Tạo sinh kế từ cây tràm
Cây tràm “bén duyên” với vùng đất Hậu Giang từ nhiều năm nay. Việc trồng tràm trên vùng đất Hậu Giang những năm gần đây đã giúp cải thiện sinh kế cho những hộ dân ở khu vực đất phèn, trũng, canh tác nông nghiệp kém hiệu quả. Nếu trước đây, người dân chỉ trồng tràm tự phát để cây tự sinh trưởng rồi lấy gỗ làm cột nhà, chất đốt thì ngày nay người ta còn chiết xuất tinh dầu từ tràm, gỗ tràm phục vụ phổ biến hơn trong lĩnh vực xây dựng.
Gần 3 năm trước, bà Phan Thị Hiếu ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tận dụng khoảng một công đất ven sông để trồng tràm bông vàng, lợi nhuận đợt đầu thu về gần 20 triệu đồng. Nhận thấy giá trị của loài cây lâm nghiệp này, năm 2023, bà Hiếu quyết định chuyển đổi thêm 3 công đất còn lại để lên liếp trồng tràm bông vàng.
Bà Phan Thị Hiếu cho biết: “Mảnh đất nơi tôi đang khai thác trồng lúa không tốt, tôi từng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nhưng cũng không phù hợp. Nhưng từ khi chuyển qua trồng cây tràm bông vàng thấy cây sinh trưởng mạnh và hiệu quả. Quá trình chăm sóc cũng không tốn phân thuốc như những loại cây trồng khác. Thấy vậy, tôi đăng ký xin ngành Kiểm lâm hỗ trợ 1.500 cây tràm giống, tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng chi phí đầu tư để cải tạo để trống 3 công đất còn lại”.
Ông Trần Văn Thư, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), ban đầu cũng trồng “thử nghiệm” một công tràm bông vàng và hiện nay diện tích đã tăng lên 1ha. Theo đánh giá của ông Thư, với các loại cây trồng khác, trồng tràm không cần chăm sóc, không tốn phân thuốc, dễ tìm đầu ra. Đặc trưng của loài cây này lại sinh trưởng tốt ở những vùng đất phèn, bạc màu, canh tác nông nghiệp kém hiệu quả.
“Với 1ha đất trồng tràm bông vàng của gia đình, tôi ước tính sau 3,5 năm sẽ cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên. Nếu tuổi đời của cây tràm càng lớn, giá trị kinh tế sẽ càng cao. Tôi cũng đang kết hợp trồng tràm trên liếp, dưới mương trồng bông súng và nuôi cá ruộng để tăng thu tối đa trên 1ha tràm hiện có”, ông Thư, chia sẻ.
Theo ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hậu Giang, những năm gần đây, trồng cây lâm nghiệp cụ thể là cây tràm đã mở ra hướng làm kinh tế mới cho nông dân trên những vùng canh tác nông nghiệp kém hiệu quả.
Khi người dân thực hiện theo đúng hướng dẫn kỹ thuật trồng cây tràm sẽ rút ngắn được chu kỳ kinh doanh, tăng năng suất, thêm nguồn thu nhập cho hộ gia đình; góp phần lấp đầy mảng xanh trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho sinh cảnh, tăng mỹ quan nông thôn.
Về đầu ra của cây tràm, ngành Kiểm lâm tỉnh khuyến cáo người dân khai thác khi có hiệu quả cao nhất để cung ứng cho lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực liên kết với công ty gỗ đến khảo sát, thu mua, mở thêm đầu ra bền vững hơn cho cây tràm.
![]() |
Ngành Kiểm lâm Hậu Giang hỗ trợ cây tràm giống cho người dân. |
Tiếp tục đẩy mạnh trồng cây lâm nghiệp phân tán
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hậu Giang, kế hoạch trồng cây xanh phân tán và trồng rừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, năm 2023, toàn tỉnh sẽ trồng 1.480.000 cây lâm nghiệp phân tán. Loại cây được trồng chủ yếu là keo lá tràm, tràm cừ, tràm Úc… Hiện nay, toàn bộ cây giống đã được ngành Kiểm lâm hỗ trợ, bàn giao tận tay người dân.
Song song đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, cán bộ kiểm lâm cơ sở tăng cường hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, áp dụng các biện pháp lâm sinh để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Ngay từ đầu năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để các tổ chức và nhân dân tích cực trồng cây phân tán, trồng rừng, nhằm từng bước nâng cao môi trường sống của nhân dân, ứng phó biến đổi khí hậu. Cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phát triển bền vững đối với diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong năm 2023”
Cũng theo Ông Trương Cảnh Tuyên, kế hoạch trồng cây xanh phân tán và trồng rừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2023 được triển khai nhằm mục đích duy trì ổn định độ che phủ rừng và cây phân tán đến năm 2025 đạt 3%; diện tích rừng chiếm 1,61% so với diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Để đạt mục tiêu đề ra, ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hậu Giang, thông tin: Thời gian tới, ngành kiểm lâm tỉnh Hậu Giang sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có. Tăng giá trị của rừng sau khai thác, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng thu nhập cho người dân.
Song song đó, ngành kiểm lâm sẽ tăng cường hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp, đất hoang, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để trồng cây lâm nghiệp theo đúng định hướng của tỉnh, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Theo quyết định 141/QĐ-UBND ngày 02/02/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Hậu Giang năm 2022, toàn tỉnh có trên 7 triệu cây phân tán, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 3,1%. Ngành chức năng tỉnh đã triển khai các biện pháp phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trên địa bàn tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.
Việc đẩy mạnh và phát huy hiệu quả trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn góp phần thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ; hiện thực Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.