Hiểu thêm về quá trình “hồi sinh” của Văn Miếu

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám rơi vào tình trạng hoang phế giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nhưng với sự nhiệt tình của các nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp), trong nửa đầu thế kỷ 20, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã hồi sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu tham quan triển lãm.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu tham quan triển lãm.

Ngày 14/2, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Viện Viễn Đông Bác Cổ (Cộng hòa Pháp) khai mạc triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”.

Vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không nhận được sự quan tâm của chính quyền, trở nên xuống cấp nghiêm trọng. Thời điểm đó, người Pháp thậm chí còn gọi Văn Miếu là “chùa Quạ” do sự xuống cấp.

Tuy nhiên, những nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ do người Pháp thành lập vào năm 1902 tại Hà Nội (khi đó là thủ phủ của Liên bang Đông Dương, dưới chế độ bảo hộ của Pháp) đã nhận ra giá trị của Văn Miếu. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương lúc bấy giờ, các công việc trùng tu, duy tu, bảo tồn và bảo vệ khu di tích được thực hiện. Văn Miếu được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp xếp hạng di tích lịch sử, là một trong những di sản đầu tiên của Hà Nội được xếp hạng. Lịch sử của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp luôn gắn liền với Văn Miếu cho đến tận khi Viện rời đi vào năm 1957.

Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954” kể lại hành trình của những con người tham gia bảo tồn khu di tích Văn Miếu, góp phần đưa di sản hồi sinh mạnh mẽ.
Triển lãm cũng giúp công chúng hiểu về những công việc đã thực hiện ở Văn Miếu của các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ; đồng thời cung cấp cho người xem một góc nhìn đương đại về công tác nghiên cứu ngày nay. Cùng với đó là chân dung của những con người luôn có niềm đam mê với di sản, góp phần cho bảo tồn khu di tích - sự quyết tâm, nỗ lực không mệt mỏi, nhằm đối phó trước những tác động mạnh mẽ của thời gian lên di sản.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, với định hướng đưa Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học và không gian sáng tạo của Hà Nội, trong những năm qua, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm nhằm phát huy giá trị di tích, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của du khách trong, ngoài nước. Triển lãm hôm nay đã thể hiện một câu chuyện rất thú vị về sự hồi sinh của di tích; đồng thời nêu bật ý chí, tình cảm, trách nhiệm của những người tham gia công tác này, giúp di sản hồi sinh, trường tồn mạnh mẽ như những gì chúng ta đang chứng kiến.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30/4.