<p>Phóng sự dự thi</p>

Hành trình chè Suối Giàng

NDO - Từ trung tâm huyện Văn Chấn (Yên Bái) vượt qua những đồi dốc quanh co lên đến độ cao hơn 1.000 m, Suối Giàng hiện ra mờ ảo giữa màn sương giăng với bạt ngàn chè xanh trải từ những sườn đồi lên tận đỉnh núi ở lưng chừng trời. Ai đã đến Suối Giàng thưởng thức chén chè tuyết thì không thể quên hương vị chè độc đáo nơi đây.

Vùng chè huyền thoại

Tại trụ sở UBND xã Suối Giàng ở độ cao 1.371 m, phóng tầm mắt chỉ thấy toàn là chè. Chè ở trong sân. Chè ở trong vườn. Chè dưới sườn đồi và chè leo lên tận đỉnh núi cao. Dựa trên số liệu kiểm đếm năm 1986, toàn bộ tám thôn của xã Suối Giàng có 84 nghìn gốc chè cổ thụ. Theo anh Vàng A Chảng, cán bộ văn phòng của xã đi thăm rừng chè, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp sừng sững của vùng chè cổ thụ độc đáo. Nhiều lắm những cây chè to hơn một vòng tay người ôm, cành lá xum suê, những "cánh tay" chè như vặn mình sải ra ôm lấy tầng lá xanh mướt, rêu xanh mốc meo phủ đầy quấn quanh lớp vỏ. Ðến bên gốc chè có thế rất "độc", thân hình gồ ghề hằn vết tích thời gian vững chãi, hiên ngang đứng giữa đất trời, ngước mắt nhìn vòm lá, không cần anh Chảng giới thiệu tôi ngầm đoán đây đích thị là cây chè tổ. Dưới gốc chè này, hằng năm, đầu mùa xuân, người dân làm lễ cúng để ghi nhớ ơn "cụ chè" đã ban cho bà con cuộc sống no đủ. Tuổi thơ của anh Chảng cũng như nhiều người con nơi đây đã trưởng thành cùng với nghi lễ thiêng liêng này.

Mải mê chiêm ngưỡng và Ủy ban xã đã chập choạng tối. Trời bắt đầu mưa. Những hạt mưa to dần rơi lộp bộp trên mái nhà lợp bằng gỗ pơ mu khiến không gian càng thêm tĩnh mịch. Anh Chảng nhanh tay pha một ấm chè, hương chè ngào ngạt thôi thúc bàn chân chúng tôi đi thâu đêm mưa, di chuyển hết nhà già làng này đến nhà trưởng bản khác để nghe những câu chuyện từ bao đời nay của người Mông trên mảnh đất này. Suối Giàng ngày xưa là khu rừng nguyên sinh rộng lớn quanh năm mây phủ sương giăng. Khoảng thế kỷ 17, người Mông ở Hà Giang, Lào Cai di cư xuống đây phát nương làm rẫy, lập bản, lập làng. Không ai biết cây chè có từ khi nào, chỉ biết từ thuở đồng bào Mông đến đây khai phá đã thấy vùng đất này dày đặc cây chè cổ thụ.

Anh Giàng A Tếnh (người có 30 năm làm cán bộ xã Suối Giàng, trong đó có hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch và hai nhiệm kỳ làm Bí thư, nay là Phó trưởng ban Dân vận huyện Văn Chấn) kể: Ðến những năm 70 của thế kỷ trước, trong hành trình đi tìm nguồn gốc cây chè trên khắp thế giới, một viện sĩ người Nga đã đến Suối Giàng xin cắt cành chè của gia đình ông Sùng Tùng Sây để nghiên cứu và cho biết cây chè đã được hơn 500 năm tuổi. Dựa vào thuyết tiến hóa, nhà khoa học này khẳng định, chè Suối Giàng là một trong những nơi phát tích của cây chè thế giới, sau đó mới lan rộng ra các vùng khác. Rồi khoảng năm 1986-1987, có một đoàn các nhà khoa học Nhật Bản lên Suối Giàng nghiên cứu văn hóa người Mông cũng xin cắt một cành chè để tính tuổi cây và đánh giá cây chè ở đây không dưới 300 năm tuổi, họ cho biết cây chè 100 năm tuổi ở Nhật Bản chỉ to bằng cái bát con. Cùng những cây chè cổ thụ gân guốc nhiều chi, nhiều nhánh với dáng, thế độc đáo như bon sai. Gần đây, người dân địa phương phát hiện ra một rừng chè mọc xen lẫn trong khu rừng nguyên sinh tận trên đỉnh núi. Cây chè trong khu rừng có đường kính từ 40 đến 50 cm, vươn mình cao vút bên những cây rừng khác để đón ánh sáng mặt trời. Ðiều đó minh chứng thêm cho sự có mặt từ rất lâu đời của cây chè trên vùng đất này.

Thăng trầm "số phận" chè Suối Giàng

Bằng kinh nghiệm sống giữa núi rừng, người Mông phát hiện ra những cây cổ thụ có lá đắng chát, hái về nấu nước uống cũng chữa được một số bệnh, từ đó loại cây này có tên là thuốc chát, theo tiếng Mông là "chùa dề". Ðầu thế kỷ 20, người Pháp phát hiện ra cây thuốc của người Mông chính là cây chè. Họ lấy bạc trắng đổi lấy chè. Rẫy nhà nào có nhiều chè thì đổi được nhiều bạc trắng, mua được nhiều trâu, trở nên giàu có. Cây chè được chú ý chăm sóc, người lớn tuổi khuyên con cháu trồng chè. Cách trồng chè của người Mông ở Suối Giàng rất đơn giản. Họ bổ một nhát cuốc xuống đất và bỏ hạt chè vào, thế là xong. Anh Giàng A Tếnh nói vui rằng: Cây chè Suối Giàng làm như trò chơi nhưng sản phẩm tuyệt vời như trời cho.

Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam, giá trị kinh tế của cây chè gần như không còn. Bẵng đi một thời gian dài, ngày 15-7-1961, Anh hùng "thương nghiệp" Nguyễn Tấn Anh cùng đoàn cán bộ thương nghiệp Trung ương về thăm Suối Giàng, nơi có rừng chè cổ. Rồi ngày 9-9-1962, Suối Giàng vinh dự đón đồng chí Phạm Hùng, lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Nội thương Nguyễn Thanh Bình về thăm. Từ những "chuyến thăm lịch sử" này của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước mà đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 đã hình thành tại nơi đây một xí nghiệp chè, ban đầu trực thuộc Xí nghiệp chè Hương, tỉnh Nghĩa Lộ. Ðến khoảng năm 1993-1994, xí nghiệp này thuộc Công ty chè Yên Ninh có trụ sở tại tỉnh Yên Bái. Khoảng năm 2003, Công ty chè Yên Ninh giải thể, xí nghiệp đổi tên thành Công ty chè đặc sản Nghĩa Lộ, năm 2005 lại giải thể một lần nữa và sáp nhập vào Công ty chè Văn Hưng. Từ đây Suối Giàng mất thương hiệu chè đặc sản. Thêm vào đó, những cây chè to bằng một, hai người ôm đang có nguy cơ hủy diệt vì mối. Mỗi năm người dân phải chứng kiến cảnh vài chục cây chè bị đốn làm củi. Chúng tôi đi một vòng từ thôn Pang Cáng đến Tập Lăng sang Giàng A, Giàng B... đâu đâu cũng thấy cây chè bị mối ăn chết dần chết mòn. Nhiều cây chè đồ sộ bây giờ chỉ còn lại một nhánh nhỏ với vài chục lá, có cây chết khô, trơ cành chưa ai đốn, có những chỗ chỉ còn dấu tích của gốc chè. Cây chè to bằng hai vòng tay người ôm mà sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Ðồng chụp ảnh lưu niệm bây giờ chỉ còn trong ký ức. Chúng tôi thử bóc vài chỗ có dấu hiệu bị mối ăn trên thân cây chè thì thấy bên trong cả ổ mối đang "miệt mài" gặm nhấm. Bí thư Ðảng ủy xã Giàng A Ðằng cho biết: Chi cục Bảo vệ thực vật huyện đã nhiều lần về giúp xã diệt mối. Nhưng đến nay, theo khảo sát, kết quả vẫn chưa cao. Từ 84 nghìn cây chè cổ thụ, ước tính chỉ còn khoảng 70 nghìn cây. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì chỉ sáu, bảy năm nữa thôi, có thể cả một vùng chè cổ thụ sẽ không còn. Cây chè chết nhiều, giá cả không ổn định làm cho người dân ít quan tâm chăm sóc. Việc sao sấy thủ công theo kiểu mạnh ai nấy làm cũng khiến chất lượng chè giảm sút, số phận cây chè càng long đong.

Mơ về một thương hiệu bền vững

Chè Suối Giàng búp to, bên ngoài của búp non được bao phủ bởi lớp lông tơ trắng nên gọi là chè tuyết. So với chè tuyết của một số nơi khác, chè ở đây có búp, cọng, lá to hơn, dày hơn. Có cây lá chè to bằng bàn tay. Theo những người sành chè, xét tổng thể chè Suối Giàng có nhiều điểm khác với một số loại chè nổi tiếng trên thị trường. Nhiều loại chè, khi pha rót ra chén có mầu xanh vàng (xanh là chủ đạo), hương thơm nồng nàn nhưng vị ngọt không đọng lại lâu ở đầu lưỡi, mỗi ấm chè cũng chỉ pha được ba lần nước. Còn nước chè Suối Giàng khi pha rót ra chén có mầu vàng sóng sánh như mật ong, hương thơm chỉ thoảng nhẹ nhưng vị thì chẳng loại chè nào sánh được. Tôi nhấp thử ngụm chè, cảm nhận được chất chè đọng lại vừa đắng vừa chát nhưng dư vị của nó ngọt rất hậu. Anh Giàng A Tếnh khẳng định, uống chén chè ở Suối Giàng về đến TP Yên Bái nhấp miệng vẫn còn thấy vị ngọt. Ðặc biệt, mỗi ấm chè pha được từ bốn đến năm lần nước vẫn chưa nhạt.

Ðể hiểu thêm cách làm chè truyền thống của đồng bào Mông, chúng tôi tìm đến cụ Giàng A Lữ, 78 tuổi, nghệ nhân sao chè nổi tiếng ở Suối Giàng. Bên chén chè nóng buổi sớm, cụ Lữ kể: Ngày xưa làm chè hoàn toàn thủ công, vì vậy chè ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm. Khi sao chè, nếu quá lửa sẽ bị nổ, nước chè đỏ, mùi không thơm, vị đắng, không ngọt. Nếu yếu lửa, chè có mùi hăng hắc của búp chè sống. Người có kinh nghiệm mấy chục năm vẫn không dám nói chắc rằng làm mẻ chè nào cũng thành công. Anh Nguyễn Mạnh Bình, người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm chè ở Suối Giàng chia sẻ: Muốn có chè ngon thì sau khi hái phải đưa vào chế biến ngay, càng sớm càng tốt. Trước hết búp chè tươi được đưa vào diệt men, công đoạn này quyết định mầu sắc của nước chè vàng hay đỏ. Bước kế tiếp, đưa chè vào máy vò làm dập tế bào, làm cho chất nhựa được thoát ra vừa đủ, tạo nên vị chè độc đáo. Cuối cùng làm khô để dậy hương chè. Chỉ ba công đoạn tưởng chừng đơn giản nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào bàn tay kinh nghiệm của con người. Chè đặc sản không thể sản xuất theo dây chuyền hoàn toàn từ hái đến chế biến và đóng gói sản phẩm. Búp chè to, lá dày, không thể diệt men như chè ở vùng trung du. Nếu là chè đầu vụ hay chè sau đêm mưa, thời gian diệt men cũng lâu hơn vì lá dày và mọng nước. Bằng kinh nghiệm nhìn, sờ, ngửi kết hợp với máy móc người làm chè mới cho ra được loại chè hảo hạng nhất.

Hiện nay ở Suối Giàng có loại chè một tôm (làm từ búp non duy nhất), giá bán hơn một triệu đồng/kg. Loại chè này trông rất bắt mắt vì còn nguyên búp, không bị nát, khách phương xa đến rất thích mua làm quà biếu cho nên có người gọi vui là chè hai không: Người mua không được uống, người uống không tốn tiền mua. Trao đổi với chúng tôi về cách làm "sáng tạo" này, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Trần Văn Mộc cho biết: Chè một tôm chỉ có vị ngọt vì lá non chưa hấp thụ đầy đủ khí trời, chưa tổng hợp được các khoáng chất. Chè ngon phải là chè một tôm, hai lá. Cái ngọt của tôm cộng với cái đắng chát của lá mới tạo nên hương vị đặc trưng của chè. Nếu làm chè theo kiểu chỉ lấy một búp non thì sau ba vụ cây chè sẽ bị thoái hóa, lụi dần. Hiện nay, chủ trương của huyện là không khuyến khích làm chè một tôm.

Vài năm trước, khi xí nghiệp chè ở Suối Giàng hoạt động không ổn định, việc thu mua chè nguyên liệu của người dân lúc nhiều lúc ít cũng là thời cơ cho tư thương nhảy vào ép giá. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã đã nhìn thấy vấn đề sống còn, muốn giữ được cây chè phải có nơi thu mua chè ổn định cho bà con. Từ đó Hợp tác xã (HTX) chè Suối Giàng ra đời. Chị Lâm Thị Kim Thoa, Chủ nhiệm HTX tâm sự: Những ngày đầu, chúng tôi đem sản phẩm chè mang thương hiệu Tuyết Sơn Trà do HTX sản xuất đi giới thiệu nhưng đến đâu cũng nhận được những cái lắc đầu. Bị từ chối, chúng tôi lấy chè mang theo pha nước mời họ uống thử. Họ tấm tắc khen chè ngon nhưng vẫn không tin là chè Suối Giàng. Chúng tôi phải giải thích để họ hiểu. Bây giờ chè làm ra đến đâu bán hết đến đó. Có khi chè chưa kịp sản xuất, nhiều khách hàng ở Hà Nội đã gọi điện thoại đặt hàng trước cả năm. Trong cuộc thi "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2012", thương hiệu Tuyết Sơn Trà của HTX chè Suối Giàng đã đoạt giải nhất. Với Tuyết Sơn Trà, chè Suối Giàng đã và đang lấy lại được uy tín, niềm tin của người tiêu dùng, từng bước khẳng định vị trí "thánh địa chè Việt" của mình dù con đường phía trước vẫn còn bộn bề khó khăn. Nhưng từ trong sâu thẳm, những người tâm huyết với cây chè luôn mơ về một thương hiệu nổi tiếng mang hình ảnh cây chè cổ thụ Suối Giàng.