Góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

NDO - Chiều 5/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo là dịp để đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách và làm tốt vai trò thành viên tích cực của Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết: Hội thảo ngày hôm nay được tổ chức để tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các hội thành viên, các chuyên gia, các nhà khoa học. Chúng tôi mong muốn được lắng nghe các nhà khoa học cùng thảo luận, đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, khách quan nhằm góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch.

Kể từ khi được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giao nhiệm vụ, chỉ trong một thời gian rất ngắn, các hội thành viên của liên hiệp hội cùng rất nhiều chuyên gia đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến tham gia hoàn thiện dự thảo.

Qua nghiên cứu tài liệu, các chuyên gia trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã đánh giá cao Dự thảo Quy hoạch được xây dựng một cách công phu, có trách nhiệm và thể hiện được tính khoa học cao, có kết cấu khá phù hợp, để cập đến các vấn đề cốt lõi của công tác quy hoạch, đã đưa ra quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, nội dung dự thảo Quy hoạch đã đề cập đến tổng thể các ngành hạ tầng kỹ thuật, như: Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; Hạ tầng năng lượng; Hạ tầng thông tin và truyền thông; Hệ thống công trình phòng chống thiên tai và hệ thống thủy lợi; Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và quan trắc môi trường; Quy hoạch vùng trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy; Hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng.

Tuy nhiên, dự thảo chưa nêu được luận chứng để phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật mà đi sâu vào trình bày quy mô phát triển của từng ngành; chưa đề cập tới điều kiện để thực hiện Quy hoạch, thí dụ: dự kiến nhu cầu sử dụng quỹ đất, nhu cầu về vốn cho từng giai đoạn, các hình thức huy động vốn, yếu tố nguồn nhân lực hay các giải pháp về chính sách phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và khả năng đáp ứng của Việt Nam là những yếu tố quan trọng quyết định tính khả thi của quy hoạch nhưng chưa được đưa vào dự thảo luật. Hoặc một số nội dung thiếu sự thống nhất về bố cục trong toàn bộ dự thảo, còn thiếu triết lý quy hoạch, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi và xuyên suốt, làm kim chỉ nam trong toàn bộ quy hoạch,...