Là xã vùng sâu, còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vị Thắng phải mất 8 năm xây dựng mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết quả này thể hiện tinh thần không khuất phục khó khăn của xã, huyện và sự quan tâm của tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí.
Hậu Giang: Công bố xã Tân Thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Tổng kinh phí huy động trên địa bàn xã để xây dựng nông thôn mới nâng cao hơn 170 tỷ đồng. Trong đó, riêng vốn người dân đóng góp hơn 48 tỷ đồng. Từ đó, góp phần làm cho bộ mặt của xã khởi sắc hơn. Kinh tế-xã hội của xã tiếp tục phát triển; cơ sở vật chất hạ tầng cơ bản được hoàn thiện; đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên phát biểu tại buổi lễ. |
Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,5 triệu đồng/người/năm, tăng 1,88 lần so với thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 1,73%; cảnh quan môi trường được thực hiện đồng bộ; các tiêu chí đã được nâng chất lên rất nhiều so thời điểm công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, sự cố gắng và chúc mừng đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vị Thắng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Dịp này, 1 tập thể và 15 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang. |
Để giữ vững tiêu chí đã đạt được, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã và từng bước tiến lên xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đề nghị địa phương cần tập trung huy động lồng ghép các nguồn lực hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đó, địa phương cần nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, mang tính thế mạnh của xã, tạo mối liên kết sản phẩm với doanh nghiệp, tìm thị trường đầu ra ổn định, tạo động lực phát triển cho xã.
Quan tâm thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của xã theo chuỗi giá trị, kết hợp với thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp, xem đây là một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.
Lãnh đạo huyện Vị Thủy tặng Giấy khen cho các cá nhân. |
Chú trọng công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư; quan tâm sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trạm cấp nước sinh hoạt... bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Cùng với đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua ở địa phương, nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Đến nay, Hậu Giang có 43/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Toàn tỉnh đã có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Châu Thành A, thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy.