Giải bài toán về đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (Tiếp theo và hết) (*)

Hoàn thiện cơ chế tự chủ, mô hình quản trị tiên tiến

Trước những hạn chế, yếu kém của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị này, trước hết, Nhà nước phải hoàn thiện cơ chế giúp các đơn vị tự chủ đúng nghĩa. Các đơn vị cũng phải tích cực, năng động, phát huy nội lực để đứng vững và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập. (Ảnh minh họa: VGP)
Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập. (Ảnh minh họa: VGP)

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), trong đó khẳng định chủ trương hoàn thiện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng đẩy mạnh việc chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thảo luận về việc một số bệnh viện tuyến Trung ương đang tự chủ toàn bộ lại xin quay trở lại tự chủ một phần, đồng chí Đỗ Chí Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn Phú Yên đánh giá: Các đơn vị công lập hiện nay đang chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác như Luật Công chức, Viên chức. Không phải cứ tự chủ là bệnh viện được tự quyết tất cả mọi thứ. Điển hình như việc bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng nhân sự, biên chế, quản lý tài sản công… tất cả đều phải tuân theo các quy định của pháp luật, theo quy định của các cấp có thẩm quyền.

Do đó, khi các bệnh viện muốn phát triển mạnh mẽ, tự quyết định mọi việc thì lại bị mắc kẹt bởi cơ chế. Theo đồng chí, tự chủ là tạo mọi điều kiện để bệnh viện phát huy được sức sáng tạo trong điều kiện đặc thù, để phục vụ người dân tốt hơn, nguồn thu tốt hơn một cách lành mạnh, đúng định hướng thì mới đáp ứng đúng bản chất của tự chủ.

Trong quá trình chuyển đổi, tự chủ tài chính mang ý nghĩa then chốt. Nhà nước đã có nhiều văn bản quy định về nội dung này. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP trong đó xác định rõ cơ chế tự chủ một phần hoặc tự chủ toàn diện. Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp là nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao và hoàn thiện các danh mục tự chủ để từ đó xác định được các nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ và chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

Về nguyên tắc, đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước bảo đảm về mặt kinh phí. Đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Đối với dịch vụ đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP được xem như “cú huých” đột phá cho cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp. Nhưng theo Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Vân, Học viện Hành chính quốc gia, so với thực tiễn, Nghị định vẫn còn nhiều bất cập. Thí dụ, công thức xác định mức độ tự chủ chưa sát thực tế; quy định về nguồn thu hoạt động sự nghiệp chưa thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Vì vậy, cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cùng với hoàn thiện quy định tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cần tiến hành điều chỉnh một số chính sách như chính sách về đất đai hay về đấu thầu…

Tiến sĩ Lê Đình Thăng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước thì cho rằng, để hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành luật đơn vị sự nghiệp công lập để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đơn vị sự nghiệp công, bảo đảm tính hiệu lực trong thực hiện, vận hành chính sách, đạt mục tiêu theo đường lối, chủ trương mà Đảng và Nhà nước đặt ra.

Trên cơ sở đó, giao Chính phủ ban hành các nghị định về cơ chế tự chủ đối với lĩnh vực quản lý nhà nước bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tuân thủ quy định thống nhất; tiến tới ban hành luật về cung ứng dịch vụ công, trong đó định hình sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và Nhà nước tham gia theo hướng những lĩnh vực mà tư nhân không hoặc không thể tham gia thì Nhà nước phải đóng vai trò cung cấp.

Đổi mới mô hình quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả

Với đặc thù là các doanh nghiệp phục vụ sự nghiệp công thì tăng quyền tự chủ nhưng nếu cơ cấu tổ chức không đáp ứng sẽ dẫn đến đổ vỡ. Thực tiễn đã cho thấy một số bệnh viện, trường học công lập tự chủ mắc sai phạm trong quản lý, điều hành và đã có cán bộ bị kỷ luật. Do vậy, bên cạnh nghiên cứu khơi thông cơ chế, chính sách thì việc tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, điều hành cũng là cấp thiết đối với quá trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.

Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Lâm Oanh, Học viện Chính trị Khu vực I, hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo. Nhiều nơi, việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chuyển biến chậm; quản trị nội bộ yếu kém; chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp; chi tiêu ngân sách nhà nước còn quá lớn. Một trong các nguyên nhân của những hạn chế trong kết quả tinh giản biên chế ở các đơn vị sự nghiệp công là do quyết tâm chính trị chưa cao, ngại va chạm.

Một bộ phận cán bộ ngại đổi mới, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng chí đề xuất, cần xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức ở các đơn vị sự nghiệp một cách chặt chẽ, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc, phạm vi, tính chất phức tạp của công việc, các yêu cầu về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng đối với các vị trí việc làm.

Thống nhất với quan điểm trên, đồng chí Trần Huyền Trang, Phó Trưởng phòng Kế hoạch, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn bổ sung, phải đẩy nhanh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về vị trí việc làm, về chế độ, chính sách cho đội ngũ viên chức nói chung, chính sách đãi ngộ để thu hút người có trình độ phù hợp vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện kiểm định, đánh giá và xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua thực tiễn công tác giáo dục, PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, để đổi mới cơ chế tự chủ thật sự trở thành đột phá, tạo động lực, trước hết chú trọng đổi mới tổ chức, hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Thí dụ đối với tự chủ đại học, cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện mô hình, phương thức, cơ chế hoạt động giữa Hội đồng trường với Đảng ủy, Giám đốc/Hiệu trưởng. Không nên tuyệt đối hóa vai trò Hội đồng trường vì đặc thù cơ chế quản trị các cơ sở giáo dục đại học công lập còn có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng.

Để đổi mới cơ chế tự chủ thật sự trở thành đột phá, tạo động lực, trước hết chú trọng đổi mới tổ chức, hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Thí dụ đối với tự chủ đại học, cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện mô hình, phương thức, cơ chế hoạt động giữa Hội đồng trường với Đảng ủy, Giám đốc/Hiệu trưởng. Không nên tuyệt đối hóa vai trò Hội đồng trường vì đặc thù cơ chế quản trị các cơ sở giáo dục đại học công lập còn có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng

Từ góc độ quản lý ngành, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội góp ý, cần có giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công, đổi mới công tác quản lý nhân sự, ứng dụng công nghệ thông tin (trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn) vào các khâu từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đến kiểm tra, đánh giá.

Cần xây dựng cơ chế tiền lương nhằm tạo động lực và tránh tình trạng “chảy máu chất xám”. Doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần sớm đưa ra cơ chế phù hợp và kịp thời để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Cải cách tiền lương không chỉ để giữ chân người lao động, thúc đẩy người lao động làm việc tốt hơn mà góp phần tăng năng suất lao động…

Mới đây, tại hội thảo khoa học đổi mới toàn diện, đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ công do Ban Kinh tế Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, nên áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần đã giúp thu hút thêm nguồn lực xã hội cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, giảm hỗ trợ của ngân sách nhà nước, giúp cải thiện quản trị doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều đơn vị. Tại một số đơn vị, việc chuyển đổi đã góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, một số ý kiến gợi ý, để đổi mới quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp, trước hết cần so sánh giữa mô hình quản trị doanh nghiệp với mô hình quản lý đơn vị sự nghiệp công lập hiện tại, rút ra những điểm giống và khác nhau, từ đó đề xuất mô hình quản trị phù hợp nhất…

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh là yêu cầu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra. Với vai trò là bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị, việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chính là góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị. Vì vậy, việc sớm tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Bộ Chính trị để tháo gỡ vướng mắc, tìm giải pháp, hướng đi cho các đơn vị sự nghiệp công lập là việc làm cần thiết và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.