Hàng trăm hồ, đập ở Đắk Lắk bị hư hỏng nặng

NDO -

Nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập, công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2020 đang đến gần, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk vừa tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ, đập, công trình thủy lợi trên địa bàn. Qua đó, phát hiện hàng loạt hồ, đập, công trình thủy lợi tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuống cấp, hư hỏng nặng, mất an toàn. 

Tràn xả lũ một hồ chứa nước ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk bị hư hỏng trong nhiều năm qua chưa được sửa chữa.
Tràn xả lũ một hồ chứa nước ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk bị hư hỏng trong nhiều năm qua chưa được sửa chữa.

Trên cơ sở rà soát, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo với Tổng cục thủy lợi, Bộ NN&PTNT cấp kinh phí để sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và hàng nghìn ha cây trồng trong mùa mưa, lũ sắp đến.

Hàng loạt công trình hư hỏng, xuống cấp

Theo rà soát của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 782 hồ, đập, công trình thủy lợi, nhiều nhất vùng Tây Nguyên, gồm 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước, với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3.

Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp và mưa, lũ xảy ra bất thường ở Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong những năm gần đây thì vai trò của các hồ, đập, công trình thủy trong việc điều tiết lũ càng có ý nghĩa quan trọng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát thực địa của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, đã phát hiện hàng trăm công trình hư hỏng, xuống cấp.

Cụ thể, về đập có 43 đập bị thấm nước, trong đó có 17 đập thấm nặng và 26 đập thấm nhẹ; có 63 đập bị sạt lở mái thượng và 62 đập bị sạt lở hạ lưu. Đáng chú ý trong mùa mưa lũ năm 2019 có ba đập bị hư hỏng nặng đến nay vẫn chưa được sửa chữa, gồm: hồ Đội 6, huyện Ea Súp, nước tràn qua đỉnh đập làm hư hỏng mặt đập, gờ chắn bánh hạ lưu và sạt lở nặng mái đập hạ; hồ Ea Tlá 1, huyện Cư Kuin bị xói lở đuôi tràn và không thoát kịp nên nước gần tràn qua đỉnh đập, uy hiếp thân đập; hồ 201, TP Buôn Ma Thuột nước mấp mé đỉnh đập làm sạt lở mái thượng lưu và có nguy cơ gây vỡ đập do tràn xả lũ không thoát nước kịp…

Về tràn xả lũ, toàn tỉnh có đến 248 tràn xả lũ chưa được gia cố bằng bê-tông hoặc đá xây; 61 thân tràn bị hư hỏng, trong đó có 28 thân tràn bị hư hỏng nặng và 33 thân tràn bị hư hỏng nhẹ; 29 tràn bị xói lở đuôi tràn, tiêu năng, trong đó có ba tràn bị xói lở nặng; có 51 tràn thiếu khả năng tháo lũ…

Cũng qua kiểm tra cho thấy, trong số các cống lấy nước thì có đến 26 cống bị hư hỏng, trong đó có chín cống hư hỏng thân cống, sáu cống bị nước thấm qua thân cống, sáu cống bị hỏng bể tiêu năng và năm cống bị hỏng cửa van… 

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, Đắk Lắk là tỉnh có số lượng hồ, đập, công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên và được xây dựng trong nhiều thời kỳ khác nhau và nhiều chủ đầu tư, đơn vị xây dựng khác nhau… Do đó, hiện nay nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, đặc biệt là các hồ chứa nước thủy lợi, trong đó một số hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng nặng nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, vừa không bảo đảm nguồn nước phục vụ nhân dân sản xuất, vừa mất an toàn cao trong mùa mưa, lũ, đe dọa đến cuộc sống của những hộ dân và diện tích sản xuất ở phía hạ du…

Thiếu kinh phí sửa chữa

Cũng theo vị lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, với hàng loạt hồ, đập, công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng đòi hỏi tỉnh cần một nguồn kinh phí rất lớn để sửa chữa, nâng cấp, trong khi đó Đắk Lắk vẫn là một tỉnh nghèo, chi ngân sách vẫn phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ của Trung ương nên kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập, công trình thủy lợi gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ tính từ năm 2019 đến 2021, số lượng hồ, đập, công trình thủy lợi bị hư hỏng trên địa bàn tỉnh được bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp là 72 công trình, với tổng kinh phí đầu tư là 648,20 tỷ đồng, trong đó vốn WB8 (dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập) là hơn 421,92 tỷ đồng; ngân sách Trung ương và tỉnh là 105,5 tỷ đồng; vốn chống hạn cấp bách là 33,8 tỷ đồng; vốn khắc phục bão số 12 là 6,6 tỷ đồng; vốn sự nghiệp thủy lợi năm 2020 là 4,1 tỷ đồng; vốn vay ADB là 33,40 tỷ đồng và vốn bổ sung Điều lệ cho Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi là 21,7 tỷ đồng… Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm trôi qua nhưng mới có khoảng 12 công trình được sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện, 45 công trình đang triển khai năm 2020 và 15 công trình còn lại phải đợi đến năm 2021 mới có thể triển khai. 

Nếu không sớm có giải pháp xử lý, lúc vào thời kỳ cao điểm mùa mưa, lũ, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa, lũ xảy ra bất thường như những năm gần đây ở Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung thì những hồ, đập, công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, mất an toàn này sẽ là mối đe dọa đối với hàng nghìn hộ dân ở hạ lưu và khiến họ luôn sống trong trạng thái bất an, nơm nớp lo sợ an toàn tính mạng và tài sản mỗi khi mùa mưa, lũ đến.