Chặn đà giảm số người tham gia bảo hiểm y tế

Sau bốn tháng thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), số đối tượng tham gia BHYT không tăng mà giảm khoảng 1,2 triệu người; trong khi mục tiêu đặt ra là, đến hết năm 2015 có 75% số dân tham gia bảo hiểm y tế. Ðây là một áp lực mới trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân, cho nên rất cần những giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên.

Báo cáo mới đây của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) cho biết, đến cuối năm 2014, cả nước có 64,67 triệu người tham gia BHYT, chiếm khoảng 71,6% số dân. Nhưng sau bốn tháng thực hiện Luật BHYT sửa đổi (từ tháng 1-2015), số đối tượng tham gia BHYT lại giảm khoảng 1,2 triệu người so với năm 2014. Tính đến tháng 3-2015, số người tham gia BHYT trong cả nước là hơn 63,5 triệu người.

Việc dừng tham gia BHYT của 1,2 triệu người nêu trên được nhận định là không bất thường. Theo BHXHVN, nguyên nhân chính là do số đối tượng thoát nghèo thời gian qua tăng, ngân sách nhà nước không hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho nhóm đối tượng này nữa, nên đã tạo ra một "khoảng trống" trong danh sách các đối tượng tham gia BHYT. Theo quy định, các đối tượng sau khi thoát nghèo phải tự bỏ tiền túi để tham gia BHYT theo diện hộ gia đình nhưng hiện nay lộ trình thực hiện BHYT theo hộ gia đình được gia hạn đến đầu năm 2016, cho nên người dân còn chần chừ chưa tham gia... Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh Cao Bằng cho biết, không chỉ số hộ thoát nghèo tăng mà vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giảm cũng là nguyên nhân của việc giảm số người tham gia BHYT ở nhóm được Nhà nước hỗ trợ. Riêng tỉnh Cao Bằng, năm 2015 có 38 nghìn hộ thoát nghèo cho nên từ 95% dân số tham gia BHYT giảm xuống còn 91,3%. Hay như tỉnh Hà Tĩnh, tỷ lệ "bao phủ" BHYT từ 70% dân số của tỉnh xuống còn 66% do có 102 nghìn hộ thoát nghèo... Việc sụt giảm số người tham gia BHYT, theo một cán bộ ngành BHXH, thể hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, hỗ trợ về BHYT... đã có tác động hiệu quả đến đời sống của người dân để họ thoát nghèo, nhưng sẽ là một áp lực mới cho ngành bảo hiểm trong việc "bao phủ" BHYT theo hộ gia đình thời gian tới.

Tỷ lệ tham gia BHYT giảm cũng rơi vào nhóm đối tượng hộ gia đình với mức giảm 15% so với trước đây. Các vướng mắc hiện nay cơ bản đều xuất phát từ cơ quan triển khai thực hiện. Không chỉ người dân chưa nắm được các quy định mới về BHYT theo hộ gia đình mà ngay cán bộ thực hiện cũng không cập nhật kịp thời các hướng dẫn để áp dụng thuận lợi cho người dân. Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXHVN) cho biết, qua công tác kiểm tra các địa phương cho thấy, giảm đối tượng hộ gia đình có nguyên nhân từ thủ tục đăng ký tham gia BHYT rườm rà, máy móc của cấp xã, như yêu cầu người dân phải phô-tô giấy đăng ký tạm trú, tạm vắng, thẻ BHYT của các thành viên đã tham gia thì mới cho hộ đó mua BHYT. Thậm chí, khi BHXHVN đã có Công văn số 777/BHXH-BT vào tháng 3-2015 để tháo gỡ, yêu cầu không được gây phiền hà, thì một số cán bộ cấp xã vẫn không nắm được nội dung, vẫn yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ đó. Ðáng nói hơn, qua công tác kiểm tra liên ngành trên cả nước cho thấy, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự mạnh mẽ. Ðến nay, cả nước đã có 40 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi hoặc thành lập ban chỉ đạo, gửi công điện khẩn cho cấp dưới thực hiện nhưng hầu hết các kế hoạch còn chung chung, chưa đề cập đến việc xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, nhất là người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; không nắm được số đối tượng sẽ tham gia theo hộ gia đình trên địa bàn là bao nhiêu. Các đại lý BHYT ở các địa phương còn lúng túng, thay vì đi vận động người dân tham gia BHYT thì chờ đợi người dân đến đăng ký.

Về phía người dân cũng chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về cư trú, tạm trú, nhất là trường hợp người thân đi làm ăn xa, đi nước ngoài không khai báo tạm vắng tại nơi cư trú nên khi tham gia BHYT theo hộ gia đình rất khó chứng minh tình trạng tham gia BHYT của các thành viên vắng mặt, ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT của chính hộ gia đình mình. Bên cạnh đó, người dân còn chần chừ tham gia BHYT do phải đóng tiền một lần cho cả hộ khi cùng tham gia BHYT.

Thực hiện BHYT theo hộ gia đình đòi hỏi sự vào cuộc thật sự và quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương bằng những mục tiêu cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền đến tận từng hộ gia đình. Ngành bảo hiểm và y tế cần tập trung tháo gỡ những trở ngại về chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân tham gia BHYT thuận lợi. Nếu những vướng mắc về thủ tục, cơ chế nêu trên không được kịp thời giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu bao phủ BHYT cũng như quyền lợi tham gia BHYT của người dân; tỷ lệ giảm tham gia BHYT sẽ trở thành áp lực khó khăn, lâu dài.