Góp phần bảo tồn truyền thống
Kho tàng nghệ thuật âm nhạc dân gian Việt Nam có nhiều loại hình như hát chèo, hát dô, quan họ..., nhưng phần lớn là những loại hình diễn xướng không chuyên. Riêng hát xẩm là một nghề mưu sinh. Trong quan niệm của tất cả những người hát xẩm, nghề hát có tổ và tương truyền, nghề hát xẩm ra đời vào thời nhà Trần, cách đây hơn 700 năm.
Dân gian truyền tụng một câu chuyện về hoàng tử Trần Quốc Ðĩnh - con trai vua Trần Thánh Tông. Một lần nhà vua thử tài Trần Quốc Ðĩnh và người em bằng cách để hai người vào rừng tìm ngọc quý, người nào tìm được sẽ trọng thưởng. Trần Quốc Ðĩnh tìm được ngọc quý, nhưng chàng bị người em chọc mù mắt rồi đoạt lấy ngọc. Trần Quốc Ðĩnh tuy không nhìn thấy gì nhưng chàng đã tự mày mò chế tác ra cây đàn bằng một ống tre dài, có cần mềm để nắn tiếng, chỉnh âm. Lại có dây xe bằng vỏ cây để tạo thành tiếng nhạc. Rồi Quốc Ðĩnh tự soạn ra những bài thơ để hát, để kể tâm tình của mình... Quốc Ðĩnh thường đến nơi bến sông, bãi chợ, sân đình để hát. Người dân ai cũng lấy làm thương cảm cho chàng trai trẻ tài hoa, tiếng đàn, tiếng hát rất ngọt ngào. Tin về tài nghệ của chàng bay đến tai vua. Chàng được mời vào cung trình diễn cho vua. Khi chàng đến nơi, cả vua tôi nhà Trần đều kinh ngạc nhận ra vị hoàng tử đã bị mất tích năm nào...
Lưu lạc trong nhân gian, thấu hiểu nỗi khổ cực của những người thất cơ lỡ vận, Quốc Ðĩnh ra sức dạy mọi người đàn hát, vừa để quên đi nỗi buồn, vừa có thể mưu sinh. Ông được tôn làm ông tổ của nghề hát xẩm. Cứ vào 22 tháng hai âm lịch (ngày Trần Quốc Ðĩnh được giải mọi oan khuất), tất cả những người hát xẩm lại sửa lễ tạ ơn ông tổ. Nếu không có điều kiện thì lễ tổ chức vào 22 tháng tám.
Từ năm 2005, sau nhiều năm rơi vào quên lãng, Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã phục hồi và đưa loại hình nghệ thuật hát xẩm trở lại với đời sống của nhân dân Thủ đô. Cùng với việc khôi phục nghệ thuật hát xẩm, bắt đầu từ năm 2008, Trung tâm khôi phục lễ Giỗ tổ nghề.
Lễ Giỗ tổ xuân 2009 diễn ra nghiêm trang với lễ dâng bản văn thờ, lễ dâng hương lên tổ tiên và đầm ấm với các phần biểu diễn giao lưu hát xẩm của các nghệ nhân. Tại lễ Giỗ tổ, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Khang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc, cho biết: "Mặc dù ngày Giỗ tổ nghề chỉ là truyền thuyết, nhưng nó đã tồn tại nhiều đời trong tâm thức dân gian. Giỗ tổ là niềm tự hào với người hát xẩm, việc khôi phục lễ Giổ tổ là để tôn vinh, cũng là tạo điểm tựa để các phường xẩm vươn lên trước những khó khăn".
Hiểu thêm về xẩm "đặc trưng" của Hà Nội
Trong lễ Giỗ tổ, chúng tôi có dịp gặp gỡ Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch, nhạc sĩ Văn Ty, nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa..., những người đã dành nhiều tâm huyết trong việc khôi phục hát xẩm. Nói về "đặc sản" của Hà Nội, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa khẳng định: "Mỗi địa phương hát xẩm theo một phong cách khác nhau, riêng Hà Nội, đặc sản của Thủ đô là xẩm tàu điện, vì Hà Nội là nơi duy nhất có tàu điện".
Tuy chung một gốc, nhưng xẩm tàu điện là một nét riêng của đất Hà thành. Những nghệ nhân xẩm thường chọn chỗ đông người như bến sông, bãi chợ... để "mua vui cho đời". Nhưng dưới thời Pháp thuộc, khi những chiếc tàu điện xuất hiện, Hà Nội có một nơi đông người có thể hát để mưu sinh - bến tàu điện và trên tàu điện. Thị hiếu dân thành thị, thị hiếu của người đi tàu điện cũng khác thị hiếu dân quê, thị hiếu dân chợ... Những người hát xẩm vì thế đã cho ra đời một loại hình xẩm mới - xẩm tàu điện. Xẩm tàu tiện là "em út" trong những làn điệu của xẩm Việt Nam.
Năm 2005, tại Liên hoan Tiếng hát dân ca toàn quốc, xẩm tàu điện đã được giới thiệu như một đặc trưng của Hà Nội. Người đã mang xẩm tàu điện đến với liên hoan là nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, một giọng ca trẻ trong làng xẩm Hà Nội.
Trước năm 1945 chính là thời kỳ phát triển đỉnh cao của xẩm tàu điện. Những nghệ nhân đã "chế" các bài thơ được ưa chuộng thời bấy giờ thành các bài hát xẩm. Ðặc biệt trong số đó là thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải và Nguyễn Bính. Những bài như "Trăng sáng vườn chè", "Lỡ bước sang ngang"... cùng với những giọng ca da diết của nghệ nhân xẩm từng làm mê đắm lòng người.
Từ năm 2006, Ban Quản lý chợ đêm Hà Nội đã phối hợp Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam tổ chức biểu diễn hát xẩm vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần tại chợ Ðồng Xuân. Kể từ đó, xẩm tàu điện bắt đầu được sống lại trong lòng người dân Thủ đô, bởi đây chính là những làn điệu xẩm được trình diễn nhiều nhất, được công chúng Thủ đô đón nhận nồng nhiệt nhất tại các buổi biểu diễn.
Chiếu xẩm chợ Ðồng Xuân là nơi duy nhất trên cả nước tổ chức biểu diễn hát xẩm thường xuyên. Kinh phí mỗi buổi Ban Quản lý chợ đêm chi cho cả nhóm hát xẩm thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam là ba triệu đồng - số tiền chỉ đủ để mọi người chi phí cho trang âm và xăng xe. Cho đến giờ, như nhạc sĩ Thao Giang tâm sự, tất cả mọi người vẫn nhiệt tình, bởi tình yêu, bởi khát khao để hát xẩm có mặt trong đời sống cộng đồng.
Những nghệ sĩ hát xẩm luôn mong muốn không gian xẩm Hà Nội được mở rộng. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa tâm sự: "Hà Nội là thành phố ngàn năm tuổi, có nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng mà hiện chỉ có một chiếu xẩm ở chợ Ðồng Xuân hoạt động thường xuyên là quá ít. Một số không gian truyền thống của phố cổ Hà Nội như đền Bà Kiệu, đền Bạch Mã..., có thể tổ chức thêm những không gian biểu diễn phối hợp một số loại hình nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, hát văn,... Tất nhiên vấn đề này liên quan đến kinh phí, nhưng nếu tổ chức tốt, sẽ góp phần thu hút khách du lịch".
Ðến giờ, Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã dạy hát xẩm miễn phí cho khoảng 200 người, khoảng 10 người trong số đó được coi là có thể tiếp bước các nghệ sĩ lớp trước. Và họ, chưa ai kiếm tiền được bằng hát xẩm, chỉ đến với xẩm bằng niềm đam mê.