Kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam, Ðông Dương

Hiệp định Geneva - một thắng lợi trên con đường giải phóng dân tộc

Giải quyết "vấn đề xung đột Việt - Pháp" trên cơ sở thương lượng hòa bình để tránh chiến tranh gây tổn thất, đau thương cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp là chủ trương của Ðảng ta, ngay từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược (23-9-1945). Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện ký với Pháp bản Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, hội đàm tại Ðà Lạt (4-5-1946) và Phông-ten-nơ-blô (7-8-1946), ký Tạm ước ngày 14-9-1946.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (người ngồi, bên phải) thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (người ngồi, bên phải) thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương.

Nhưng do bản chất thực dân hiếu chiến, thực dân Pháp cố tình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ðông Dương bằng biện pháp quân sự, buộc nhân dân ta phải đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc.

Trải qua chín năm kháng chiến, dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi, nhất là trong chiến dịch Ðông Xuân 1953-1954, với đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đã làm tiêu tan hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Nhằm giải quyết cuộc chiến tranh ở Ðông Dương, Hội nghị quốc tế tại Geneva (Thụy Sĩ) khai mạc vào ngày 8- 5-1954, đúng một ngày sau khi quân Pháp đại bại ở Ðiện Biên Phủ. Tham dự Hội nghị gồm chín bên là: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (chính quyền Bảo Ðại), Vương quốc Lào và Vương quốc Cam-pu-chia. Các bên tham dự hội nghị có những mục tiêu, lợi ích chung, riêng khác nhau, nhất là các nước lớn.

Ðoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Ðồng làm trưởng đoàn, đến hội nghị với tư thế đại diện cho một dân tộc vừa làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", luôn kiên trì đấu tranh giữ vững các nguyên tắc cơ bản là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và dân chủ. Cùng với đó, phái đoàn ta phối hợp chặt chẽ với các đoàn Liên Xô, Trung Quốc.

Trải qua 75 ngày đàm phán, với tám phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, cấp trưởng đoàn, rất gay cấn và căng thẳng, đến sáng ngày 21-7, ba bản hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia được ký kết. Hội nghị thông qua Tuyên bố cuối cùng. Phái đoàn Mỹ ra tuyên bố riêng.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gồm sáu chương, với 47 điều và một Phụ bản. Nội dung chính bao gồm: xác định giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự; thực hiện ngừng bắn trên khắp ba miền; quy định thể thức, biện pháp, thời gian cho việc tập kết lực lượng hai bên, ngăn cấm phá hoại tài sản công cộng, trả thù và phân biệt đối xử; bảo đảm tự do lựa chọn nơi cư trú; các bên không tham gia liên minh quân sự, không lập căn cứ quân sự mới và cấm đưa thêm quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí vào Việt Nam; trao trả tù binh và dân thường bị bắt, giam giữ trong chiến tranh.

Nội dung chính của Tuyên bố cuối cùng là: - Chứng nhận các bản hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và về tổ chức kiểm soát quốc tế.

- Hài lòng về việc chấm dứt chiến sự ở Ðông Dương.

- Chứng nhận những lời tuyên bố của Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia và Chính phủ Vương quốc Lào về tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức ở hai nước này trong năm 1955.

- Chứng nhận những điều khoản trong Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam về việc cấm đem quân đội, nhân viên quân sự và vũ khí, đạn dược vào Việt Nam.

- Không được thành lập căn cứ quân sự của nước ngoài ở Việt Nam. Ðôi bên Việt Nam không được tham gia khối liên minh quân sự.

- Chứng nhận mục đích căn bản của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ.

- Việc giải quyết các vấn đề chính trị ở Việt Nam, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng bảy năm 1956.

- Phải triệt để thi hành những điều khoản của Hiệp định đình chỉ chiến sự, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi người và phải để cho mọi người ở Việt Nam tự do chọn vùng mình muốn sinh sống.

- Các nhà đương cục ở hai miền Nam Bắc Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia không được dung thứ những hành động báo thù, với những người đã hợp tác với một trong hai bên trong thời gian chiến tranh.

- Chứng nhận lời tuyên bố của Chính phủ Pháp về việc Pháp rút quân đội khỏi Ðông Dương; tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

- Các nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

- Quy định những biện pháp cần thiết để bảo đảm sự tôn trọng các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Ðông Dương.

Hiệp định Geneva 1954 được ký kết trong bối cảnh, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và bị chi phối bởi ý đồ chiến lược, lợi ích của năm nước lớn tham gia hội nghị, cho nên chưa phản ánh đầy đủ xu thế thắng lợi của ta trên chiến trường, xu thế chính trị của cuộc đấu tranh giữa ta và thực dân Pháp, không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu do Phái đoàn ta đưa ra. Nhưng Hiệp định này là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của T.Ư Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là thắng lợi của cách mạng Lào, Cam-pu-chia và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hiệp định Geneva năm 1954 đã khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phát huy được thế thắng của ta trên chiến trường sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Cùng với chiến thắng trong Ðông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp (1945-1954). Pháp phải rút quân về nước. Âm mưu và kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp, kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ bị đẩy lùi. Các lực lượng cách mạng ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia có thời gian để khôi phục, củng cố, phát triển.

Lần đầu trong lịch sử các nước lớn tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, có hòa bình, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương, căn cứ địa vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Ðiều quan trọng là, Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để Ðảng, Nhà nước, quân và dân ta tiến hành kháng chiến, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân 1975 lịch sử.