Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách ở Sơn La

NDO -

Nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Sơn La đã luôn quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo. Trong đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phù Yên đã triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp nhiều hộ nghèo có thêm vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và xóa nghèo.

Gia đình ông Lò Văn Bạt, là một trong những hộ nghèo của bản Nà Lò 1, xã Huy Hạ được vay vốn phát triển chăn nuôi.
Gia đình ông Lò Văn Bạt, là một trong những hộ nghèo của bản Nà Lò 1, xã Huy Hạ được vay vốn phát triển chăn nuôi.

Những ngày đầu năm 2022, theo chân cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phù Yên, chúng tôi tới thăm gia đình anh Đinh Văn Tuất và chị Đinh Thị Thương ở bản Nhọt 2, xã Gia Phù, một trong những hộ đã thoát nghèo sau khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất của ngân hàng.

Từ nguồn vốn ưu đãi

5 năm trước, sau khi họp bình xét ở bản và kiểm tra trực tiếp của cán bộ ngân hàng, gia đình anh Đinh Văn Tuất được vay 30 triệu đồng và đến năm 2020 tiếp tục được vay 80 triệu đồng. Với số vốn này, gia đình anh Tuất đã đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo và nuôi lợn, dê, gà. Nhờ vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi, đến năm 2021, gia đình anh Tuất đã thoát được nghèo, cuộc sống ổn định, đủ điều kiện để lo cho các con ăn học, trang trải cuộc sống hằng ngày.

Ông Đinh Trung Tuyên, Tổ trưởng Tổ vay vốn bản Nhọt 2, thông tin: Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hộ dân trong bản không phải đi vay lãi ngoài hay gặp khó khăn khi phải thế chấp tài sản để vay vốn phát triển sản xuất như trước. Hiện bản có 54 thành viên đang được tiếp cận gần 3 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Thông tin thêm về gia đình anh Đinh Văn Tuất, ông Đinh Trung Tuyên chia sẻ: Gia đình anh Tuất trước là hộ nghèo, có con đầu bị bệnh thiếu máu thường xuyên phải đi bệnh viện, không có vốn sản xuất. Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thoát được nghèo, cuộc sống ổn định. Bản hiện còn gần chục hộ nghèo và các hộ cũng đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục phối hợp hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất và giám sát việc sử dụng vốn sao cho hiệu quả để các hộ sớm thoát được nghèo như gần 20 hộ trước đó.

Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách ở Sơn La -0
Từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, gia đình anh Đinh Văn Tuất, bản Nhọt 2, xã Gia Phù thoát được nghèo. 

Tiếp tục đến bản Nà Lò 1, xã Huy Hạ, nơi có 178 hộ đang được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, chúng tôi tới thăm gia đình ông Lò Văn Bạt, một trong những hộ nghèo đang được sử dụng vốn vay ưu đãi của ngân hàng để chăn nuôi trâu, bò và trồng rừng. Đưa chúng tôi ra thăm khu nuôi nhốt trâu, bò và trồng ngô của gia đình, ông Lò Văn Bạt bảo: Trước đây, nhiều hộ trong bản cần vốn để phát triển kinh tế thường phải đi vay ngoài với lãi suất từ 3-5%/tháng, thậm chí nhiều hộ còn phải thế chấp cả đất để vay vốn. Năm 2020 sau khi họp bình xét ở bản, gia đình tôi đã được vay 50 triệu đồng. Trước khi được vay vốn, gia đình tôi và cán bộ bản đã họp, thống nhất vốn được vay sẽ sử dụng vào việc gì và quá trình sử dụng vốn vay đều có cán bộ bản, xã giám sát kiểm tra. Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 7 con trâu, bò, trồng hơn 1 ha rừng keo, lát và 2.000m2 cỏ voi để phục vụ chăn nuôi.

Bà Bạc Thị Kiên, Tổ trưởng Tổ vay vốn bản Nà Lò 1, cho biết, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, bản đã giúp 80% số hộ thoát nghèo. Hiện tại, các hộ nghèo và cận nghèo đang tiếp cận nguồn vốn vay này sử dụng rất hiệu quả, không có nợ xấu, nợ quá hạn.

Giúp nhiều hộ thoát nghèo

Đến với bản Tiến Phong, xã Huy Tường, một trong những bản di dân lòng hồ thủy điện Hòa Bình, chúng tôi tiếp tục được nghe nhiều câu chuyện các hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trong đó có hộ gia đình cựu chiến binh Lường Văn Sung, một trong những hộ đã có nhà xây rộng gần 100m2 với đầy đủ các vật dụng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt gia đình.

Trò chuyện về quãng thời gian khó khăn và giờ đã trở thành hộ có thu nhập khá trong xã, ông Lò Văn Sung nói: Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp nhiều hộ khó khăn về vốn như gia đình tôi thêm điều kiện để phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Như gia đình tôi giờ đã có nhà cửa ổn định, không còn phải ở trong căn nhà tạm như trước nữa. Toàn bộ số vốn vay trước đây gia đình đã trả hết cho ngân hàng, hiện tại đang hoàn tất thủ tục để vay vốn mở rộng chăn nuôi.

Chia sẻ thêm về hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội tại địa bàn, ông Hà Văn Hoài, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Huy Tường cho biết: Hiện dư nợ vốn vay tại xã là hơn 18 tỷ đồng với 640 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay này. Riêng tại bản Tiến Phong có 100 hộ vay hơn 4,3 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Đến hiện tại chưa có nợ xấu, nợ quá hạn và chưa có trường hợp hộ nào sử dụng không đúng mục đích. Cuộc sống người dân ổn định, có điều kiện nên có gần 90% số hộ có nhà xây kiên cố.

Ông Cầm Hải Đăng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phù Yên thông tin thêm: Mỗi năm lại thêm hộ thoát nghèo là niềm vui chung của chúng tôi. Riêng trong năm 2021, hoạt động cho vay vốn của đơn vị đã giúp cho 3.639 lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay, trong đó, đã giúp cho 2.511 lượt hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh được vay vốn phát triển, sản xuất, nâng cao thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, đơn vị còn giúp 743 hộ được vay vốn để xây dựng 1.486 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; cho 2 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với số tiền 789 triệu đồng. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đã góp phần hiệu quả trong thực hiện chương trình quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Có thể thấy, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân Chính sách Xã hội ở Sơn La đã và đang khẳng định rõ hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Qua thực tế cho thấy, đây là một trong những nguồn vốn vay chính sách góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại những cơ sở khó khăn như ở tỉnh Sơn La.