Hết lòng vì học trò vùng khó khăn

Tỉnh Sóc Trăng vừa vinh dự có một nữ nhà giáo đã hơn 30 năm dạy học ở vùng sâu, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, được phong tặng Nhà giáo Nhân dân. Đó là cô giáo Đỗ Thị Hồi, Trường tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp ở Trường tiểu học Lạc Hòa 1 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).
Cô giáo Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp ở Trường tiểu học Lạc Hòa 1 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).

Sau khi tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm Sóc Trăng, cô giáo Đỗ Thị Hồi nhận quyết định về dạy cấp tiểu học ở xã Lạc Hòa 1, vùng biển đặc biệt khó khăn ít người chịu nhận công tác. Cô Hồi kể: “Là một giáo viên trẻ mới ra trường, khi ấy mình cũng có hoài bão lớn, nhưng thấy các em cực khổ, khó khăn cho nên nghĩ nếu mình bỏ cuộc thì tương lai các em sẽ ra sao?”.

Từ đó, cô luôn gắn bó với những gương mặt trẻ thơ nông thôn nhọc nhằn tiếp nhận từng con chữ. Hằng ngày, cô tranh thủ thời gian rảnh rỗi để dạy kèm những học sinh yếu. Sau giờ dạy chính thức trên lớp, cô thường ở lại thêm khoảng 60 phút dạy những em còn hạn chế về môn học, giúp các em dần tiến bộ theo kịp bạn bè.

Lạc Hòa là địa bàn có phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhiều em vào lớp chưa biết tiếng Việt. Sau một thời gian nỗ lực, cô Hồi đã có thể dùng tiếng Hoa và tiếng Khmer để giao tiếp, giảng dạy cho các em biết tiếng Việt. Với học sinh ở vùng khó khăn như tại Trường tiểu học Lạc Hòa 1, để đạt hiệu quả, cô phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm đến chế độ chính sách cho học sinh nghèo để giảm bớt khó khăn cho gia đình các em.

Cô còn là Phó Bí thư Chi bộ và Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Nhiều năm gần đây, cô hỗ trợ và kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Vì học sinh nghèo”, Quỹ “Khuyến học” được 13 suất học bổng, 3 chiếc xe đạp, 1.000 cuốn tập, 150 đôi dép, 60 chiếc cặp sách, 1,7 tấn gạo, 150 bộ quần áo, hàng chục bộ sách giáo khoa, hàng trăm bình nước, đồ dùng học tập cho học sinh.

Thầy giáo Thạch Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Hòa 1 cho biết: Cô Hồi là một nhà giáo có chuyên môn vững, nhiệt tình trong công tác, thường giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp cùng tiến bộ, tham gia đầy đủ các phong trào của trường, của ngành và địa phương. Học trò và cha mẹ rất quý mến cô. Nhiều em sau khi ra trường vẫn thường xuyên về thăm cô. Không ít học sinh của cô nay đã thành đạt, là cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương, là kỹ sư, bác sĩ, luật sư công tác ở trong và ngoài tỉnh.

Với những cố gắng vượt bậc trong công tác giảng dạy, xóa mù chữ cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn ven biển của tỉnh Sóc Trăng, sau hơn 30 năm cống hiến trong nghề, cô giáo Đỗ Thị Hồi đã nhiều lần được công nhận giáo viên giỏi, Tổng phụ trách Đội giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, thị xã, cấp tỉnh. Cô còn đạt giải cao trong cuộc thi thiết kế đồ dùng dạy học; liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Cô nhận nhiều bằng khen của ngành, của tỉnh và được nhận giải thưởng “Viên phấn Vàng”, giải thưởng “Võ Trường Toản”… Năm 2017, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng ba; mới đây, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Cô được chọn đi dự Giao lưu điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía nam, được vinh danh trong Hành trình khát vọng năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cô giáo Đỗ Thị Hồi là nhà giáo thứ hai của tỉnh Sóc Trăng được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân. Trước cô là cố Nhà giáo Nhân dân Lâm Es - một người tâm huyết trong đào tạo giảng dạy và biên soạn sách giáo khoa tiếng Khmer dành cho học sinh Khmer Nam Bộ.