Hiệu quả từ mô hình gắn kết hộ

“Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương” là mô hình do Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) phát động từ năm 2006.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Trần Văn Hải (trái) hướng dẫn anh Rơ Lan Binh (làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) kỹ thuật chăm sóc cây điều.
Anh Trần Văn Hải (trái) hướng dẫn anh Rơ Lan Binh (làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) kỹ thuật chăm sóc cây điều.

Thông qua hình thức kết nghĩa, các hộ công nhân người Kinh tham gia giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Anh Trần Văn Hải, công nhân khai thác mủ cao-su thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 74 (huyện Ia Grai) là một trong những người đầu tiên hưởng ứng phong trào nêu trên. Anh Hải nhận giúp đỡ hộ gia đình anh Rơ Lan Binh ở làng Bía, xã Ia Chía cùng huyện.

Anh Rơ Lan Binh có đất canh tác nhưng do không biết cách làm kinh tế nên phần lớn bỏ hoang, chỉ trồng một ít lúa, ngô khiến cái đói đeo bám quanh năm. Từ khi được nhận sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của anh Hải, đời sống của gia đình anh Rơ Lan Binh đã thay đổi đáng kể. Từ hộ nghèo, đến nay vợ chồng anh Binh đã có hơn 10 ha điều, 4 ha cao-su và 1,5 ha cà-phê.

Anh Hải chia sẻ: “Gia đình tôi từ Hải Dương vào Gia Lai lập nghiệp làm công nhân khai thác mủ cao-su gần 20 năm trước. Lúc mới vào, cuộc sống nghèo khổ lắm. Chính nhờ sự che chở, đùm bọc của người dân làng Bía, gia đình tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Do vậy, việc giúp đỡ dân làng cũng là cái nghĩa, cái tình mình đáp lại cho người dân”. Ngoài thời gian làm việc tại đơn vị, gia đình anh Hải đầu tư trồng 1 ha cao-su, 1 ha cà-phê xen điều, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được 96 triệu đồng/năm.

Gia đình anh Kpuih Vân, xã Ia K’la, huyện Ðức Cơ và công nhân cạo mủ cao-su Dương Văn Quyết, Ðội 2, gắn kết hộ từ năm 2006. Trước đây, gia đình anh Kpuih Vân kinh tế khó khăn, nhưng do ảnh hưởng bởi các hủ tục nên sống khép kín. Khi thực hiện gắn kết hộ, anh Quyết thường xuyên đến nhà tuyên truyền, vận động gia đình ăn ở hợp vệ sinh, xóa bỏ các hủ tục, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, đưa chuồng trại xa nơi ở.

Ðến nay, gia đình anh Kpuih Vân đã ổn định kinh tế, con cái đến trường, có nhà xây để ở. Ðây cũng là cặp hộ gắn kết tiêu biểu của Công ty 74, xem nhau như anh em ruột thịt trong gia đình. Các ngày lễ, Tết, gia đình anh Kpuih Vân thường xuyên về quê anh Quyết ăn Tết người Kinh, thăm họ hàng anh Quyết tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Anh Quyết cho hay, do ở xa quê nên khi nhận gắn kết hộ với gia đình Kpuih Vân, anh đã xem đây là gia đình thứ hai của mình. Với trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm chân thành, anh giúp họ thay đổi cách nghĩ, nếp làm, sống văn minh hơn. Việc này cũng khiến anh cảm nhận được tình người ấm áp, giúp anh vơi bớt nỗi nhớ quê ở mảnh đất Tây Nguyên này.

Mô hình “gắn kết hộ” đang từng bước đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Ðến nay, công ty đã có 17 đội sản xuất kết nghĩa với 21 thôn, làng và 729 cặp hộ gắn kết. Ðây là đơn vị có số cặp hộ kết nghĩa nhiều nhất so với các công ty khác trong toàn Binh đoàn. Qua hoạt động “gắn kết hộ”, các gia đình công nhân người Kinh và người dân tộc thiểu số đã tạo sự gần gũi, thân thiện, hiểu biết lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn.

Thượng tá Nguyễn Hồng Lam, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 74

Cũng từ mô hình này, các hộ công nhân người Kinh đã tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

Già làng Siu Tới, xã Ia Chía, huyện Ia Grai phấn khởi cho biết, từ khi có Công ty 74, người dân được nhận khoán chăm sóc vườn cây, thanh niên thì được tuyển dụng làm công nhân. Ðơn vị còn hỗ trợ các gia đình khó khăn làm nhà rông, xây trường học cho con em. Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều.

Binh đoàn 15 là đơn vị được Ðảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng dân cư xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế tại hai nước bạn Campuchia và Lào. Hiện nay, các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn 271 thôn, làng của 37 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Ðịnh và một số dự án thuộc tỉnh Attapeu (Lào), Ráttanakiri (Campuchia). Binh đoàn đang quản lý gần 16.000 lao động, trong đó có 8.000 lao động là người dân tộc thiểu số. Binh đoàn đã xây dựng 9 cụm và 225 điểm dân cư ở các công ty; các đội sản xuất hình thành nên các xóm, cụm dân cư xen kẽ với các làng của đồng bào dân tộc, tạo thế bố trí lực lượng liên hoàn, khép kín trong thế trận quốc phòng toàn dân.

Mô hình “Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương” do Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 phát động từ năm 2006. Ban đầu, Binh đoàn chỉ đạo làm điểm ở Công ty 74 với 30 cặp hộ công nhân là người Kinh và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký, đến nay đã có hơn 4.000 cặp hộ gắn kết.

Thông qua công tác kết nghĩa, gắn kết hộ, hộ người Kinh giúp đỡ hộ đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cao-su, cà-phê, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm; động viên hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng.

Với tính ưu việt và những kết quả đạt được trong đời sống, sản xuất, phong trào đã có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Không dừng lại ở đối tượng là gia đình công nhân, phong trào đã thu hút gần 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong các bản làng không thuộc người lao động của Binh đoàn đăng ký gắn kết.

Tư lệnh Binh đoàn 15, Ðại tá Hoàng Văn Sỹ khẳng định: Mô hình “Gắn kết hộ” là cách làm sáng tạo, mang tính nhân văn sâu sắc, làm phong phú thêm hình thức, chất lượng và hiệu quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Ðây là bước phát triển mới, cụ thể hóa chủ trương gắn kết của Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi các đơn vị của Binh đoàn đứng chân gắn với phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đưa đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước thấm dần vào mỗi người dân, từng gia đình, thôn, buôn; củng cố mối đoàn kết giữa các dân tộc anh em, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.