Hết lòng vì những phụ nữ yếu thế

Gặp GS, TS Lê Thị Quý, chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, để kể hết những công việc mà bà đã làm suốt một đời người. Đó chắc chắn là một nhà khoa học chân chính, luôn đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ nhưng cũng là một trái tim yếu đuối, đa cảm, yêu thương những phụ nữ yếu thế.

Hết lòng vì những phụ nữ yếu thế

Về nước sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ sử học tại Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (trước đây), GS,TS Lê Thị Quý (trong ảnh) làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ và Gia đình (sau này là Viện Gia đình và Giới). Đối với bà, việc trở thành nhà khoa học nghiên cứu về giới là do sự phân công của lãnh đạo nhưng đó cũng là “duyên” và trở thành con đường suốt cả cuộc đời bà theo đuổi. GS, TS Lê Thị Quý kể rằng, thời điểm sau năm 1986 tình trạng bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, nạn mại dâm... là vấn đề hết sức nhạy cảm và chưa ai nói tới. Vượt lên những định kiến của xã hội lúc bấy giờ, GS,TS Lê Thị Quý đã trở thành nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu lĩnh vực này. Sau giờ làm, bà thường đạp xe đến gặp gỡ, phỏng vấn những cô gái ở Trung tâm Phục hồi nhân phẩm Lộc Hà (Đông Anh, Hà Nội). Có khi tranh thủ cuối tuần bà một mình tiếp xúc những cô gái “bán hoa” ở hồ Thiền Quang - vốn là “điểm nóng” mại dâm lúc bấy giờ. Mặc cho bị nghi ngờ, bị từ chối, xua đuổi, dần dà bà đã thuyết phục được họ trải lòng với sự chân tình chạm sâu đến trái tim. Từ họ, bà được nghe nhiều điều chân thực, cay đắng. Cũng thời gian này, đại dịch AIDS bùng nổ, Bộ Y tế thành lập Ủy ban Phòng chống AIDS Quốc gia và rất cần những nghiên cứu về mại dâm. Gần năm năm “trong bóng tối”, cho đến lúc đó những nghiên cứu của bà mới được biết đến rộng rãi và góp phần giải quyết những vấn đề về mại dâm.

Suốt một thời gian dài, GS, TS Lê Thị Quý trăn trở với việc làm thế nào để cứu nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ)? Nhận thấy có thể phát huy sức mạnh của cộng đồng để giải quyết gốc rễ của vấn đề, bà đề xuất lập mô hình về bình đẳng giới và chống BLGĐ tại Thái Bình (thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương và xã Vũ Lạc, TP Thái Bình) và Phú Thọ (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng). Một ban quản lý của mô hình với đường dây nóng và đội can thiệp nhanh mà nòng cốt là công an xã, cán bộ tư pháp, hội, đoàn được lập nên. Nhưng thực tiễn giúp bà nhận ra một điều: “Người phụ nữ không có chỗ nào để chạy trốn cả. Về nhà bố mẹ đẻ thì bị trả lại, sang nhà hàng xóm thì bị chồng tới lôi về. Họ có thể bị đánh cho tới chết”. Khi mô hình được áp dụng tại Thái Bình, người dân ở đây đã có một sáng kiến tuyệt vời: một số gia đình dành ra một căn phòng cho nạn nhân trú tạm gọi là địa chỉ tin cậy. Đầu tiên là những cán bộ địa phương, các bác có uy tín ở địa phương như cựu chiến binh, đảng viên, sau này rất nhiều gia đình người dân đã tình nguyện dành một buồng trong nhà mình làm địa chỉ tin cậy và ngay sau khi thành lập đã phát huy tác dụng. Từ chỗ chỉ có một vài địa chỉ tin cậy, tại hai xã thực hiện dự án có tới 76 địa chỉ như thế. Sau này, chính quyền xã Vũ Lạc (Thái Bình) còn công bố các địa chỉ tin cậy công khai trên đài phát thanh địa phương với thông báo: “ai đến phá địa chỉ tin cậy sẽ bị bắt ngay và xử lý vì chống người thi hành công vụ”.

Tâm đắc với mô hình này, GS,TS Lê Thị Quý đã báo cáo với Quốc hội. Khi đó Quốc hội đang soạn Luật Phòng, chống BLGĐ nên đã đưa các địa chỉ tin cậy vào luật để phát triển trên toàn quốc. Dự án tổ chức truyền thông, tập huấn về vấn đề BLGĐ, bình đẳng giới, rồi đọc ở đài phát thanh, treo áp phích ở nơi công cộng, tổ chức đóng kịch, biểu diễn… đồng thời lập ban quản lý dự án, lập những đội can thiệp nhanh với thành viên là cán bộ chính quyền, công an, pháp lý, các tổ chức xã hội ở địa phương, lập các câu lạc bộ, tổ tư vấn... Mô hình của bà sau đó đã lan sang cả Nam Định, Huế và nhiều địa phương khác. Hiện nay ở Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định có các CLB như CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc, CLB Những người đàn ông yêu vợ… Rất nhiều người đàn ông từng đánh vợ sau khi được tuyên truyền, hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của CLB đã trở thành tuyên truyền viên của dự án. Hiệu quả từ các CLB này rất rõ rệt. Từ khi chấm dứt bạo lực, gia đình làm ăn ổn thỏa, kinh tế khá hơn. Chính quyền có thời gian tập trung vào các công tác phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

GS, TS Lê Thị Quý cũng từng phối hợp Chi nhánh Liên minh Chống buôn bán phụ nữ toàn cầu, Viện Nghiên cứu thanh niên xây dựng mô hình chống buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn từ năm 1997-2000. Bằng cách cho họ vay vốn để buôn bán nhỏ hoặc làm nông nghiệp, dự án giúp những phụ nữ bị lừa bán làm vợ sang Trung Quốc đã trốn về được ổn định cuộc sống. Dự án này cũng tập hợp các nhóm phụ nữ để tuyên truyền, chia sẻ về nạn buôn bán người và góp phần xóa đi những mặc cảm, kỳ thị của xã hội. Sau dự án này, bà đã xuất bản sách trong đó có một loạt khuyến nghị tới các cấp có thẩm quyền. Bộ Công an đã dựa trên các khuyến nghị đó để làm cơ sở cho chính sách 130 về phòng, chống nạn buôn bán người.

Chia sẻ về lý do hết lòng vì những người phụ nữ yếu thế, GS, TS Lê Thị Quý tâm sự: “Vì tôi yêu gia đình, tôi may mắn được sống trong một gia đình không có bạo lực. Tôi biết rằng có nhiều cách để chung sống hòa thuận, yêu thương nhau mà không phải hành động bằng chân tay hoặc chửi rủa”. Chồng của GS, TS Lê Thị Quý là GS, TS Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) luôn động viên, hậu thuẫn để bà có thêm cảm hứng theo đuổi con đường nghiên cứu đầy chông gai của mình. Bởi vậy, ở tuổi hơn 60, GS, TS Lê Thị Quý không ngừng khát vọng xây dựng nhiều hơn những ngôi làng bình yên cho phụ nữ.

GS, TS Lê Thị Quý hiện là Viện trưởng Nghiên cứu Giới và Phát triển. Năm 2005, GS, TS Lê Thị Quý là một trong một nghìn phụ nữ được đề cử giải Nô-ben hòa bình. Hơn 20 năm nghiên cứu miệt mài, bà đã có nhiều công trình nghiên cứu quý giá, là tác giả của hơn 60 cuốn sách, là những tư liệu quý giá về giới, gia đình, mại dâm… Mới đây, cụm công trình nghiên cứu về giới của bà cũng đang được đề xuất xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Hiện bà phụ trách Bộ môn Công tác xã hội ở Đại học Thăng Long, là giảng viên kiêm nhiệm ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.