Hành trình qua những ga nhỏ

Sự phát triển của hàng không và xe khách trong những năm gần đây khiến việc di chuyển bằng đường sắt, một loại hình di chuyển phổ biến trước đây, ít được chú ý hơn.

Ga Hải Phòng vẫn còn lưu giữ những nét kiến trúc độc đáo.
Ga Hải Phòng vẫn còn lưu giữ những nét kiến trúc độc đáo.

Thế nhưng, có trải qua cảm giác “sống chậm” trên một chuyến tàu ngắn từ Hà Nội đến Hải Phòng và ngược lại, chúng ta mới cảm nhận được rất nhiều điều thú vị mà di chuyển bằng các phương tiện khác khó mang lại trong suốt quãng đường 102 km.

Trái với suy nghĩ ban đầu là mọi người chỉ đi Hải Phòng vào dịp hè để tắm biển và nghỉ dưỡng, lúc tôi bước vào phòng chờ của nhà ga đã có khoảng vài chục người khách ngồi đó. Tôi đã đặt vé online trước ba ngày để được giảm một nửa giá vé theo chương trình khuyến mại của đường sắt Việt Nam nhằm kích cầu du lịch trong trạng thái bình thường mới, nhưng đối với tuyến đường ngắn như thế này, chúng ta vẫn có thể mua vé trong ngày hoặc sát giờ mà không lo hết chỗ. Quả thật, như tôi thấy thì phần nhiều bạn trẻ ra đó mới mua vé, có thể vì họ đã đi nhiều lần và cũng vì đều là sinh viên nên họ nghiễm nhiên được giảm giá
.
Tuy vậy, trừ số ít trở về nhà, phần lớn họ sẽ đi tới cuối hành trình ở Hải Phòng như những vị khách du lịch.

Đoàn tàu ký ức

Chắc nhiều người sẽ tự hỏi rằng, đã đi du lịch sao không đi ô-tô hay máy bay cho thoải mái và nhanh hơn thì giá vé tàu hoả chắc chắn là một lợi thế khi lựa chọn. Chỉ bằng giá vé xe buýt đi từ trung tâm Hà Nội ra sân bay Nội Bài là 35.000 đồng hay bằng một phần ba so với giá vé xe limousine khi chưa khuyến mại, ý nghĩ sẽ được check in ở hai trong số những nhà ga được xây dựng từ trước năm 1945 là Ga Long Biên và Ga Hải Phòng với kiến trúc đẹp là quá đủ để thu hút nhiều bạn trẻ chọn đi tàu mà không phải là các phương tiện khác.

Thêm nữa, tàu đi Hà Nội-Hải Phòng là một trong số ít tuyến cho phép hành khách mang theo xe máy lên tàu (bên cạnh tuyến Hà Nội-Lào Cai và Sài Gòn-Phan Thiết), để rồi khi tàu dừng ở bất cứ đâu trong hành trình như Cẩm Giàng, Hải Dương hay Phú Thái, họ đều có thể đưa xe máy xuống và di chuyển thuận tiện. Riêng ở Hải Phòng, họ sẽ không phải thuê xe máy để đi lại trong thành phố hay ra Ðồ Sơn hoặc Cát Bà. Rất tiếc là tôi chỉ được biết những điều này sau khi đã trải nghiệm cả hành trình, bắt đầu từ 9 giờ 28 phút ở Ga Long Biên mà không phải là Ga Hà Nội như thường lệ.

Ðược xây dựng từ năm 1902, Ga Long Biên còn có tên gọi là Ga Ðầu Cầu do chỉ nằm cách cầu Long Biên vài mét. Với một đường ray, không có các làn ray phụ, nó có vẻ không giống với một nhà ga mà là một trạm dừng để đón, trả khách hay hàng hóa tại khu vực phố cổ Hà Nội. Cũng chính vì thế, nhìn ga rất nhỏ, nếu không muốn nói những đầu máy diesel càng khiến nhà ga trông nhỏ hơn. Tuy vậy, nếu đã đến phố cổ Hà Nội thì không thể không đến Ga Long Biên và thực tế chỉ mất một quãng đi bộ nếu chúng ta tranh thủ ngắm nhìn những con phố chật hẹp trong lúc chờ tàu.

Như đã nêu trên, Ga Long Biên nằm ngay đầu cầu Long Biên nổi tiếng bắc qua sông Hồng. Vì thế, còn gì tuyệt vời hơn khi được ngắm nhìn sông Hồng vào sáng sớm hoặc hoàng hôn trong hành trình, hay những bãi bồi đầy chuối, đầy ngô, đầy lau khi con tàu lắc lư, lăn bánh từ từ qua cầu.

Hành trình qua những ga nhỏ -0

Nhiều bạn trẻ lựa chọn đường sắt Hà Nội-Hải Phòng trên hành trình du lịch duyên hải Đông Bắc.

Cảm giác đó khiến tôi vơi đi nỗi lo cây cầu do hãng Dayde & Pille thiết kế từ năm 1902 giờ đã quá cũ kỹ, lại bị hư hỏng trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đang phải gồng lên chịu đựng sức nặng mấy trăm tấn của đoàn tàu và bù đắp cho những gì tôi phải thấy sau đó. Ðấy là khi tàu chạy trong thành phố chẳng có gì cho hành khách ngắm nhìn ngoài mặt sau đơn điệu và nhàm chán của nhà cửa, phố xá. Bởi những điều đẹp đẽ là mặt trước nhà thì thường quay ra đường chính, còn mặt sau dành cho đường tàu.

Ngẫm lại thì về mặt cảnh quan, tuyến Hà Nội-Hải Phòng không phải là một trong những tuyến đường sắt đẹp của Việt Nam và cũng không nằm trong tuyến đường sắt bắc-nam chính. Tìm hiểu lịch sử thì ban đầu, tuyến này là một phần của tuyến đường sắt Vân Nam-Hải Phòng do Pháp xây dựng từ năm 1904-1910. Và do Hải Phòng là cảng biển gần Hà Nội nhất nên đây luôn là một điểm giao thương quan trọng, vì thế, nó đã trở thành một hành trình thú vị giữa thành phố Thủ đô và cảng chính của miền bắc. Chính những điều này dễ làm tôi quên đi rằng, ngoài việc chạy chậm và rung lắc, vốn là đặc trưng của các hành trình đường sắt ở miền bắc, tàu rất ồn do đoàn tàu chỉ có từ sáu đến tám toa.

Thêm nữa, với địa hình tương đối dễ và quãng đường vỏn vẹn 102 km, di chuyển bằng đường sắt từ Hà Nội tới Hải Phòng cũng mất tới 2 giờ 40 phút, tính ra tốc độ trung bình của tàu chỉ khoảng 40km/giờ. Tuy nhiên, do chạy chậm, tôi lại có thời gian để quan sát kỹ hơn khung cảnh và cuộc sống của người dân hai bên đường. Ðúng là trừ những lúc dừng lại tại các ga nhỏ thì cứ nghĩ dọc đường chỉ có nhà cửa, một phần của vành đai công nghiệp rộng lớn kéo dài từ Hà Nội đến Hải Phòng, qua Hưng Yên và Hải Dương, với các phân xưởng và nhà máy, tôi vẫn bắt gặp nhiều điểm dừng mát mắt là những cánh đồng lúa rộng lớn, thường xuyên bị chia cắt bởi những con đê đất và kênh tưới tiêu.

Dĩ nhiên, vì hầu hết hành trình là bằng phẳng, không gian có chút nông thôn, nông nghiệp đó rồi sẽ nhanh biến mất vào những khu nhà bê-tông và nhà máy. Khung cảnh này làm tôi nhớ đến hình ảnh trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, khi Liên và An dọn về phố huyện thì nhớ Hà Nội, “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn ánh sáng đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”...

Điểm cuối thú vị

Nếu tính điểm đầu là Ga Hà Nội và điểm cuối là Ga Hải Phòng thì tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng có rất nhiều ga. Tuy vậy, do tôi xuất phát từ Ga Long Biên, tàu hiện chỉ dừng đỗ, đón trả khách ở các ga như: Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái, Thượng Lý trước khi kết thúc tại Hải Phòng. Tính ra, với mỗi chặng dừng mất 5-7 phút, hành trình 2 giờ 40 phút từ Hà Nội đi đã mất khoảng 30 phút dừng. Sau tiếng loa báo trên tàu do không có bảng điện tử báo ga đến, mỗi lần dừng trong vỏn vẹn vài phút như vậy chỉ đủ để khách lên xuống hoặc nhân viên đường sắt chuyển đồ cho họ. Nghĩa là nếu khách không dừng hẳn ở ga đó, họ sẽ không có cơ hội tìm hiểu thông tin về ga này ngoài hình ảnh một tòa nhà cũ với những dòng chữ tên của nhà ga. Họ chỉ có thể ngắm nhìn mọi thứ từ bên trong toa trong những lần tàu dừng đỗ ở các ga nhỏ, người lên người xuống lặng lẽ như hình ảnh người gác ghi cô đơn bên đường ray mỗi khi tàu vụt qua.

Thế nên, đi trên tuyến đường sắt có hơn trăm năm lịch sử này, muốn biết cặn kẽ những câu chuyện đã qua thật không dễ, như việc Ga Cẩm Giàng rất gần trại Cẩm Giàng của dòng họ Nguyễn Tường. Vợ chồng ông Nguyễn Tường Như, Lê Thị Sâm có bảy người con, sáu trai, một gái thì ba người trở thành những nhà văn nổi tiếng: Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Thạch Lam và chính ba anh em họ Nguyễn Tường này là những người sáng lập và trụ cột của một phong trào văn học nổi tiếng một thời: Tự lực văn đoàn. Hay theo cuốn Nguyễn Bính-thi sĩ của người thương do Hoài Việt sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1990, Ga Ðầu Cầu hay Ga Long Biên chính là thi hướng để Nguyễn Bính viết bài thơ Những bóng người trên sân ga năm 1937.

Với những câu thơ chỉ viết về các cuộc chia tay như: Những cuộc chia lìa khởi từ đây/Cây đàn sum họp đứt từng dây/Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc/Lần lượt theo nhau suốt tối ngày hay Những chiếc khăn màu thổn thức bay/Những bàn tay vẫy những bàn tay/Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt/Buồn ở đâu hơn ở chốn này?, năm 2007, bài thơ được bình chọn là một trong 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 trong cuộc bình chọn do Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức.

Tuy vậy, nếu những chuyến tàu vẫn luôn được ví như cây cầu nối quá khứ và hiện tại thì mỗi chuyến tàu, mỗi sân ga sẽ luôn lưu dấu những ký ức đặc biệt trong cuộc đời của mỗi người hay mỗi sự kiện lịch sử của địa phương, của đất nước. Chưa kể, các ga nhỏ như Long Biên, Cẩm Giàng, Hải Dương, hay Phú Thái đều là những mắt lưới quan trọng trong mạng lưới đường sắt Việt Nam nhờ vai trò địa lý, nhiệm vụ trong vận chuyển hàng hóa, hành khách và vì thế, chúng cũng bị khóa vào nhịp điệu công nghiệp chung: các chuyến tàu đến, đi đều phải chính xác theo khung thời gian biểu, quan hệ đến tổng thể.

Và đành rằng, ngày nay chúng ta di chuyển bằng ô-tô, xe khách, máy bay nhiều hơn thì những nhà ga, những toa tàu, những đường ray đó, dù cũ kỹ và chậm thay đổi theo thời gian, vẫn như là nhân chứng lịch sử nhắc nhở tất cả về một thời hoàng kim của ngành đường sắt. Thực tế là ở rất nhiều địa điểm trên cả nước, khách du lịch vẫn thường ghé thăm những nhà ga cũ để check in, như thể chỉ cần có mặt tại đó, tất cả sẽ biết ngay họ đang ở đâu. Chẳng đâu xa, khi đứng chờ tàu, tôi đã được một cặp vợ chồng trẻ và hai cô con gái nhỏ đi xe ô-tô riêng từ Hà Nội nhờ chụp cho bức ảnh bên ngoài Ga Hải Phòng, trước khi cả nhà lên đường ra Cát Bà.

Phải thừa nhận, Ga Hải Phòng là một trong số ít các nhà ga in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp còn lại ở Việt Nam, bên cạnh những ga tại Huế (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Ðà Lạt (Lâm Ðồng). Dĩ nhiên, ký ức đi tàu thời bao cấp những năm 1980 hoặc xa hơn như một cuốn phim quay chậm sẽ hiện về rõ hơn với nhiều người khi đến đây nhưng nếu nhìn tấm biển đồng treo trước cửa ga, trên đấy có dòng chữ như “Ngày 21-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xe lửa về Thủ đô Hà Nội, sau khi Người thăm nước Pháp trở về Tổ quốc, dừng chân tại thành phố Hải Phòng…”, mấy ai biết rằng, ngày 21/10 đó đã trở thành Ngày truyền thống của ngành đường sắt Việt Nam.

Tuy vậy, tôi, cũng như nhiều bạn trẻ đi trên chuyến tàu LP3, không chỉ đến Hải Phòng chỉ để chụp một tấm hình ở nhà ga hay gợi lại ký ức của đoàn tàu hơn trăm năm tuổi mà còn muốn tìm kiếm những điều thú vị khác tại thành phố cảng trong một ngày cuối đông. Không phải vô cớ mà cụm từ “Food tour” (du lịch ẩm thực) đã được nhắc đến nhiều trong vài năm qua mỗi khi ai đó đến và thử trải nghiệm ẩm thực mang màu sắc rất đặc trưng của Hải Phòng.

Hay tất cả đều muốn đi trên con đê chắn sóng, chắn cát dài nhất Việt Nam ở Cát Hải, cây cầu vượt biển dài nhất Tân Vũ Lạch Huyện, mua sắm ở trung tâm thương mại lớn nhất miền bắc là Aeon Mall Lê Chân, khám phá ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam ở đảo Hòn Dấu hay chỉ đơn giản là leo lên núi Phù Liễn, nơi đặt đài khí tượng lâu đời nhất Việt Nam, để phóng tầm mắt ra toàn quận Kiến An và thành phố, cũng như cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ của “góc Ðà Lạt nhỏ” này...

Hiện nay, tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được đánh giá là một trong những tuyến đường bộ đẹp và hiện đại nhất Việt Nam, thế nhưng nếu có dịp, tôi vẫn sẽ chọn trở lại Hải Phòng bằng tàu hỏa và từ Ga Long Biên, không chỉ là hồi tưởng lại bao cuộc gặp gỡ, bao câu chuyện được sẻ chia trong cuộc đời. Nói như nhà thơ Vũ Quần Phương trong bài thơ “Ghi khi chợt thức” thì Mỗi con người-một chuyến tàu đi/mà cuộc đời bao nơi bẻ ghi ■

Bài và ảnh: MẠNH HÀO