Hà Nội trẻ

Hạn chế rác thải nhựa từ những hành động nhỏ

Một ngày đầu tháng 3/2024, các bà, các cô đi chợ Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bất ngờ được các đoàn viên thanh niên trao tặng những chiếc làn và túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy. Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực của đoàn viên thanh niên Thủ đô, góp phần giảm rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên thanh niên Thủ đô tặng làn đi chợ cho người dân trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Đoàn viên thanh niên Thủ đô tặng làn đi chợ cho người dân trên địa bàn huyện Thanh Trì.

Chợ Quỳnh Đô trên địa bàn huyện Thanh Trì có nhiều gian hàng phong phú, thu hút đông đảo người dân tới kinh doanh, mua sắm. Việc sử dụng túi ni-lông để đựng các loại thực phẩm là thói quen nhiều năm của cả người bán lẫn người mua. Khi dùng làn để đi chợ, người dân có thể để trực tiếp nhiều loại thực phẩm như rau, củ, quả, đồ khô… vào làn mà không cần túi ni-lông. Bác Nguyễn Minh Chi (ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) cho biết: “Tôi cũng giống mọi người, vẫn quen sử dụng túi ni-lông mỗi khi mua đồ ăn, thậm chí còn xin thêm để xách, về nhà thì lại vứt bỏ. Nay được các cháu tặng chiếc làn, tôi thấy mình cũng cần có ý thức hơn trong việc giảm sử dụng túi ni-lông”.

Không chỉ tặng làn và túi hữu cơ tự phân hủy, các đoàn viên thanh niên còn tuyên truyền, phổ biến tới người dân, các hộ kinh doanh trong chợ về những nguy hại của rác thải nhựa đến môi trường, việc giảm rác thải nhựa cũng như khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng các loại túi ni-lông khi mua bán hàng hóa. Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, hướng tới hoạt động tiêu dùng bền vững là hết sức cần thiết. Tuổi trẻ Thủ đô đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, nhất là trong việc giảm số lượng, tần suất sử dụng các chất thải từ nhựa, tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế. Trong đó, hưởng ứng Tháng Thanh niên 2024 của Tuổi trẻ Thủ đô với chủ đề “Thanh niên Thủ đô xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, Thành đoàn Hà Nội đã ra mắt ba đội hình tình nguyện gồm: Đội hình tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa; Đội hình bóc xóa quảng cáo, rao vặt và Đội hình giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa.

Đội hình tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa sẽ đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về sử dụng chất thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung; vận động người dân hạn chế dùng túi ni-lông, sản phẩm nhựa một lần, thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt, hạn chế mức độ gia tăng của rác thải nhựa... Đội hình bóc xóa quảng cáo, rao vặt sẽ tổ chức các hoạt động ra quân cao điểm bóc xóa quảng cáo rao vặt, tổng vệ sinh môi trường, xử lý bảng, biển hiệu, mái che, bục bệ sai quy định... Còn đội hình giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa với nòng cốt là đoàn viên thanh niên tại địa phương sẽ tham gia các hoạt động cao điểm Ngày thứ bảy tình nguyện, chủ nhật xanh..., ra quân giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư, chợ dân sinh, các tuyến đường thanh niên...

Theo số liệu thống kê, mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó có hơn 1.000 tấn rác thải nhựa. Số lượng chất thải nhựa này vẫn chưa được thu gom và xử lý riêng, phần lớn được thu gom và chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Rác thải nhựa mất từ hàng trăm đến hàng nghìn năm để tự phân hủy. Khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên các bề mặt nước, đất, rác thải nhựa sẽ gây ra ô nhiễm, ảnh hưởng đến mọi sinh vật sống, bao gồm cả con người. Trước tình trạng này, Chính phủ đã phê duyệt đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2025, sử dụng toàn bộ túi ni-lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, phục vụ cho mục đích sinh hoạt, thay thế túi ni-lông khó phân hủy; tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh…

Việc làm của đoàn viên thanh niên Thủ đô là “Hành động nhỏ-ý nghĩa lớn”, góp phần giúp người dân giảm dần và tiến đến nói không với rác thải nhựa dùng một lần; qua đó, góp phần xây dựng môi trường Thủ đô xanh, văn minh, thân thiện ■