GS Trần Thanh Vân: Tôi và GS Nguyễn Văn Hiệu có gần 60 năm cùng một chí hướng

NDO -

Từ Pháp, Giáo sư vật lý Trần Thanh Vân rất sốc khi nhận được tin người bạn chí cốt của mình, Giáo sư, Viện sĩ (GS, VS) Nguyễn Văn Hiệu qua đời. Với ông, gần 60 năm quen nhau, cùng một chí hướng và 30 năm đồng hành chặt chẽ với nhau trong việc tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam, "anh Hiệu và tôi đã thành như anh em ruột thịt".

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và Giáo sư Trần Thanh Vân tại Quy Nhơn vào tháng 12/2011. (Ảnh: ICISE)
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và Giáo sư Trần Thanh Vân tại Quy Nhơn vào tháng 12/2011. (Ảnh: ICISE)

Giáo sư Trần Thanh Vân kể, ông nhận được tin Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu qua đời vào 9 giờ sáng 23/1, tức 15 giờ chiều theo giờ Việt Nam, qua email của GS Nguyễn Thị Minh Phương, người đã tham gia hội nghị đầu tiên của Hội Gặp gỡ Việt Nam mà GS Trần Thanh Vân và GS Nguyễn Văn Hiệu đồng tổ chức tại Hà Nội năm 1993.

"Tin như là sét đánh trong đầu tôi. Tôi có ngờ đâu, vì GS Hiệu trẻ hơn tôi 4 tuổi", GS Vân thổn thức nói.

GS Trần Thanh Vân:
 Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, vợ chồng GS Trần Thanh Vân và các nhà khoa học tại lễ kỷ niệm 10 năm Hội Gặp gỡ Việt Nam tại Bình Định. (Ảnh: ICISE)

Ông Vân kể, lần cuối cùng hai người gặp nhau là vào tháng 12/2019. "Anh em chúng tôi đang nghĩ tới tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên (tháng 7/1963) tại Sienna bên Italia và 30 năm ra đời của Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam mà anh Hiệu cùng tôi đã khởi xướng năm 1993", ông cho biết.

"Bao nhiêu khó khăn hai anh em chúng tôi luôn nắm tay nhau vượt qua. Làm sao tôi quên được người bạn khoa học độc nhất của tôi ở Việt Nam, người đã khuyến khích tôi về Việt Nam lần đầu tiên và đồng hành với tôi cho đến nay", GS Trần Thanh Vân xúc động nói.

"Giữa anh Hiệu với tôi, mặc dù ở trong những điều kiện khác nhau song luôn cùng một chí hướng là phục vụ thật sự cho khoa học và giáo dục nhất là cho giới trẻ đang khao khát khoa học".

Sự gặp gỡ duyên phận của hai nhà khoa học lớn

GS Trần Thanh Vân:
 Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và vợ chồng GS Trần Thanh Vân. (Ảnh: ICISE)

GS Trần Thanh Vân sinh năm 1934, quê Đồng Hới, Quảng Bình. Năm 1953, khi 19 tuổi, ông qua Pháp học tập và tốt nghiệp Đại học Paris với 2 bằng cử nhân Vật lý và Toán học. Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Đến năm 1966, ông là tiến sĩ về lĩnh vực vật lý hạt cơ bản. Suốt từ đó cho đến lúc nghỉ hưu, ông giảng dạy tại Đại học Paris và là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. 

Còn GS Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938, tại xã Hà Cầu, Hà Ðông, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Năm 1956, ông tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội. Từ năm 1956 đến 1960, sau khi tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc Trường đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Tháng 10/1960, ông được cử đi đào tạo tại Liên Xô. Ông đã nhanh chóng đạt được học vị Tiến sĩ (1963) và Tiến sĩ khoa học Toán-Lý (1964), trở thành Giáo sư Vật lý của Trường đại học Tổng hợp Lomonosov danh tiếng từ năm 1968, khi mới 30 tuổi.

Lần đầu tiên hai người gặp nhau là năm 1963 tại Italia. "Lúc anh em chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên là đúng lúc anh Hiệu vừa mới xong luận án Tiến sĩ ở Liên Xô (trước đây) và tôi cũng vừa mới xong Tiến sĩ ở Pháp. Hai tân Tiến sĩ còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như trách nhiệm thì chỉ biết trao đổi về khoa học và tình bạn", GS Trần Thanh Vân nhớ lại.

"Quen biết và có cảm tưởng tốt đối với nhau là rất quan trọng trong thời kỳ chiến tranh ấy. Đi chơi với nhau, xây dựng tình cảm và hiểu biết nhau không bị những xuyên tạc giữa hai miền đấy là may mắn nhất của tôi lúc được gặp anh Hiệu trong lúc còn trẻ", vị giáo sư 88 tuổi nói.

"Về sự nghiệp khoa học thì ở Việt Nam không ai có thể so sánh với anh Hiệu được đâu. Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ tài năng khoa học của anh Hiệu ngay từ ngày đầu tiên, một nhà khoa học có một không hai. Anh Hiệu đã đóng góp rất nhiều cho Viện Vật lý lý thuyết ở Dubna. Lúc tôi thăm Trung tâm năng lượng cao của nước Nga ở TP Dubna, tôi rất cảm kích và hãnh diện lúc thấy hình của anh Hiệu được treo trong sảnh chính của Trung Tâm cùng với GS Bogoliubov, một trong những nhà khoa học lý thuyết quan trọng nhất trong cộng đồng quốc tế", GS Nguyễn Thanh Vân đánh giá về bạn mình.

Và 30 năm cùng bên nhau gánh vác trách nhiệm khoa học

Nhưng rồi do chiến tranh, khoảng cách về địa lý, hai người đã không gặp nhau trong suốt 30 năm ròng. Trong thời gian đó, cả hai người đều đã làm được rất nhiều việc, cống hiến rất nhiều cho nền khoa học.

GS Trần Thanh Vân:
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu chụp cùng GS Trần Thanh Vân và vợ là GS Lê Kim Ngọc khi lên núi Alpes dự Gặp gỡ Moriond lần thứ 34 năm 1999. Tại đây, GS Nguyễn Văn Hiệu đã trình bày về Vật lý ở Việt Nam với cộng đồng quốc tế. (Ảnh: GS Trần Thanh Vân cung cấp)

Năm 1966, GS Trần Thanh Vân khởi xướng diễn đàn Gặp gỡ Moriond, tại làng Moriond bên dãy núi Alpes, tập hợp khoảng hơn 20 nhà vật lý trẻ từ Pháp, Đức và Italia. Ý tưởng của ông là không tổ chức một hội nghị khoa học thông thường (conference, symposium, colloque…), mà muốn tạo ra một mô hình mới: những cuộc "gặp gỡ" ("Rencontres" theo tiếng Pháp). Với mô hình "gặp gỡ" này, địa điểm tổ chức phải ở một nơi an tĩnh, các nhà khoa học, dù đã đoạt giải Nobel hay chỉ là một tiến sĩ trẻ, cùng ở một nơi, cùng đi trượt tuyết, đi dạo chung để cởi mở hơn, thoải mái hơn và cùng nhau hợp tác nghiên cứu. 

Sau Gặp gỡ Moriond, năm 1989, ông tiếp tục khởi xướng Gặp gỡ Blois tập trung chuyên sâu hơn, mời những nhà khoa học uy tín lớn hơn.

Đến nay, "Gặp gỡ Moriond" vẫn họp vào tháng 3 mỗi năm tại vùng Savoie ở nước Pháp, thu hút gần 400 diễn giả và nhà khoa học, còn "Gặp gỡ Blois" được tổ chức trọng thể vào tháng 5 mỗi năm, tại Lâu đài chính của thành phố Blois. Cuộc gặp gỡ này là một trong những hội thảo vật lý quốc tế uy tín nhất với mục đích để mở đường cho những nhà khoa học trẻ.

Còn GS, VS Nguyễn Văn Hiệu, năm 1969, ông đã trở về nước. Lúc này, chính phủ đang chủ trương thành lập một số viện nghiên cứu khoa học. Ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý (một trong hai viện đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam bấy giờ) và là thành viên của Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước. Ông là một viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp trong nghiên cứu vật lý, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu là người khai mở nhiều ngành khoa học-công nghệ cao cho Việt Nam

Để đưa khoa học Việt Nam tiệm cận thế giới, từ những năm 1970, Giáo sư Trần Thanh Vân đã có ý tưởng về việc tạo diễn đàn cho các nhà khoa học vật lý trong nước có cơ hội giao lưu với quốc tế. Nhưng mãi năm 1993, ý tưởng mới trở thành hiện thực khi ông gặp lại GS, VS Nguyễn Văn Hiệu và từ sự gợi ý của GS Hiệu, hai ông đã đồng tổ chức hội Gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên tại Hà Nội. 

Không như giai đoạn xa cách 30 năm trước, từ đó đến nay gần 30 năm, hai nhà khoa học đã liên tục đồng hành cùng nhau. Tất cả các sự kiện GS Trần Thanh Vân tổ chức tại Việt Nam đều có sự tham gia, hỗ trợ của GS, VS Nguyễn Văn Hiệu. Nhờ uy tín của GS Hiệu tại Việt Nam, những kế hoạch, tâm huyết của GS Trần Thanh Vân mới thành hiện thực.

GS Trần Thanh Vân:
GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Trần Thanh Vân và GS Jack Steinberger, người từng đoạt giải vật lý Nobel năm 1988, tại Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên năm 1993. (Ảnh: GS Trần Thanh Vân cung cấp)

"Trong 60 năm đồng hành thì có biết bao nhiêu kỷ niệm tôi không kể hết được. Nhưng tôi nhớ mãi một chuyện nhỏ, song thể hiện được con người đáng quý của anh Hiệu. Năm 1997, tôi có mời GS James Cronin, từng đoạt giải Nobel Vật lý về giảng dạy ở Hà Nội và có tổ chức một buổi nói chuyện của GS Cronin với sinh viên các trường đại học. Không có ai phiên dịch, anh Hiệu xung phong làm phiên dịch. Và chẳng những phiên dịch, anh còn giải thích thêm và hùng hồn truyền lửa cho các sinh viên. Ngay cả GS Cronin, tuy không hiểu tiếng Việt nhưng rất ấn tượng. Riêng tôi thì không thể nói ra được sự ngưỡng mộ và hãnh diện có một người bạn tài năng như thế", GS Trần Thanh Vân nói.

Cũng theo GS Vân, không chỉ trong công việc, về con người, GS Hiệu cùng thật tuyệt vời. "Anh Hiệu luôn luôn cởi mở, chân tình và gần gũi người khác. Anh đã tạo nên một ấn tượng rất tốt với GS Odon Vallet, người đã dành số lãi từ tiền thừa kế của mình để trao học bổng cho các học sinh nghèo học giỏi tại Việt Nam".

GS Trần Thanh Vân:
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu trao học bổng cùng GS Odon Vallet cho học sinh Việt Nam vượt khó học giỏi. (Ảnh: GS Trần Thanh Vân cung cấp)

Sau một thời gian tổ chức Gặp gỡ Việt Nam tại Hà Nội, GS Trần Thanh Vân thấy rằng nếu hội nghị tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhà khoa học dễ bị phân tán, nên với sự giúp đỡ của Bình Định và sự đồng hành của GS Hiệu, GS Vân chọn Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng để tổ chức thường niên Gặp gỡ Việt Nam từ năm 2011. Địa điểm này không quá xa trung tâm thành phố, nhưng lại có tính biệt lập để nhà khoa học có không gian riêng, chuyên tâm vào khoa học, suy ngẫm và gặp gỡ.

Tại đây, năm 2013, vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã khánh thành Trung tâm Khoa học giáo dục liên ngành (ICISE), trở thành ngôi nhà chung cho khoa học Việt Nam và thế giới.

GS Trần Thanh Vân:
GS Nguyễn Văn Hiệu và GS Jerome Friedman (giải Nobel Vật lý năm 1990). (Ảnh: ICISE)

"Điều quan trọng nhất mà cũng là điều mà tôi luôn luôn lặp đi lặp lại trong các phát biểu của tôi là: Nếu tôi có đóng góp một chút gì cho quê nhà, về khoa học cũng như về giáo dục, tất cả đều có công lao của anh Hiệu. Không có anh Hiệu thì tôi khó mà về Việt Nam được, mà dù có về đi nữa mà không có anh Hiệu để che chở, tư vấn và bảo vệ thì tôi đã không thể thành công. Tôi không bao giờ quên ơn anh Hiệu", GS Nguyễn Thanh Vân khẳng định.

"Sau gần 60 năm quen nhau và cùng một chí hướng và đồng hành chặt chẽ với nhau trong 30 năm gần đây, anh Hiệu và tôi đã thành như anh em ruột thịt, luôn luôn chia sẻ với nhau tất cả vui và buồn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Anh Hiệu ra đi, tôi cảm thấy tôi trở thành trẻ mồ côi, không biết làm sao đối phó được những khó khăn trong tương lai", vị giáo sư già đang sống ở Pháp nhưng luôn đau đáu giúp Việt Nam phát triển khoa học-công nghệ nói.