Hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp Đại tướng Văn Tiến Dũng

NDO -

Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1974-30/3/2022), ngày 28/4, tại di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”. Đây cũng là dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh Đại tướng (2/5/1917).

Các đại biểu tham quan trưng bày về Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Các đại biểu tham quan trưng bày về Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh ra tại một làng quê ven đô, nay thuộc phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chàng thanh niên Văn Tiến Dũng sớm ý thức được hoàn cảnh nô lệ của đất nước, giác ngộ cách mạng và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1937. Ông đã nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giữ, tù đày, thậm chí từng bị thực dân Pháp tuyên án tử hình vắng mặt, song ông luôn kiên cường giữ vững ý chí đấu tranh cách mạng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn giữ những vị trí hết sức quan trọng. Đặc biệt, từ năm 1953 đến năm 1978, ông làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sát cánh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, đồng thời, bảo vệ Hà Nội, miền bắc trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ông cũng chính là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào tháng 4/1975, Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp Đại tướng Văn Tiến Dũng -0

Giao lưu với những nhân chứng lịch sử về Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Trưng bày giới thiệu 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gồm 3 chủ đề: Người con ưu tú của Hà Nội; Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh; Nhớ về Đại tướng. Qua đó, công chúng hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Văn Tiến Dũng, từ lúc còn là một chàng trai trẻ, cho đến khi giác ngộ cách mạng, trở thành học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công chúng cũng được cảm nhận về một vị tướng tài ba, nhưng cũng giàu tình cảm, gần gũi các chiến sĩ, cũng như những giây phút “cân não” khi phải đưa ra những quyết định quan trọng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà D67 thuộc Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương, nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng. Đây cũng là nơi Đại tướng làm việc trong nhiều năm. Công chúng cũng được trực tiếp tham quan địa danh này, nơi gắn bó với sự nghiệp của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Trong khuôn khổ trưng bày còn có một cuộc giao lưu với bà Văn Minh Tâm, con gái Đại tướng; Đại tá Trần Đức Báu, thư ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Những câu chuyện, kỷ niệm của những nhân chứng cho thấy một góc nhìn khác về Đại tướng Văn Tiến Dũng, đó là một con người bình dị, quan tâm đến giáo dục đạo đức, nhân phẩm cho con cái; nghiêm khắc trong công việc, chỉ bảo cặn kẽ cho cấp dưới, thường xuyên động viên mọi người phải học hành và luôn quan tâm đến cuộc sống của người lính.