Hậu Giang nối lại nhịp thi công các công trình, dự án

NDO -

Sau khi cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh, Hậu Giang đã tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn hoạt động lại, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch giao đầu năm.

Đơn vị thi công Đường tỉnh 931 đang đẩy nhanh tiến độ.
Đơn vị thi công Đường tỉnh 931 đang đẩy nhanh tiến độ.

Sau khi được phê duyệt phương án thi công, kèm theo biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, hàng trăm công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã tái khởi động với khí thế sôi nổi. 

Bên cạnh quyết tâm của các chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện dự án cũng sớm bắt tay vào khắc phục khó khăn trong tập kết vật tư, thiết bị, xe máy công trình, huy động nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại công trường.

Tại công trình Đường tỉnh 931, đoạn từ Quốc lộ 61C TP Vị Thanh qua thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ có chiều dài hơn 10km, không khí thi công nhộn nhịp trở lại, sau hơn 2 tháng tạm ngừng. 

Ông Nguyễn Trung Hậu, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, năm 2021, tổng vốn giao cho đơn vị là 524 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt trên 70% kế hoạch. Đối với công trình Đường tỉnh 931 có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, công trình này được bố trí vốn là 195 tỷ. Đến nay, khối lượng thi công đạt trên 80%; phấn đấu đến tháng 11 giải ngân 100% vốn và dự kiến thông xe kỹ thuật vào 31/12/2021.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Hậu Giang, 52 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư cũng đã và đang triển khai thi công trở lại. Tại các công trường, chủ đầu tư đã sớm rà soát, đốc thúc nhà thầu tăng cường nhân lực, khẩn trương thi công theo tiến độ đã đề ra.

Ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Hậu Giang là trên 2.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn phân bổ chi tiết cho các dự án trên 2.400 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9, tổng khối lượng thực hiện đạt 55,64%; giải ngân đạt 54,84% kế hoạch. Tuy nhiên, đặc thù năm 2021 là năm đầu triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên hầu hết kế hoạch vốn năm 2021 phân bổ cho các dự án khởi công mới. Trong những tháng đầu năm, đa số tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, quý III và quý IV mới tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân. Nhưng đến giữa tháng 7, do tình hình dịch bệnh phải thực hiện giãn cách xã hội, qua gần 3 tháng, các công trình hầu hết ngừng thi công. 

Sau khi Hậu Giang trở lại “bình thường mới”, nhiều công trình, dự án bắt đầu hoạt động lại, nhưng cũng còn gặp khó khăn nhất định như: việc huy động công nhân trở lại thi công cũng gặp nhiều khó khăn do phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch; người lao động trên công trường chưa được tiêm vaccine nên tâm lý lo lắng, chưa yên tâm thi công; một số nhà sản xuất thiếu nguyên vật liệu, linh kiện để sản xuất hoàn thành sản phẩm, một số thiết bị đã được nhập cảng nhưng vẫn còn lưu kho. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, Hậu Giang xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, chụ động phối hợp, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư công theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm. Phấn đấu đến cuối năm 2021, giải ngân phải đạt từ 95%-100% nguồn vốn đầu tư công giao từ đầu năm. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư phải xem việc đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ”. 

Đến cuối tháng 9, trong tổng số 23 đơn vị chủ đầu tư cấp tỉnh được giao kế hoạch vốn năm 2021, có 9 đơn vị giải ngân trên 70%, 5 đơn vị giải ngân từ 50% đến dưới 70%, 7 đơn vị giải ngân dưới 50%. Đặc biệt có 2 đơn vị chưa giải ngân.

Đối với kế hoạch vốn do 8 địa phương quản lý, có 3 đơn vị giải ngân đạt trên 70%, 4 đơn vị có tỷ lệ từ 50% đến dưới 70%; 1 đơn vị dưới 40%...