EVNICT tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị “đầu mối” trong việc xây dựng, triển khai và vận hành tin cậy ổn định hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông dùng riêng, bảo đảm phục vụ tốt công tác điều hành sản xuất, kinh doanh điện năng của Tập đoàn.
EVNICT còn được Tập đoàn tin tưởng giao trọng trách là đơn vị “dẫn dắt” công cuộc chuyển đổi số của toàn EVN - đây là cơ hội và cũng là thách thức không nhỏ đối với EVNICT.
Trong năm 2022, EVNICT đã xuất sắc hoàn thành triển khai 5 giải pháp ứng dụng tiêu biểu về chuyển đổi số giúp EVN trở thành doanh nghiệp số xuất sắc năm 2022 - được Hội Truyền thông số Việt Nam vinh danh tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2022”.
Năm giải pháp ứng dụng tiêu biểu trong bốn lĩnh vực chuyển đổi số trọng tâm bao gồm: Hệ thống phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (ĐTXD 2.0 - IMIS 2.0); Giải pháp cổng thông tin điện tử EVN và số hóa nghiệp vụ hành chính văn phòng (EVNPortal); Giải pháp Quản lý sửa chữa bảo dưỡng theo điều kiện vận hành (CBM); Ứng dụng phục vụ người lao động trong EVN (SmartEVN); Giải pháp tích hợp với Cơ sở dữ liệu dân cư thông qua cổng dịch vụ công quốc gia vào hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện (CMIS 3.0).
Các giải pháp này giúp EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong năm 2022 và tạo tiền đề để EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chính trong năm 2022, đối với công tác điều hành, vận hành, xử lý lỗi hệ thống phần mềm, hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin và an ninh thông tin: hoàn thành 100% các chỉ tiêu Tập đoàn giao, không có các sự cố nghiêm trọng liên quan đến các cuộc tấn công có chủ đích, hệ thống thông tin của Tập đoàn được bảo đảm an toàn, không bị mất hoặc mã hóa dữ liệu bởi bên thứ ba.
Công tác chuyển đổi số: đáp ứng hơn 99% bộ chỉ tiêu đánh giá các nhiệm vụ chuyển đổi số Tập đoàn giao năm 2022; triển khai 52 nhiệm vụ chuyển đổi số thực hiện trong năm 2022 đã góp phần đưa EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong năm 2022.
EVNICT đã hoàn thành 20 nhiệm vụ, đang triển khai 32 nhiệm vụ; bảo đảm tiến độ 49/52 nhiệm vụ. Cơ bản hoàn thành 4/4 nhiệm vụ được giao theo chủ đề năm 2022 của EVN. Trong đó, “Hệ thống thông tin quản trị kế hoạch triển khai và kết quả thực hiện chiến lược phát triển EVN” đã phục vụ hiệu quả cho cơ quan Tập đoàn trong công tác cập nhật, theo dõi các giải pháp, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ chiến lược Tập đoàn cũng như nội dung chiến lược Tập đoàn giao cho các đơn vị.
EVNICT tiếp tục duy trì hoạt động liên tục, vận hành ổn định các hệ thống các phần mềm dùng chung (PMIS, CMIS, Digital Office, EVNPortal, ERP, IMIS, EVNHES...).
Tính đến hết năm 2022, tổng số yêu cầu phần mềm đã xử lý là 9.239 (tỷ lệ xử lý đạt trên 90%), kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dùng đối với các phần mềm dùng chung đạt bình quân 88%, số lỗi phần mềm tồn cuối năm 32 lỗi (giảm 53% so tồn đầu năm), số yêu cầu hoàn thiện phần mềm tồn cuối năm là 35 yêu cầu (giảm 67% so tồn đầu năm).
EVNICT đã hoàn thành cung cấp công cụ Điều hành, theo dõi các dự án góp phần bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án nguồn và lưới điện với phần mềm Quản lý Đầu tư xây dựng (IMIS phiên bản 2.0) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Tập đoàn giao cho EVNICT thực hiện.
Tính đến nay, toàn bộ các đơn vị thành viên đã áp dụng và vận hành chính thức IMIS 2.0, hiện IMIS 2.0 đã triển khai tại 230 đơn vị, quản lý 43.932 dự án, 206.243 gói thầu, 269.292 hợp đồng.
Năm 2022, đã có 13.199 dự án triển khai áp dụng quản lý hồ sơ điện tử đạt tỷ lệ 100% dự án được lập hồ sơ, 1.168 dự án đã áp dụng chữ ký số và sổ nhật ký điện tử, đã có 33.802 biên bản dưới dạng điện tử. Về quản lý cơ sở dữ liệu giá vật tư thiết bị: đã đưa 25.185 vật tư thiết bị lưới điện thuộc 11 chủng loại, 63.051 vật tư thiết bị nhà máy điện thuộc 80 chủng loại thiết bị quản lý giá trên phần mềm IMIS 2.0.
Có tới 99% số lượng các gói thầu (tương đương gần 19.000 gói thầu) thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng khi hệ thống đấu thầu điện tử qua mạng quốc gia đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Kết quả đánh giá, chấm điểm nhà thầu và chia sẻ trong toàn EVN được thực hiện trên hệ thống ứng dụng đầu tư xây dựng, có 24.257 hợp đồng và 9.500 nhà thầu được đánh giá, năm 2022 đánh giá 20.688 hợp đồng và 6.074 nhà thầu, đạt tỷ lệ 100%.
EVNICT tiếp tục hỗ trợ các Tổng công ty, các nhà máy điện hoàn thiện cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS) với mục tiêu đến năm 2022 dữ liệu của phần mềm PMIS phải đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đến năm 2022 các đơn vị đã cập nhật dữ liệu được trên 1,9 triệu hồ sơ thiết bị chính đạt tỷ lệ hoàn thành 98% khối lượng trong đó: các nhà máy điện đã cập nhật trên 969 nghìn hồ sơ thiết bị; EVNNPT và các Tổng công ty Điện lực đã cập nhật trên 993 nghìn hồ sơ thiết bị, 235.000 vị trí cột, hơn 79.000km đường dây lưới điện từ 110kV đến 500kV...