Gần 1,7 triệu lao động được hỗ trợ trực tiếp
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến thời điểm 17 giờ ngày 18/8, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 68) và Quyết định số 23 ghi nhận một số kết quả tích cực.
Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đến nay đã hỗ trợ được cho khoảng gần 1,7 triệu người lao động, với số tiền gần 2.400 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội 26 nghìn tỷ đồng của Nghị quyết số 68 đã hỗ trợ cho gần 13,1 triệu lượt người lao động, hơn 375.500 người sử dụng lao động với khoảng gần 7.170 tỷ đồng.
Một số chính sách hỗ trợ cụ thể đã được tích cực triển khai trong Nghị quyết số 68.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, với gần 11,3 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022. Tổng số tiền tạm tính khoảng 4.322 tỷ đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch Covid-19 (mua trang thiết bị phòng dịch, tiêm vaccine…).
30/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với 231 đơn vị sử dụng lao động cho khoảng 42.800 người lao động. Tổng số tiền tạm dừng đóng gần 281 tỷ đồng.
Hiện nay, các địa phương còn thực hiện giãn cách xã hội nên đang triển khai rà soát, hoàn thiện hồ sơ về chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 1.000 lao động trong phương án đào tạo để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Bình.
Nguồn kinh phí hỗ trợ cho chính sách này chủ yếu lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với ngân sách dự kiến khoảng 4.500 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, số chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 18.852 tỷ đồng, tăng 49,2% so với năm 2019. Cụ, thể, số chi trợ cấp thất nghiệp cho 1.004.729 lượt người với số tiền 17.898 tỷ đồng. Ngoài ra, chi hỗ trợ học nghề là 148 tỷ đồng; chi đóng bảo hiểm y tế là 806 tỷ đồng.
32/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ hơn 76.300 người lao động và thực hiện chi trả cho gần 70.000 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 153 tỷ đồng.
13/63 địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho gần 3.000 người lao động và thực hiện chi trả cho 1.150 người lao động ngừng việc, với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 8/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 344 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng kinh phí đạt hơn 1 tỷ đồng. Việc chi trả hỗ trợ đã đến với 268 người, với tổng kinh phí gần 740 triệu đồng.
Riêng với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách hơn 1,4 triệu lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác. Trong số này có khoảng hơn 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động). 28/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía nam) đã chi trả hỗ trợ trên 1,2 triệu người, với tổng kinh phí trên 1.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ gần 303.000 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ trên 361,6 tỷ đồng
Thông tin từ Kho bạc Nhà nước cho hay, tổng ngân sách nhà nước chi các chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 đến ngày 18/8 là 686.159 triệu đồng với 601.625 đối tượng.
Gần 2,5 triệu lao động phải ngừng việc
Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến thị trường lao động khu vực phía nam. 19 tỉnh, thành phố phía nam là nơi tập trung các doanh nghiệp, chiếm 48% doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong đó, TP Hồ Chí Minh chiếm 65% số doanh nghiệp của cả vùng.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, đến ngày 13/8/2021, gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước.
Tại 19 tỉnh, thành phố phía nam đang triển khai giãn cách xã hội, hiện có 195 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao với số lao động hơn 2,3 triệu người; 97 cụm công nghiệp với gần 113 nghìn người lao động.
Đến thời điểm hiện nay, đã có gần 50% doanh nghiệp hiện dừng hoạt động để phòng, chống dịch hoặc thiếu các nguyên liệu sản xuất, gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa. Các tỉnh phía nam đi đầu trong việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, nên đến nay, mật độ xây dựng, hạ tầng chỉ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất nên khó bố trí thêm khu ở, khu phòng, chống dịch. Do đó, số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng lớn vì không thể đáp ứng được tiêu chí “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”.
Dịch Covid-19 cũng tác động lớn tới lực lượng lao động phi chính thức, với hơn 10 triệu người ở các tỉnh phía nam. Khi đại dịch xảy ra, các hoạt động tập trung đông người, ngành sản xuất - kinh doanh không thiết yếu... dừng hoạt động đã khiến cho nhóm lao động phi chính thức gặp khó khăn hơn.
Để giảm bớt khó khăn người dân, các tỉnh phía nam cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho lao động phi chính thức. 19/19 địa phương đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách riêng, các đối tượng hỗ trợ phù hợp với từng tỉnh như người lao động bán vé số dạo, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động…
Tính đến ngày 14/8/2021, 19 tỉnh, thành phố phía nam đã hỗ trợ 635 nghìn lao động tự do với số tiền hơn 911 tỷ đồng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Việc xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, thêm một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, Quyết định số 23.
Tại các tỉnh, thành phố phía nam, số lao động bị mất việc làm, ngừng việc lớn. Lao động tự do rơi vào khó khăn. Người lao động rời bỏ thị trường lao động ngày càng tăng. Các hoạt động kết nối cung - cầu lao động gặp khó khăn do hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 và tâm lý lo ngại sinh sống ở nơi có dịch.
Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện địa phương (trong thời gian phù hợp, tại các địa bàn phù hợp). Chủ động trao đổi, nắm tình hình triển khai tại địa phương để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 phù hợp với tình hình ảnh hưởng của diễn biến của dịch.
Các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, Quyết định số 23, nhất là đối với nhóm lao động tự do và các đối tượng đặc thù. Quan tâm đến lực lượng lao động là công nhân, người mất việc, người ngừng việc.
Lao động và việc làm