Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có 90 Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với tổng số thành viên khoảng 1.800 thành viên. Trong số này, năm 2022, có 35 thành viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương; 208 thành viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Các thành viên câu lạc bộ là những tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ thương mại. Thông qua hoạt động các câu lạc bộ đã liên kết các hộ sản xuất cùng chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập của nông dân, từng bước hình thành tổ, nhóm liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh, hoạt động của các câu lạc bộ ngày càng có sự lan tỏa, sức lôi cuốn, huy động được sự tham gia tích cực của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Đồng thời, tạo động lực cho hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn cùng với sự ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, một số thành viên Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chưa mạnh dạn mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất do e ngại giá thành sản phẩm cao, khó tiêu thụ nên vẫn áp dụng phương thức sản xuất cũ, dẫn đến chất lượng và sản lượng chưa cao.
Qua đó, bà Nguyễn Thanh Xuân đề nghị, các cấp hội tiếp tục rà soát, nâng chất hoạt động của các Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm phát huy vai trò là hạt nhân của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, các câu lạc bộ cần nâng cao khả năng ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, kỹ thuật sản xuất hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất giống cây trồng và vật nuôi, nhất là phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP.
Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển đổi các mô hình sản xuất kém hiệu quả sang các loại hình dịch vụ, nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.