Được nhận nhà và sử dụng đã hơn hai tháng nay, chị Y Ung ở thôn Kà Bầy, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy còn giữ nguyên niềm vui, như ngày đầu vào nhà mới. Hằng ngày, dù phải làm việc vất vả đến tận khuya, nhưng chị vẫn dậy sớm, dành thời gian để giẫy cỏ, dọn vệ sinh, chăm chút cho ngôi nhà. Đối với chị, ngôi nhà không chỉ là một tài sản có giá trị lớn, mà còn là món quà tinh thần vô giá, là sự động viên, quan tâm của cộng đồng, địa phương dành cho bản thân mình. “Đến tận bây giờ, mình vẫn chưa thể tin, căn nhà mà mình chỉ dám tưởng tượng nay lại trở thành hiện thực. Bây giờ, mình có thể yên tâm sống, sinh hoạt và lao động trong căn nhà này, không sợ ảnh hưởng thời tiết, đặc biệt là những ngày mưa bão cuối năm”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sa Bình Dương Văn Thành chia sẻ: Gia đình chị Y Ung là đối tượng hộ nghèo, khó khăn về nhà ở của xã. Chị lại bị tàn tật, nên không thể làm những việc nặng nhọc, chỉ ở nhà may vá để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Trước đây, chị Y Ung ở trong căn nhà tạm với tường tranh, mái tôn. Theo thời gian, ngôi nhà xuống cấp. Qua khảo sát, Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Kon Tum đã kết nối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Kon Tum cùng Ủy ban nhân dân xã Sa Bình hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chị.
Với sự chung tay của cộng đồng, căn nhà đã được hoàn thành và bàn giao cho gia đình chị vào giữa tháng 9/2024 vừa qua. Tổng kinh phí xây dựng căn nhà trị giá 90 triệu đồng, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Kon Kon Tum Tum hỗ hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình đối ứng 30 triệu đồng. Căn nhà cấp 4,
rộng 50 m2 được xây cao ráo, vững chãi với tường gạch, mái lợp tôn; có một phòng khách và hai phòng ngủ. Ngôi nhà được hình thành từ sự yêu thương, đùm bọc của cộng đồng. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của đơn vị đồng hành là sự ủng hộ về nhân công của bà con thôn làng, sự quan tâm của chính quyền địa phương để giúp gia đình chị Y Ung có một mái nhà khang trang.
Theo ông Dương Văn Thành, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, địa phương đã vận động các nguồn hỗ trợ được tám căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Thầy, địa phương đã tạo điều kiện cho 16 hộ gia đình có nguồn vốn vay để sửa chữa nhà ở với tổng số tiền 640 triệu đồng. Hy vọng rằng, từ những ngôi nhà này sẽ là “điểm tựa” để các hộ gia đình thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định. Bí thư Huyện ủy Sa Thầy Nguyễn Minh Tuấn cho biết, để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Sa Thầy đã xây dựng đề án, tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hệ thống chính trị đã bám sát vào thực tiễn, mục tiêu của đề án để triển khai thực hiện, đến nay trên địa bàn huyện đã có một số mô hình bước đầu đạt hiệu quả nhất định. Đặc biệt là việc chuyển đổi sang trồng một số loại cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế tiềm năng, có hiệu quả cao như các loại cây ăn trái, sầu riêng, chanh dây, bơ...
Với phương châm trao “cần câu” chứ không trao “con cá”, huyện Sa Thầy đã kêu gọi và hỗ trợ cây giống để trồng hơn 35 ha sầu riêng, tạo điều kiện để nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như hộ gia đình A Ngoang, thôn Khúc Na, xã Sa Bình, đã được chính quyền địa phương hỗ trợ 80 cây giống sầu riêng để phát triển kinh tế. A Ngoang đã dành 1 ha đất của gia đình để trồng và chăm sóc sầu riêng. Sau gần một năm canh tác, cây sầu riêng đã phát triển ổn định, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. A Ngoang cảm động cho biết: “Gia đình mình thuộc hộ nghèo của thôn. Sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống mình mừng lắm! Mình cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm, cố gắng để phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định. Trong thời gian chờ sầu riêng phát triển đến kỳ thu hoạch, mình canh tác thêm 2 ha sắn để tạo nguồn thu nhập. Mỗi vụ sắn trừ chi phí, mình thu được khoảng 50 triệu đồng. Vừa qua, mình đã đề nghị với địa phương xin thoát nghèo”. Trước khi hỗ trợ cây giống sầu riêng cho gia đình A Ngoang, chính quyền địa phương đã chủ động đăng ký cho A Ngoang tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và canh tác cây sầu riêng. Trong quá trình A Ngoang xây dựng mô hình, chính quyền địa phương cũng cắt cử cán bộ đến hỗ trợ, giúp đỡ gia đình, bảo đảm cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh. A Ngoang dự định sẽ trồng xen cây sầu riêng với cà-phê để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.
Bên cạnh mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang ngày càng phát huy hiệu quả, xã Sa Bình còn triển khai một số mô hình kinh tế tiêu biểu như: Tổ hợp tác liên kết trồng cây nghệ vàng nguyên liệu tại thôn Kà Bầy (bắt đầu từ năm 2021) chăn nuôi bò vỗ béo tại thôn Khúc Na. Cả hai mô hình này đều được thực hiện từ nguồn vốn của Tổ chức CARE và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định. “Việc quan tâm, giúp đỡ các hộ dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận trong nhân dân. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương đã giảm dần qua các năm”, đồng chí Dương Văn Thành nhấn mạnh.
Thời gian tới, chính quyền huyện Sa Thầy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đối với những hộ gia đình khó khăn để họ nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Địa phương tiếp tục lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm đạt hiệu quả cao; rà soát những gia đình thật sự khó khăn về nhà ở, kêu gọi các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát...■