Hiệu quả từ chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, cũng như định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng tới xây dựng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi với người dân đến làm việc tại Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh TÂM TRUNG)
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi với người dân đến làm việc tại Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh TÂM TRUNG)

Sau hai năm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hiệu quả từ việc thực hiện Đề án 06

Trong hai năm 2022 và 2023, thực hiện Đề án 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao thực hiện 32 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành là 24 nhiệm vụ và 8 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và đang thực hiện trong hạn. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong số đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức; trong đó, đạt nhiều kết quả nổi bật, như:

Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; triển khai kỹ thuật bảo đảm từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đến nay, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chiếm 97% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với ngành công an, ngành y tế trong triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân và VNeID phục vụ người dân đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ sinh trắc tại cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở khám, chữa bệnh, sổ sức khỏe điện tử; đồng bộ, chia sẻ thông tin giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi, đánh giá tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

Hiện tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, với hơn 55 triệu lượt tra cứu thông tin, đem lại nhiều lợi ích thiết thực giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: “Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”; “Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế”; “Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần” (thuộc nhóm áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến), nhằm đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục nâng cấp, triển khai hiệu quả ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; đồng thời triển khai kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (VNeID) trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hướng tới cho phép hơn 50 triệu người dân đang có tài khoản VNeID có thể truy cập, sử dụng ứng dụng VssID.

Theo bảng xếp hạng hiện nay về “Ứng dụng được tải nhiều nhất tại Việt Nam” trên App Store, ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng thứ nhất trong nhóm ứng dụng về kinh doanh và đứng thứ 25 trong nhóm các ứng dụng cung cấp miễn phí. Đây cũng là một trong ba ứng dụng của cơ quan nhà nước có lượng người dùng lớn tại Việt Nam, cùng với hai ứng dụng khác là: VNeID của Bộ Công an, Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn…

Chuyển đổi số mạnh mẽ

Với quan điểm xuyên suốt “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, tất cả các kết quả, nhiệm vụ của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Công tác chuyển đổi số của ngành đã được thực hiện mạnh mẽ, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ; thấy được tầm quan trọng của công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với hoạt động của ngành.

Với những dấu ấn đạt được trong công tác chuyển đổi số, để phát huy kết quả trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Ngành sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm để thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 942/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 15/6/2021 và Đề án 06.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang phối hợp các bộ, ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng đề án tổng thể về chuyển đổi số của ngành. Ở giai đoạn tiếp theo từ năm 2023 đến 2025 và định hướng đến năm 2030, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm.

Trong đó, ngành tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của cơ sở dữ liệu sẵn có luôn được làm giàu; tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân...

Ngành hy vọng sẽ tiếp tục tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp với mục tiêu xác định “chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, then chốt để ngành phục vụ tốt nhất người tham gia, thụ hưởng chính sách”.