Câu chuyện đồng Yên

NDO -

NDĐT- Trong vòng ba tháng qua, đồng Yên đã giảm gần 1/5 so với USD khiến các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư, tạo việc làm trong nước và hướng mạnh xuất khẩu. Là đối tác chiến lược của Nhật Bản với kim ngạch buôn bán hai chiều lên gần 25 tỷ USD năm 2012, nền kinh tế nước ta sẽ chịu tác động như thế nào?

Ảnh nguồn internet.
Ảnh nguồn internet.

Vì sao đồng Yên yếu?

Ngày 26-12-2012, ông Shinzo Abe chính thức trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản sau khi Đảng Dân chủ tự do LDP do ông làm Chủ tịch chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 16-12. Trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông Abe nhiều lần cam kết sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và chi tiêu mạnh tay hơn nhằm đưa nước Nhật ra khỏi tình trạng giảm phát suốt hai thập kỷ qua. Giữ lời hứa với cử tri Nhật, từ đầu năm 2013 đến nay, ông đã gia tăng áp lực để Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) bơm hàng chục ngàn tỷ Yên ra nền kinh tế. Kết quả là, đồng Yên nhanh chóng lao dốc.

Ngày 1-3-2013 đồng Yên đã giảm xuống còn 94,91/ USD, thấp hơn 18,2% so với ba tháng trước đó. Các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản nhanh chóng lấy lại lợi thế, nhất là các hãng ô tô và điện tử như Toyota, Honda, Mazda, Sony, Sanyo, Panasonic… Họ duy trì được lợi nhuận khá cao do thu tiền xuất khẩu chủ yếu bằng USD hay Euro, về nước quy đổi được nhiều đồng Yên hơn.

Theo tính toán của Toyota, giá trị đồng Yên chỉ giảm 1 Yên so với USD thì lợi nhuận hãng này tăng thêm xấp xỉ 400 triệu USD trong/ năm. Như thế có nghĩa là, với đà giảm kể trên, lợi nhuận của hãng này sẽ tăng thêm trên 5,8 tỷ USD trong/ năm. Đối với Nissan, nếu tỷ giá Yên giữ ổn định ở mức 94-95 Yên/USD thay vì mức 80,25 Yên /USD của trung bình 3 tháng trước đó, lợi nhuận của hãng tăng thêm 3,3 tỷ USD.

Điều ngạc nhiên là chính sách đồng Yên yếu giúp hàng hóa của Nhật Bản rẻ hơn so với những đối thủ trực tiếp của họ tại Bắc Mỹ hay châu Âu, thế nhưng Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm G20 họp trong hai ngày 15, 16-2 vừa qua tại Matxcơva đã quyết định không chỉ trích Nhật Bản, nước bị cho là cố ý hạ giá đồng Yên để kích thích xuất khẩu và đầu tư trong nước.

Người ta giải thích rằng đó là do yêu cầu của “lập trường thống nhất nhằm ngăn ngừa một cuộc chiến tranh tiền tệ” mới. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng ẩn sâu bên trong có ít nhất hai lý do khá thuyết phục.

Thứ nhất, trước đó các cường quốc kinh tế đã thực thi chính sách tiền tệ mở rộng như Nhật Bản hiện nay. Điển hình là Mỹ, từ 2008 đến nay đã tung ra ba gói cứu trợ mà thực chất là in thêm tiền; Trung Quốc cũng nhiều lần bị Mỹ phàn nàn về chính sách kiềm giá đồng Nhân dân tệ; các nước khu vực châu Âu cũng tung hàng chục tỷ Euro cho các gói cứu trợ.

Thứ hai, quan trọng hơn, ngay các đối thủ cạnh tranh của Nhật cũng chẳng có lợi gì nếu nền kinh tế nước này tiếp tục lún sau vào tình trạng giảm phát.

Dự báo tác động

Theo Thông báo tỷ giá tính chéo của NHNN ngày 1-3-2013, 1 Yên Nhật bằng 225,41 VND, giảm 14% so với bốn tháng trước đó. Là đối tác chiến lược của nhau, Nhật Bản cũng là nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất, nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu FDI vào Việt Nam, và là nhà nhập khẩu lớn thứ ba nước ta, nên đồng Yên giảm giá có tác động không giống nhau đối với mỗi mối quan hệ kinh tế.

Được lợi nhất là các dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản với phương thức vay và trả bằng đồng Yên. Ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết “Tổng vốn ODA của Nhật cho Việt Nam trong năm tài khóa 2011 (kết thúc vào tháng 3-2012) là 270,038 tỷ Yên”. Tính theo tỷ giá lúc đó, khoản vay này tương đương 71.820 tỷ VND, nhưng hiện nay, trị giá khoản vay chỉ là 60.750 tỷ đồng, giảm 18%. Chỉ riêng khoản nợ 30,64 tỷ Yên, tương đương 8.173 tỷ đồng của Nhà máy cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đến nay trị giá còn 6.906 tỷ đồng, sụt giảm 1.267 tỷ đồng. Các dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhà ga T2 Nội Bài, Chương trình hỗ trợ với thích ứng biến đổi khí hậu… đều được hưởng lợi từ đồng Yên giảm giá.

Hơn thế nữa, theo ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, các dự án ODA chủ yếu hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực mà tâm điểm là các dự án đường bộ cao tốc, đường sắt nội đô, nhà ga, sân bay, cảng biển, xây dựng trường học và trạm xá ở nông thôn… nên có tác động lan tỏa khá rộng đến nền kinh tế Việt Nam.

Đối với thu hút FDI từ Nhật Bản, tình hình có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định. Theo giới phân tích đầu tư Nhật Bản, đồng Yên yếu sẽ hấp dẫn sản xuất nội địa với chi phí rẻ hơn, không kích thích đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá lo ngại, vì tính từ 1988 đến nay, tổng vốn FDI đăng ký đối với những dự án còn hiệu lực của Nhật Bản vào nước ta xấp xỉ 30 tỷ USD, và tỷ lệ vốn thực hiện trong các dự án của Nhật đứng vào hàng cao nhất trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta.

Bởi lẽ đó, không vì đồng Yên yếu mà doanh nghiệp Nhật không tiếp tục giải ngân với những dự án đang thực hiện, cũng như tiếp tục rót vốn mở rộng sản xuất đối với những dự án đang ăn nên làm ra. Chưa kể đối với những dự án sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu đi các nước trong khu vực, dự án có nguyên liệu sản xuất ở nước ta, dự án xuất khẩu những mặt hàng mà Việt Nam đang được các nước phát triển ưu đãi thuế quan… thì xét trên tổng thể, đầu tư vào Việt Nam vẫn có lợi hơn.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn là mảnh đất lành với doanh nghiệp Nhật Bản; đó cũng là lý do vì sao trong nhiều năm qua, khi Nhật Bản đối mặt với thảm họa động đất, sóng thần, kinh tế giảm phát, nợ công cao… thì dòng vốn FDI, ODA, FII của Nhật vẫn tăng cường hiện diện tại nước ta.

Trong khu vực xuất khẩu, nhiều năm liền Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu. Năm 2012 vừa qua, nước ta xuất khẩu 13,1 tỷ USD và nhập về 11,6 tỷ USD từ Nhật, xuất siêu khoảng 13%. Nay với việc đồng Yên giảm giá, các doanh nghiệp nước ta ký hợp đồng xuất khẩu sang Nhật thanh toán bằng đồng USD sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn, vì bản thân VND cũng đang mất giá so với USD; riêng hợp đồng xuất khẩu thu về bằng đồng Yên (số này không nhiều lắm) sẽ bị thiệt khi quy đổi ra VND.

Tuy nhiên, đồng Yên giảm giá so với VND chỉ làm số ít doanh nghiệp xuất khẩu nước ta giảm lợi nhuận, chứ khó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Nhật Bản vì đơn giản là, đồng Yên giảm giá không chỉ so với VND mà với tất cả những đối thủ cạnh tranh của nước ta.