Vụ thu hoạch vải, mận, xoài… 2021 ở phía bắc diễn ra khi đúng thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với sự chủ động và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ của địa phương nên áp lực trong tiêu thụ đã giảm. Riêng tại Bắc Giang, qua thống kê vụ vải năm nay với diện tích hơn 28 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 215 nghìn tấn; doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt hơn 6,8 nghìn tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, Hà Như Huệ cho biết: “cây ăn quả trên địa bàn năm nay được mùa, trong đó mận có sản lượng 68 nghìn tấn, xoài 71 nghìn tấn. Nhưng do ảnh hưởng của dịch nên việc tiêu thụ và xuất khẩu gặp khó khăn. Nhưng với sự giúp đỡ của các bộ, ngành và vào cuộc của chính quyền địa phương và nhân dân nên đến nay mận đã tiêu thụ hết và xoài cũng cơ bản tiêu thụ xong”.
Hiện nay, một số địa phương ở phía bắc đang bước vào vụ thu hoạch nhãn. Với sản lượng dự báo khá lớn, trong khi dịch Covid-19 đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, nguy cơ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của nhân dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Nguyễn Thành Công cho biết “vụ nhãn 2021, trên địa bàn có hơn 18,8 nghìn ha với sản lượng dự kiến khoảng 100 nghìn tấn. Để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, tỉnh đã chú trọng xây dựng 600 cơ sở chế biến sản phẩm long nhãn để đưa khoảng 50% sản lượng vào chế biến. Còn lại sẽ tiêu thụ qua việc xuất khẩu, hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử, chợ đầu mối”.
Tại huyện Sông Mã, dự kiến sản lượng nhãn năm nay ước đạt hơn 55.800 tấn. Huyện đã chủ động các phương án tiêu thụ cho người dân, đưa sản phẩm nhãn lên sàn giao dịch thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng hơn nữa. Đặc biệt, ngày 21-7, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La” và cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã - Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021. Tính từ đầu vụ đến ngày 21-7, tỉnh Sơn La đã tiêu thụ 7.900 tấn nhãn (xuất khẩu 64,3 tấn). Thị trường xuất khẩu là Trung Quốc, EU, Anh, Hàn Quốc. Giá trị sản phẩm nhãn tham gia xuất khẩu ước đạt ước đạt 55,7 nghìn USD.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm, vụ nhãn năm nay, tỉnh có 2.000 ha với sản lượng khoảng 10.000 tấn. Hiện nay, tỉnh có kế hoạch sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu; các đơn hàng đã xong và đang trong giai đoạn kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật. Dự kiến trong tháng 7 sẽ xuất khẩu những chuyến đầu tiên. Số còn lại sẽ tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…và các hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, dự kiến đợt này sẽ thu hoạch gần 22 nghìn tấn thanh long, 16 nghìn tấn dứa, 20 nghìn tấn mít, hơn 5,8 nghìn tấn bưởi…Nhưng do tác động của dịch nên một số loại nông sản giá đã xuống thấp. Cơ quan chức năng tỉnh đang kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sau khi dịch bệnh được kiểm soát và nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường năng lực chế biến, đầu tư hệ thống kho bảo quản nông sản.
Dự báo tiêu thụ nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã chủ động phối hợp các địa phương có nông sản đến kỳ thu hoạch để bàn kế hoạch thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức xúc tiến thương mại và chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch cử cán bộ trực 24/24 giờ nhằm giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản, bảo đảm thông thương hàng hóa; đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ như vậy mới giải quyết được tình trạng ứ đọng nông sản khi xảy ra dịch bệnh.
Về vấn đề này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai, các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần ưu tiên việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn; phối hợp các địa phương lân cận để tạo điều kiện tiêu thụ, lưu thông hàng hóa thuận lợn hơn; các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức đa dạng, phù hợp; kết nối giữa người sản xuất với các sàn thương mại điện tử; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa qua các cửa khẩu.