Đó là chia sẻ của ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tại Hội thảo “Đăng ký bảo hộ quyền SHTT của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài” diễn ra ngày 5-3 tại TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA) tổ chức.
Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận các thông tin, kiến thức về đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại nước ngoài, đặc biệt là thông qua các Hệ thống đăng ký của WIPO, nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí khẳng định, SHTT ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả ngày càng có tỷ phần cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu nhằm thâm nhập thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng cho biết, bên cạnh việc ngày càng có nhiều quyền SHTT của Việt Nam được đăng ký bảo hộ và được biết đến rộng rãi ở nước ngoài, chúng ta cũng có những bài học về việc mất các tài sản trí tuệ do chậm đăng ký, khiến cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận thị trường nước ngoài. Việc lấy lại các tài sản trí tuệ bị mất là rất khó khăn, tốn kém về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.
“Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục các nỗ lực để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT của mình ở nước ngoài thông qua việc đàm phán, gia nhập các điều ước quốc tế về SHTT, thực hiện hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin, cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh...” ông Phí khẳng định.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe các chuyên gia WIPO giới thiệu các thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về việc đăng ký các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp thông qua các Hệ thống toàn cầu do WIPO quản lý, bao gồm Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT), Thỏa ước và Nghị định Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu và Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được giới thiệu về các nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu hữu ích để sử dụng trong quá trình đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT), Thỏa ước và Nghị định Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ phê chuẩn việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Với việc Việt Nam là thành viên của các điều ước quốc tế nêu trên, các doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp của mình ở một số hoặc tất cả các nước thành viên tùy chọn, bằng một thủ tục duy nhất thông Văn phòng quốc tế WIPO, thay vì phải nộp đơn đăng ký với từng cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia mà thường sẽ tốn kém hơn về thời gian và tiền bạc.