Hòa Bình phát triển giáo dục các xã vùng khó khăn

Hòa Bình là tỉnh có nhiều xã thuộc vùng khó khăn, do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của giáo viên và học sinh. Cơ sở vật chất và trang thiết bị cho giáo dục ở những vùng này chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Sau một năm triển khai thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn, chất lượng dạy và học tại Trường tiểu học Hiền Lương, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã được nâng lên.
Sau một năm triển khai thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn, chất lượng dạy và học tại Trường tiểu học Hiền Lương, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã được nâng lên.

Tuy nhiên, sau một năm triển khai Quyết định 112 của ngành giáo dục và đào tạo, tỉnh Hòa Bình chọn hai năm 2013-2014 là năm giáo dục vùng khó khăn, chất lượng giáo dục đại trà những vùng nói trên đã có chuyển biến tích cực.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc Nguyễn Hữu An cho chúng tôi biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 19/20 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn (mười xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, chín xã vùng khó khăn); cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy, học tại các trường mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, sau một năm hưởng ứng năm giáo dục vùng khó khăn của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, Đà Bắc đã có nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng này bằng việc huy động nhiều nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục. Trong đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho huyện tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà làm việc của ban giám hiệu, các lớp, phòng học chức năng và công trình phụ trợ, nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh xã vùng 135 cách xã trung tâm từ 50 đến 80 km như xã Đồng Nghê, Suối Nánh, Đồng Ruộng, Trung Thành, Đoàn Kết... và xã chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới...

Hiền Lương là một trong những xã thuộc vùng hồ sông Đà của huyện Đà Bắc. Hiện nay, Trường tiểu học Hiền Lương có 138 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Mường và Dao. Hiệu trưởng Trường tiểu học Hiền Lương Đoàn Thị Tươi chia sẻ: Trước đây cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, địa hình phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc đến trường của các em, trong đó có điểm trường xa nhất cách khoảng 10 km. Nhưng sau khi triển khai thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn, trường đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đầu tư bàn, ghế đúng quy chuẩn, lắp đặt máy vi tính, hòa mạng in-tơ-nét giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học cho thầy, cô giáo và học sinh... Vì vậy, công tác dạy, học tại Trường tiểu học Hiền Lương đã từng bước khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Em Xa Đức Huy, dân tộc Mường, học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Hiền Lương cho biết: Từ khi trường học có bàn, ghế mới và được học trên máy vi tính chúng em rất vui. Mỗi giờ học, ngoài việc được học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, các thầy, cô giáo còn giúp chúng em hiểu biết thêm kiến thức thông qua việc truy cập in-tơ-nét.

Theo Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Mạc, các xã vùng khó khăn địa bàn rộng, đi lại vất vả ảnh hưởng tới việc học của các em học sinh. Nhiều trường thiếu phòng học bộ môn, nhà công vụ, thiếu nước sinh hoạt; đời sống của đội ngũ giáo viên mầm non ngoài biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Tại các trường vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn còn giáo viên tiểu học có trình độ trung học sư phạm 9+3. Nhiều trường có nhiều chi lẻ, số lượng học sinh ít, ghép nhóm, ghép lớp cho nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, sau một năm triển khai năm giáo dục vùng khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình đã tạo ra bước đột phá mới để hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Đến nay, công tác huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn từng bước có hiệu quả; chất lượng giáo dục đại trà vùng khó khăn có chuyển biến rõ nét; công tác phổ cập giáo dục được nâng cao và duy trì bền vững; cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường vùng khó khăn tiếp tục được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị đặc biệt quan tâm các lớp đầu cấp nhằm giúp học sinh làm quen với điều kiện học tập, sinh hoạt, tiếp cận phương pháp dạy học và giáo dục trong nhà trường, tổ chức các hoạt động để tạo môi trường học tập gần gũi, thân thiện đối với học sinh; tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp học sinh dân tộc thiểu số và dạy học sát với kỹ năng, trình độ nhận thức của các đối tượng học sinh. Đồng thời chủ động mở các lớp chuyên đề nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn. Điển hình như trong năm 2013, có 12 trung tâm học tập cộng đồng các xã thuộc vùng khó khăn huyện Tân Lạc đã mở 87 lớp học chuyên đề với 8.320 học viên tham gia; các trung tâm học tập cộng đồng huyện Yên Thủy đã tổ chức được 21 chuyên đề với các nội dung phong phú; lồng ghép 14 chuyên đề với các hội nghị chuyên đề của xã. Ngoài ra, các phòng giáo dục và đào tạo cũng chủ động tham mưu cho UBND huyện, thành phố cử cán bộ quản lý, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng chủ động bố trí, sắp xếp hoặc bổ sung hợp lý đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết cho các trường vùng đặc biệt khó khăn như huyện Lạc Sơn điều động 45 cán bộ quản lý, giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm đi tăng cường cho các xã vùng đặc biệt khó khăn. Bằng những biện pháp tích cực nói trên, giáo dục tại các vùng khó khăn của tỉnh Hòa Bình đã có những chuyển biến đáng khích lệ.