực trong cuộc sống. Họ có thể tìm hiểu thông tin qua hình ảnh, tư liệu từ các nguồn khác nhau, có thể học hỏi cách làm của các tác giả mình yêu thích, nhưng phải thay đổi, làm mới và mang phong cách cá nhân, thì tác phẩm đó mới trở thành riêng của mình. Bất kỳ sự vay mượn ý tưởng nào, kể cả sử dụng cho mục đích thương mại hay không, đều nhất thiết phải xin phép, nhận được sự đồng ý, mới bắt tay vào thực hiện.

Mặt khác, giới họa sĩ cũng mong mỏi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn, bổ sung và hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật. Chừng nào tình trạng tranh giả, tranh nhái còn ngập tràn các phòng tranh, cửa hàng lưu niệm, thậm chí là trên đường phố ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, thì sự minh bạch của thị trường mỹ thuật không chỉ trông chờ vào mỗi lương tâm của người cầm bút vẽ.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất, người mới đây cũng vừa đăng đàn công khai tố cáo việc tranh của mình bị “nhái” và bức tranh giả còn được giao dịch thành công, khẳng định rằng việc họa sĩ đạo ý tưởng hay sao chép y nguyên đều đáng lên án vì đều phản ánh sự lười biếng trong tư duy sáng tạo. Các họa sĩ khi phát hiện bị xâm phạm bản quyền cần lên tiếng mạnh mẽ để giới chuyên môn, giới sưu tập tranh biết được, đó cũng là một cách để góp phần bảo vệ danh tiếng của mình và bảo vệ quyền lợi người sưu tầm.