TP Hồ Chí Minh vừa khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, nhằm tiêu thoát nước và cải thiện môi trường cho khoảng 14.900ha. Đây là một trong số những dự án kênh rạch của thành phố dự kiến khởi công trong thời gian tới.
Mong đợi sau nhiều năm ô nhiễm
“Nhiều năm qua, chúng tôi đã phải sống khổ sở bên bờ kênh Tham Lương với mùi hôi thối, rác thải, xà bần... Thành phố bắt tay vào cải tạo lại tuyến kênh, người dân rất vui mừng sau hơn 20 năm chờ đợi. Hy vọng trong tương lai dòng kênh sẽ được xanh hóa, cảnh quan sạch đẹp hơn”, bà Lê Thị Hoa Cúc (ngụ quận Bình Tân) chia sẻ.
Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Ỏn (63 tuổi, ngụ quận 12) cho hay, ngày khởi công cũng là ngày vui thật sự. “Gia đình tôi đã gắn bó với dòng kênh này ba đời rồi, khi nó còn trong xanh và chiều nào cũng ra tắm kênh, bắt cá. Hơn 30 năm nay, chứng kiến mặt nước ngày càng ô nhiễm, lòng tôi nặng trĩu. Vậy nên không vui sao được khi dòng kênh được cải tạo”, ông Ỏn thổ lộ. Đó cũng là tâm trạng chung của người dân sống dọc quanh tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên khi dự án khởi công giai đoạn 2.
Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2 của dự án đi qua địa bàn quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Tổng mức đầu tư khoảng 8.200 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách T.Ư là 4.000 tỷ đồng, thành phố là 4.200 tỷ đồng. Cùng với chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường khu vực dự án, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc-Nam, dự án còn kết nối liên vùng, từ miền Tây qua miền Ðông Nam Bộ ở cả đường bộ và đường thủy, từ tỉnh Long An đến TP Hồ Chí Minh, qua tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai qua quốc lộ 1.
Giám đốc Quản lý dự án xây dựng hạ tầng Lê Thanh Tùng cho biết, dự án sẽ xây dựng tuyến kè bờ kênh tổng chiều dài hơn 63km, đồng thời, nạo vét hơn 31km kênh với bề rộng đáy kênh từ 30m trở lên. Cùng với đó, làm đường giao thông hai bên bờ kênh, bề mặt rộng từ 7-12m (chủ yếu là 12m), vỉa hè rộng hơn 3m. Dự án cũng sẽ xây dựng 12 bến thuyền và 3 cầu giao thông dọc tuyến; các nút giao thông cùng các công trình thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. “Đây là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045, sẽ cải thiện đời sống hơn 2 triệu dân trong khu vực. Ngoài hiệu quả chống ngập được nâng cao, dự án sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm, đem lại bầu không khí trong lành, dòng nước xanh trong cho người dân”, ông Tùng khẳng định.
Trước đó, năm 2002, giai đoạn 1 của dự án đã giải phóng mặt bằng, thi công nạo vét kênh thông tuyến dòng chảy, đắp bờ đất hai bên kênh, xây dựng các cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh và bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau đó, dự án bị ngưng trệ nhiều năm. PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, Hội Quy hoạch phát triển thành phố cho rằng, dự án sẽ không chỉ tạo nên bước đột phá cho hạ tầng đô thị, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho thành phố mà còn hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua 7 quận, huyện nói riêng và khu vực các tỉnh lân cận thành phố nói chung. Đây cũng là động lực phát triển kinh tế, xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong tương lai.
Để dự án làm đúng tiến độ…
Về giải phóng mặt bằng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho hay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án đã được UBND thành phố tập trung thực hiện hoàn thành từ nguồn ngân sách thuộc dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên trong giai đoạn 1, thực hiện từ năm 2002 trở đi. Hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng chỉ còn một phần diện tích tại phường 15 (quận Gò Vấp) và các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An (quận 12), với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 12,5ha và sẽ được thực hiện trong quá trình làm dự án. Trong đó, diện tích đất quận 12 hơn 10ha và Gò Vấp hơn 2,4ha, với tổng số hộ bị ảnh hưởng là 166 hộ. “Dự án liên quan tới 7 quận, huyện nhưng thuận lợi là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã được thực hiện phần lớn trước đây nên chi phí thấp”, ông Dũng thông tin.
Bên cạnh đó, dự án có 10 gói thầu xây lắp, hiện đã đấu thầu và lựa chọn nhà thầu được 9 gói thầu (đã có mặt bằng). Ðây là yếu tố thuận lợi để công trình có thể khởi công cuối tháng 2/2023 và hoàn thành vào năm 2025. Về nguồn vốn, UBND thành phố đã có quyết định giao vốn cho đơn vị thực hiện trong năm 2023 là 1.300 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố và T.Ư.
Để dự án triển khai đúng tiến độ, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành thành phố tập trung phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh; đề nghị UBND các quận, huyện có liên quan tiếp tục vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án. Bên cạnh đó, đề nghị chủ đầu tư tập trung chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng huy động nhân lực, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu và có kế hoạch thi công chi tiết, phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, đặc biệt là các địa phương để hoàn thành dự án theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng công trình, mỹ quan đô thị và an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Để xử lý nguồn nước cho tuyến kênh, chủ đầu tư cũng sẽ triển khai hai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn và khu vực Tham Lương-Bến Cát, với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Hai dự án này triển khai trong giai đoạn 2023-2028. Sau khi hoàn thành, toàn bộ hệ thống nước thải thu gom sẽ đưa về hai nhà máy xử lý tại quận 12 và quận Bình Tân nhằm cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập nước do mưa, triều và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lưu vực Tây Sài Gòn và Tham Lương-Bến Cát.
Để công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đồng bộ, Sở Xây dựng vừa trình UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc ba đề án thí điểm chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 7 theo hình thức xã hội hóa đầu tư. Các dự án được đề xuất thí điểm gồm: Dự án ao Song Tân hơn 21.240 tỷ đồng, dự án rạch Bần Đôn khoảng 3.100 tỷ đồng và dự án sông Ông Lớn gần 15.000 tỷ đồng. Khu vực của các dự án phần lớn là nhà ở tạm bợ, bán kiên cố, hình thành các dãy nhà lụp xụp ven sông, tiềm ẩn nhiều rủi ro do triều cường và sạt lở bờ sông hằng năm, cần phải được di dời giải tỏa để cải tạo chỉnh trang lại, tạo diện mạo mới cho quận 7 nói riêng và thành phố nói chung.
Về chủ trương xã hội hóa, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, theo kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, đã xác định tuyến ao Song Tân và rạch Bần Đôn được thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Tại các cuộc họp, UBND quận 7 đề xuất bổ sung thêm tuyến sông Ông Lớn để thực hiện xã hội hóa đầu tư là phù hợp chủ trương của UBND thành phố trong tình hình hạn hẹp nguồn vốn đầu tư công.
(Còn nữa)