Nỗi khổ của người dân
Theo phản ánh của nhân dân thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, tình trạng ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông ở làng nghề Minh Khai đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân trong khu vực.
Đến thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, chung quanh những ngôi nhà cao tầng hiện đại là những đống phế liệu, phế thải chất cao như núi nằm ngổn ngang, dọc hai bên các con đường làng. Thêm vào đó là cảnh các loại xe công-ten-nơ, xe tải vào, ra nườm nượp, thỉnh thoảng lại gây ách tắc giao thông vài giờ, cùng với mùi khí khét lẹt bốc ra từ những xưởng tái chế nhựa trong làng nghề khiến môi trường sống nơi đây trở nên ngột ngạt, đáng sợ.
Chị Nguyễn Thị Bình, ở thôn Minh Khai, chủ xưởng tái chế gần 2 tấn nhựa phế thải thành hạt nhựa mỗi ngày, giãi bày: “Vì mưu sinh, nhà vừa là nơi ăn ở, vừa là nơi sản xuất, gia đình tôi cũng khổ lắm chứ. Chúng tôi rất mong mỏi được di chuyển cơ sở sản xuất đến cụm công nghiệp làng nghề ở xa khu dân cư để cuộc sống được an lành”.
Ông Nguyễn Đình Phong, cán bộ địa chính, môi trường thị trấn Như Quỳnh thốt lên: “Ô nhiễm môi trường ở làng nghề Minh Khai thật kinh khủng, các anh chị vào đó phải đeo khẩu trang thì mới chịu được. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề tái chế nhựa Minh Khai đã và đang thải ra môi trường một lượng rất lớn khí thải độc và cả nước thải, rác thải... Và một hiểm họa lớn nữa, đó là cháy, nổ; chỉ sơ suất một chút để xảy ra cháy đống phế liệu hoặc kho hàng thôi thì rất nguy cho tính mạng, tài sản của nhiều người dân trong làng”.
Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai được hình thành từ năm 1980, ban đầu chỉ có vài hộ đi mua gom phế liệu để sơ chế có thêm thu nhập; cho đến nay đã phát triển mạnh với khoảng 725 hộ sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất tái chế nhựa ở làng nghề Minh Khai đã thải ra môi trường khí thải, nước thải, rác thải độc hại, tích tụ, kéo dài nhiều năm. Trước tình trạng đó, ngày 22-4-2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đưa làng nghề tái chế nhựa Minh Khai vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, hoạt động sản xuất, tái chế nhựa hiện nay tại làng nghề Minh Khai diễn ra liên tục, với khối lượng khoảng 600 - 650 tấn/ngày. Sản phẩm chính được sản xuất tại đây gồm: ống nhựa, túi ni-lông, hạt nhựa, màng mỏng, lưới, cốc, hộp... Chất thải rắn phát sinh trong quá trình thu mua, tái chế phế liệu lên tới 60 đến 65 tấn/ngày, không được thu gom, xử lý theo quy định mà được tập kết tại các khu đất trống, dọc hai bên đường; nước thải phát sinh gồm nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất trong quá trình rửa nguyên liệu, xay và tạo hạt nhựa không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000 m3/ngày đêm; lượng rác thải phát sinh tồn đọng ở làng nghề khoảng 30 nghìn tấn. Do vậy, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện; lượng rác thải trong làng nghề tích lại ngày một lớn đang đe dọa cuộc sống của nhân dân.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền
Hiện nay, thôn Minh Khai có hơn 80% số hộ làm nghề tái chế nhựa, tạo công ăn việc làm cho hơn 6.400 lao động; hoạt động sản xuất chủ yếu trong khu dân cư. UBND thị trấn Như Quỳnh đã triển khai một số biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) như: mở lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; tuyên truyền trên loa truyền thanh; ra nghị quyết yêu cầu trưởng thôn vận động nhân dân chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường; chỉ đạo xây dựng tổ vệ sinh thu gom rác thải về tập kết tại bãi rác của thôn… UBND huyện Văn Lâm đã xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai giai đoạn 1 với diện tích 11 ha, đã có khoảng 145 hộ di chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề. Đến năm 2013, huyện Văn Lâm tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án trên diện tích 18 ha, dự kiến đưa 290 hộ sản xuất trong làng ra cụm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, lỏng lẻo, thiếu kiên quyết của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, đã dẫn đến việc thực hiện BVMT ở thôn Minh Khai chưa được chấp hành nghiêm chỉnh.
Qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT năm 2017 của cơ quan chức năng đối với làng nghề Minh Khai cho thấy: Làng nghề Minh Khai chưa xây dựng hương ước, quy ước đối với làng nghề gắn với BVMT; chưa thành lập tổ đội vệ sinh BVMT; chưa có cán bộ chuyên trách về môi trường; chưa lập phương án BVMT đối với làng nghề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề không có các thủ tục về môi trường; lượng nước thải trong quá trình tái chế, rửa nguyên liệu và lượng rác thải không được thu gom xử lý theo đúng quy định; phần lớn các hộ làm nghề tái chế nhựa không có thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) và chưa được thẩm duyệt về PCCC tại các cơ sở sản xuất… Hơn nữa, Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai giai đoạn 1 được biến thành nơi vừa để ở vừa để sản xuất; công trình xử lý nước thải chưa được đưa vào sử dụng; tiến độ thi công Cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn 2 chậm, chưa được đưa vào sử dụng...
Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm Trần Văn Lâm cho biết: “Vấn đề ô nhiễm ở làng nghề Minh Khai cấp thiết lắm rồi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Mỗi lần tôi vào làng nghề kiểm tra lại bị viêm mũi dị ứng phải điều trị cả tuần”.
Để làng nghề Minh Khai có điều kiện phát triển ổn định, bền vững, tỉnh Hưng Yên cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai giai đoạn 2; tiếp tục quy hoạch và triển khai thi công giai đoạn 3, nhằm di chuyển toàn bộ các hộ làm nghề tái chế nhựa ra cụm công nghiệp làng nghề. Hỗ trợ, đầu tư lò đốt chất thải rắn tại thôn Minh Khai để xử lý chất thải rắn tồn đọng khoảng 30 nghìn tấn, nằm rải rác tại làng nghề. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc UBND thị trấn Như Quỳnh lập phương án BVMT trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, BVMT cho nhân dân.
Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất tái chế nhựa; kiểm tra việc thu mua, vận chuyển phế liệu nhựa không rõ nguồn gốc, công tác PCCC. Xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm môi trường; vận chuyển, nhập lậu phế liệu nhựa; vi phạm quy định về PCCC. Hỗ trợ người dân đào tạo nghề, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất...
Nguồn nguyên liệu cho làng nghề tái chế nhựa Minh Khai chủ yếu là phế liệu nhập từ nước ngoài, nhập lậu. Các cơ quan hải quan, công an và quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra hoạt động nhập khẩu phế liệu, nhất là phế liệu nhựa, tăng tỷ lệ kiểm hóa đối với phế liệu nhập khẩu; xử lý nghiêm các trường hợp nhập khẩu phế liệu không bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhập lậu. LÊ ĐỨC LÀNH Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên |