Bức tranh "Em Thúy" được sáng tác năm 1943, đã bị bẩn do bụi, muội thuốc lá, phân côn trùng; toan đang trong nguy cơ rách; sơn tranh nứt nhiều và có lớp đã bong.
Đây là bức tranh đầu tiên và được coi là tiêu điểm để tăng cường công tác tu sửa, bảo quản, phục chế các tác phẩm hội hoạ chất liệu sơn dầu đã bị hư hại phần nhiều tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Dự án tu sửa bức tranh này được các tổ chức Asialink và Hội đồng Anh tại Việt Nam hợp tác cùng Bảo tàng Mỹ thuật thực hiện từ 1-4-2004 tại phòng Thí nghiệm bảo quản của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Công việc tu sửa được tiến hành theo bảy bước như: lập hồ sơ, ổn định tranh, xử lý kết cấu, vệ sinh tranh, xử lý vết bong sơn....
Quá trình này được tiến hành theo các tiêu chuẩn châu Âu, với chất liệu hiện đại xuất xứ từ Mỹ. Các chất liệu sử dụng có tính bền vững cao với ưu điểm là sau này có thể dễ dàng loại bỏ những chất gia cố của lần tu sửa này mà không làm ảnh hưởng đến vết sơn gốc của tranh.
Có mặt tại lễ bàn giao, có Đại sứ Australia, vợ cố danh hoạ Trần Văn Cẩn và đặc biệt là bà Nguyễn Minh Thúy, năm nay gần 70 tuổi, cháu gái của danh hoạ và chính là nguyên mẫu của nhân vật trong bức tranh.
Bà xúc động nói: "Tôi không ngờ bức Em Thúy lại được chọn trong số hàng trăm, hàng nghìn bức tranh khác để mở đầu cho việc phục chế tranh tại nước ta. Tôi không nhớ rõ từng nét, từng chi tiết của bức hoạ, nhưng nhìn vào bức tranh bây giờ, tôi không nghĩ rằng nó đã được phục chế, tôi tưởng như nhìn thấy con người thực của mình ngày xưa...".
Bà Caroline Fly, chuyên viên phục chế bức tranh cho biết: "Điều tôi có thể làm được là ổn định lại những vết hỏng, ngăn chặn sự xuống cấp và sử dụng những kỹ năng của tôi để bảo tồn ý tưởng nguyên gốc của tác giả".
Ông Trương Quốc Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật khẳng định, sau lần phục chế này, tranh có thể giữ được tình trạnh ổn định ít nhất là trong 50 năm tới, nếu được bảo dưỡng đặc biệt theo định kỳ mỗi tháng một lần.
Cùng với việc tu sửa bức “Em Thúy”, bà Caroline Fry cũng phối hợp với các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật phục chế bốn tác phẩm sơn dầu khác là "Nhà sàn Bác Hồ", cũng của danh họa Trần Văn Cẩn, "Mỗi người trồng hai cây" của Vương Trình, "Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng" của Đỗ Hữu Huề và "Giải lao đọc báo" của Phạm Công Thành.