Trong xe tăng mọi người nói chuyện với nhau qua máy thông tin nội bộ trong xe với mi-crô áp thanh, tức là mi-crô trích âm trực tiếp từ thanh quản. Chúng tôi nghe rất rõ lệnh của người chỉ huy điều hành sáu xe tăng đang đi trên thao trường phát ra từ tai nghe của chiếc máy VRU812/B. Đây là thiết bị do các kỹ sư thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển thiết kế, chế tạo.
Kỹ sư Phan Quang Nam kể cho chúng tôi nghe những ngày đầu thử nghiệm máy: Trước khi thử nghiệm trên xe tăng, cán bộ của Viện phải thử nghiệm rất nhiều lần từ phòng thí nghiệm đến chạy trên thực địa. Lúc đầu thiết bị được đặt trên ô-tô để thử nghiệm. Để cho máy hoạt động, anh em kỹ thuật phải dùng bình ắc-quy của trạm phát sóng BTS làm nguồn cấp. Khi thử nghiệm thiết bị trên xe tăng ở thao trường, cán bộ kỹ sư của Viện cùng ăn, cùng ở với lính xe tăng để kịp thời chỉnh lý, ghi chép đầy đủ ý kiến đóng góp của người sử dụng. So với thiết kế ban đầu, càng về sau VRU812/B càng được cải tiến nhờ sự đóng góp ý kiến của cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Xe tăng 203. Thiết bị có công tắc bật tắt bằng cần gạt. Tuy vậy do máy được lắp đặt ngay vị trí vào ra xe tăng cho nên nhiều khi xảy ra tình trạng máy được bật, tắt ngoài ý muốn.
Khắc phục tình trạng này, các nhà thiết kế đã thay công tắc cần gạt bằng nút bấm. Buồng lái xe tăng rất tối, trong khi đó thiết bị liên lạc chỉ cho bật đèn từ 5 đến 10 giây sau đó tự động tắt, nếu muốn bật lại phải bấm thêm lần nữa. Chế độ tự động này đã được thay thế bằng chế độ bật, tắt bên trong.
Khi thử nghiệm bên ngoài, máy hoạt động tốt nhưng khi lắp vào xe tăng, tín hiệu bị nhiễu điện từ, mỗi lần liên lạc lại có tiếng rít chói tai do xe tăng được gắn động cơ công suất lớn. Khuyết tật nói trên đã được kịp thời chỉnh sửa. Cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Xe tăng 203 không chỉ là người thử nghiệm máy VRU812/B mà còn đóng vai trò quan trọng là thành phần tham gia phát triển dự án, hoàn thiện các chi tiết để máy có thể đáp ứng các yêu cầu tác chiến. Đây là một trong những bí quyết giải thích vì sao thiết bị quân sự do Viettel chế tạo thường phát huy tác dụng ngay sau khi được đưa vào sử dụng chính thức.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, so với các thiết bị cũ, thiết bị VRU812/B có chỉ tiêu tính năng tốt hơn.
Máy do các nhà khoa học và công nghệ trong nước chế tạo cho nên bảo đảm bí mật về tính năng, kỹ thuật tác chiến, số lượng trang thiết bị và phù hợp cách đánh của quân đội Việt Nam.
VRU812/B sử dụng công nghệ bán dẫn mới cho nên thu gọn hơn nhiều về kích thước cũng như trọng lượng so với các loại thiết bị cũ, đồng thời có độ bền cao, tăng cường nhiều tính năng mới, dễ dàng thay thế linh kiện với giá thành rẻ. Máy có hai cấu hình hoạt động: người mang xách và lắp đặt trên phương tiện cơ động.
Cự ly thu phát sóng dạng máy xách thường từ 6 đến 10 km.
Máy thu phát khi đặt trên xe, cự ly thông tin có thể đạt khoảng 20 km khi sử dụng bộ khuếch đại công suất 50W.
Máy có các chế độ liên lạc thoại tần số cố định, liên lạc thoại mã hóa tần số cố định và liên lạc nhảy tần, truyền dữ liệu. Không chỉ được ứng dụng trên xe tăng, VRU812/B có thể lắp đặt trên xe thông tin cơ động, pháo tự hành, máy bay trực thăng chiến đấu, các tàu hải quân và các đơn vị bộ binh (chế độ mang xách).
Kỹ sư Phan Quang Nam thông báo cho chúng tôi tin vui sau thời gian thử nghiệm hơn hai năm, đề tài nghiên cứu máy VRU812/B đã được nghiệm thu và nhanh chóng được đưa vào sản xuất hàng loạt. Những ngày cuối năm này loạt sản phẩm đầu tiên đã xuất xưởng, chờ được chuyển giao tới các đơn vị quân đội. Kết quả nghiên cứu nói trên không chỉ tiết kiệm được ngoại tệ cho đất nước do không phải mua các thiết bị cùng loại mà còn đóng góp tích cực cho việc hiện đại hóa quân đội bằng lực lượng khoa học và công nghệ trong nước.