Hà Nội chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu

Để chủ động đối phó với những tình huống thời tiết bất thường, Hà Nội đã chủ động xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội sẵn sàng ứng trực tại các điểm thường xuyên xảy ra ngập úng.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội sẵn sàng ứng trực tại các điểm thường xuyên xảy ra ngập úng.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dự báo tình hình thời tiết, thủy văn năm 2024 có thể diễn biến phức tạp khó lường. Để chủ động đối phó với những tình huống thời tiết bất thường, thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt tới các cấp, ngành nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị; sẵn sàng với các tình huống có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, các sở, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã sớm rà soát, triển khai lực lượng, vật tư, phương tiện và hậu cần theo phương châm bốn tại chỗ; đồng thời xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.

Công tác kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, bờ bãi sông được thực hiện thường xuyên, các sự cố, hư hỏng công trình đê điều được phát hiện, báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời. Các đơn vị đã rà soát, xây dựng phương án ứng phó đối với năm trọng điểm xung yếu đê điều, phương án phòng, chống úng ngập khu vực nội thành và tiêu úng khu vực ngoại thành, bảo đảm sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thiện việc kiện toàn bộ máy chỉ huy, chỉ đạo và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 579/579 xã phường thị trấn đã thực hiện kiện toàn tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với sự tham gia của trên 60.000 người, trong đó nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ.

Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, tổng quân số hiệp đồng hơn 10.730 đồng chí và 303 phương tiện các loại.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị giao ban quý II/2024 giữa Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao tinh thần khẩn trương, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường, các cấp, ngành đã luôn đề cao tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ, đập; không để xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài và nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại khó khăn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai. Kịp thời đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, vướng mắc. Rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Thường xuyên kiện toàn bộ máy chỉ đạo, chỉ huy; bố trí đủ nguồn lực, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng để chủ động thực hiện tốt các kế hoạch, phương án đã phê duyệt theo phương châm bốn tại chỗ.

Các đơn vị chú trọng kiểm tra, theo dõi, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm, xung yếu, kịp thời phát hiện vi phạm, sự cố, nguy cơ gây mất an toàn để triển khai ngay các biện pháp xử lý sự cố; đồng thời tham mưu đầu tư, sửa chữa các công trình phòng chống lụt bão, úng ngập nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.