Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết: Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khu vực kinh tế tập thể không nằm ngoài quỹ đạo đó. Hiện nay, trong hơn 31.000 hợp tác xã, có hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm hơn 64% tổng số cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có hơn 3,8 triệu là nông dân, chiếm hơn 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.
Không chỉ ở nông nghiệp, việc tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu của kinh tế tập thể, hợp tác xã ở những lĩnh vực khác. Những liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, môi trường, thích ứng cao và chống chịu cao, giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài.
Một số chuyên gia nhận định, ở cấp độ quốc gia, địa phương phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển chuỗi giá trị bền vững.
Ở cấp độ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác, để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đòi hỏi sự đổi mới tư duy, bảo đảm liêm chính trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Nhiều chuyên gia cho biết thêm, khi góp ý xây dựng phương án đẩy mạnh hoạt động của hợp tác xã đã đưa ra những giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, các kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững một cách thiết thực. Ðể từ đó, việc phát triển bền vững trong chuỗi giá trị của hợp tác xã sẽ mang lại kết quả cụ thể, đồng bộ và hữu ích hơn, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững.
Thời gian qua, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã nhiều lần tham vấn và xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về cơ sở xây dựng và phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; giải quyết các vướng mắc của các hợp tác xã tại các địa phương, nhằm tìm ra các phương thức hỗ trợ hợp tác xã phát triển bền vững.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái nhận định, Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, với nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn đối với cộng đồng hợp tác xã.
Ðáng chú ý, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích, hỗ trợ, huy động đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, trong đó các hợp tác xã cũng là một trong những đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, các chính sách cũng được cụ thể hóa trong quá trình chỉ đạo tổ chức và thực hiện.
Mặt khác, cùng với nhiều ưu đãi, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với chương trình OCOP, đã góp phần giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất tại các địa phương.
Về các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và sở hữu công nghiệp như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP), thực hành nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; truy xuất nguồn gốc; cải tiến năng suất (áp dụng công cụ 5S - Kaizen); áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, tiêu chuẩn hữu cơ… Bên cạnh đó, các hoạt động techmart, kết nối cung cầu công nghệ và xây dựng thư viện khoa học công nghệ điện tử, đặc biệt các techmart vùng đã đưa các nhà khoa học gần hơn với thành viên hợp tác xã thông qua gặp gỡ, trao đổi, tư vấn trực tiếp về những vấn đề khó khăn gặp phải trong sản xuất, nhờ đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho các hợp tác xã.
Bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, có thể khẳng định, giai đoạn vừa qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã được quan tâm và thật sự là động lực tạo ra đột phá và hỗ trợ có hiệu quả các hợp tác xã phát triển các ngành nghề trong phạm vi cả nước. Thông qua việc triển khai các hoạt động hỗ trợ (tư vấn, đào tạo, hướng dẫn áp dụng…) giúp các hợp tác xã cải thiện phương pháp quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu và thu nhập của thành viên.
Góp ý để hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhìn nhận, trình độ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, với thực trạng hiện nay, phần lớn chưa thể tiếp cận được nền nông nghiệp 4.0. Năng lực nghiên cứu khoa học của các hợp tác xã còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế, ít phát huy hiệu quả. Ðể nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ đối với các hợp tác xã, cần ưu tiên đầu tư, triển khai hỗ trợ các cơ chế, chính sách đồng bộ, theo chuỗi giá trị của sản phẩm nhằm hỗ trợ các hợp tác xã phát triển các sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống, đặc sản, ứng dụng khoa học và công nghệ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp cần tiếp tục đầu tư, nhân rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả và triển khai lồng ghép trong các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Quan tâm đầu tư hỗ trợ phù hợp đối với các hợp tác xã thuộc ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giao thông, xây dựng, dịch vụ nhằm phục vụ phát triển sản xuất, kinh tế-xã hội của các địa phương; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nhất là các thị trường về mua bán bản quyền giống cây, con cho hợp tác xã; đặt hàng của các hợp tác xã với các tổ chức khoa học và công nghệ; mở rộng các hoạt động hội chợ, sàn giao dịch công nghệ, techmart, kết nối cung cầu; tăng cường các hoạt động đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức về khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ và năng suất và chất lượng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.